Anh có thể rời EU thì Donald Trump cũng có thể trở thành Tổng thống Mỹ?
Nếu người Mỹ tình cờ có chung suy nghĩ và cảm xúc với người Anh, thì có lẽ chiến thằng của ông Donald Trump trong tháng 11 là không quá xa vời.
Cách đây 1 tháng, Donald Trump đã tự tuyên bố mình chính là “Quý ông Brexit ” trên tài khoản Twitter cá nhân. “Họ sẽ gọi tôi là QUÝ ÔNG BREXIT sớm thôi!”
Dòng trạng thái này của Trump có ý nghĩa gì? Liệu có phải ông đang cố gắng chứng tỏ rằng mình đã đúng khi kêu gọi cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên Minh Châu Âu? Hay dòng tweet của ông lấy cảm hứng từ những dữ liệu do giới bán lẻ Anh công bố trong cùng ngày cho thấy thiệt hại của Brexit lên nền kinh tế Anh không đáng sợ như dự báo?
Hay đó chính là lời thề quyết tâm giành chiến thắng trong tháng 11 của ông Trump sau khi nhìn thấy chiến thắng của phe Rời Đi tại Anh trong tháng 6 vừa rồi? Quan sát những gì diễn ra ở Anh và những bất ngờ mà Donald Trump mang lại suốt từ đầu mùa tranh cử đến nay, ta sẽ thấy có ít nhiều sự tương đồng giữa thái độ phản đối người nhập cư của Trump và Chủ Nghĩa Hoài Nghi Châu Âu của người Anh?
Chính suy nghĩ của ông Donald Trump về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý của người Anh có vẻ như đã khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều chính khách phe cánh hữu của Mỹ, những người cho rằng Brexit chính là bằng chứng xác thực cho quan điểm của họ.
Nhiều cử tri trung niên tích cực trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây của ông Trump tại Pennsylvania cũng như tại Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng Hoà tại Cleveland cho biết họ cũng muốn một điều gì đó giống như Brexit nhằm lật độ bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh hiện nay.
Một trong những “bại tướng” dưới tay ông Donald Trump, ông Ted Cruz, cũng đã từng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của nhiều cử tri khi phát biểu điều tương tự về ý nghĩa của Brexit.
Tuy nhiên, có lẽ họ đã nhầm. Brexit không hướng tới một bộ máy quản lý nhẹ nhàng hơn. Thay vào đó, giống như chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng phản đối toàn cầu hoá của ông Trump - Trumpism, cuộc bỏ phiếu của người Anh cho thấy nhu cầu của người dân Anh về một khái niệm chủ quyền quốc gia đơn giản hơn, mà trong đó tách biệt là sức mạnh.
Brexit là lời kêu gọi quay ngược thời gian, trở về thời Vương Quốc Anh tách biệt. Rõ ràng, giống như Trumpism, Brexit chính là lá phiếu chống lại người nhập cư, cũng như đi ngược lại xu thế hợp tác và chủ nghĩa quốc tế.
Trước đây, những cử tri Anh với tư tưởng cấp tiến và tươi sáng hơn, đặc biệt là cử tri London và các cử tri trẻ tuổi, đã từng mạnh mẽ phản đối Brexit và tư tưởng bài trừ ngoại quốc của phe Rời đi; nhưng sự phản đối của họ đã không đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, khác với Anh, nước Mỹ chắc hẳn sẽ khiến ông Trump gặp nhiều khó khăn hơn. So với cử tri Anh, cử tri Mỹ có độ tuổi trẻ hơn và có xuất thân phong phú hơn; tư tưởng của họ cũng đa dạng hơn.
Rõ ràng hiện ông Trump đang phải nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ từ mọi tầng lớp cử tri, bởi so với Chiến dịch Rời đi tại Anh, chiến dịch tranh cử của ông có phần phản cảm và làm nhiều người mất lòng hơn.
Tuy nhiên, ở Anh, điều bất ngờ đã xảy ra. Do đó, nếu người Mỹ tình cờ có chung suy nghĩ và cảm xúc với người Anh, thì có lẽ chiến thằng của ông Donald Trump trong tháng 11 là không quá xa vời.