Bác sĩ đề xuất: 2 nhóm F0 dù có triệu chứng hay không vẫn ít có nguy cơ trở nặng, nên để cách ly tại nhà

31/07/2021 13:45 PM | Xã hội

Theo tôi, Bộ Y tế nên cân nhắc lọc ra các bệnh nhân ít có nguy cơ trở nặng cho dù tại thời điểm có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, bệnh nhân đang có hay đang không có triệu chứng.

Cho tới hiện nay ta quản lý F0 để giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Do dịch tăng nhanh và đã lây lan mạnh ở cộng đồng, việc quản lý F0 tập trung ít mang lại hiệu quả phòng dịch, giảm hiệu quả phát hiện sớm các trường hợp trở nặng, giảm khả năng chăm sóc các trường hợp trở nặng đồng thời tăng chi phí quản lý. Vì vậy, việc khuyến cáo cho cách ly F0 tại nhà là cần thiết.

Tuy nhiên, việc lựa chọn F0 nào cho cách ly tại nhà để đảm bảo an toàn rất quan trọng, tránh hoặc hạn chế tối đa tình trạng F0 ở nhà khi trở nặng không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế.

Chúng ta nghe nhiều tới khái niệm F0 không triệu chứng. Nhiều người cho rằng đây là nhóm bệnh nhân nhẹ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Bộ Y tế cho "nhóm nhẹ" này về cách ly tại nhà. Tuy nhiên việc chọn nhóm không triệu chứng có 1 số vấn đề sau:

Những người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV2 ngay lúc đó không có triệu chứng nhưng có thể có triệu chứng vào những ngày sau. Tất nhiên sau khi có triệu chứng, bệnh nhân sẽ được đưa đi cách ly. Nhưng cho dù có đưa bệnh nhân đi cách ly tập trung sau khi có triệu chứng thì giá trị phân loại có triệu chứng và không có triệu chứng đã mất đi 50% ý nghĩa tiên lượng diễn biến bệnh sẽ trở nặng trong tương lai.

Rất nhiều người có triệu chứng nhưng không diễn biến nặng. Họ chỉ bị hắt hơi, xổ mũi, đau họng, sốt vài ngày là khỏi. Việc đem gom những người này vào khu cách ly tập trung vừa gây áp lực cho chính họ, vừa gây áp lực cho nhân viên y tế và tốn kém ngân sách nhà nước.

Như vậy, bằng việc lựa chọn nhóm người không có triệu chứng cho cách ly ở nhà, ta vẫn đặt bệnh nhân vào nguy hiểm vì tỷ lệ không nhỏ người bệnh khi trở nặng rất khó tiếp cận các dịch vụ y tế đang quá tải tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, rất nhiều người chỉ bị cảm mạo thông thường lại phải vật vã ở các trung tâm cách ly và bệnh viện thu dung.

Theo tôi, Bộ Y tế nên cân nhắc lọc ra các bệnh nhân ít có nguy cơ trở nặng cho dù tại thời điểm có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, bệnh nhân đang có hay đang không có triệu chứng.

Theo tôi, F0 cho cách ly ở nhà cần thỏa mãn một trong 2 nhóm tiêu chuẩn sau:

A. Đã tiêm vaccine hơn 2 tuần (tiêm đủ 2 mũi hay tối thiểu 1 mũi theo quy định của Bộ Y tế)

B. Đảm bảo có đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau:

+ < 40 tuổi (xác suất tử vong 1.7%) hoặc < 50 tuổi (xác suất tử vong 4.8%). Mức nào do Bộ Y tế lựa chọn và quyết định. (1)

+ Không béo phì.

+ SpO2 >/= 95%

Với nhóm B, có thể sàng lọc thêm bệnh nền như ung thư, suy giảm miễn dịch, tiểu đường, hoặc cao huyết áp để đưa đi viện sớm.

Tài liệu tham khảo:

https://www.cdc.gov/nchs/nvss/vsrr/covid_weekly/index.htm?fbclid=IwAR037MF47os0EiBheAqpdQianZKnQo4Dx6qYCKsJjVGd5-5PrR1XLnjA3PE

BS Bùi Nghĩa Thịnh

Cùng chuyên mục
XEM