Anh bảo vệ trông xe ở cổng trường đại học: Nhờ 1 câu nói của giáo viên nọ mà đời thay đổi ngoạn mục, giờ làm chức hơi bị oách

21/01/2022 13:47 PM | Sống

Cuộc đời của anh bảo vệ thay đổi nhờ sự chăm chỉ học hành.

Chỉ cần có ý chí, sự nỗ lực thì ai cũng có thể thành công - đó chính là câu chuyện về anh bảo vệ Trương Tuấn Thành (sinh năm 1976) đang gây xôn xao Trung Quốc thời gian gần đây.

Năm 1994, do gia cảnh khó khăn, Trương Tuấn Thành ở thành phố Trường Chí, tỉnh Sơn Tây đã không thi lên cấp 3 mà bỏ học giữa chừng. Sau đó anh Trương trở thành bảo vệ gác cổng phía Tây của Đại học Bắc Kinh - một trong hai đại học danh tiếng top đầu Trung Quốc.

Vào những năm 90, trào lưu học Tiếng Anh lan rộng trong khuôn viên trường. Ngồi gác ở cổng trường, anh Trương gặp rất nhiều du học sinh đến từ các nước và muốn nói chuyện với họ. Vậy nên anh đã mua cuốn "100 câu Tiếng Anh thông dụng" để học.

Một tối nọ, Trương Tuấn Thành vừa gác cổng vừa học Tiếng Anh. Lúc này, Giáo sư Cao Yên của khoa Ngôn ngữ phương Tây tình cờ đi qua đã nhắc nhở: "Ham học hỏi là điều tốt, nhưng tôi nghe anh đọc Tiếng Anh mấy ngày qua còn tưởng là Tiếng Đức. Nếu mà anh nói chuyện với người nước ngoài sẽ khiến họ phát điên đó".

Một tháng sau, Giáo sư Cao gọi anh Trương lên văn phòng, đưa cho anh giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo trước kỳ thi GRE và giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo đầu vào đại học dành cho đối tượng tự học. Giáo sư Cao nói, anh có thể chọn học những khóa Tiếng Anh cơ bản. Được biết, Giáo sư Cao đã xin ảnh của Trương Tuấn Thành từ đội an ninh và giúp anh ấy dán nó vào giấy chứng nhận tham gia lớp học.

Anh bảo vệ trông xe ở cổng trường đại học: Nhờ 1 câu nói của giáo viên nọ mà đời thay đổi ngoạn mục, giờ làm chức hơi bị oách - Ảnh 1.

Trương Tuấn Thành thời làm bảo vệ ở trường Bắc Kinh.

Sau đó, Trương Tuấn Thành đã đỗ kỳ thi đầu vào dành cho đối tượng tự học và được nhận vào khoa Luật của trường ĐH Bắc Kinh, trở thành nhân viên an ninh đầu tiên của trường làm được điều này.

Sau khi tốt nghiệp, Trương Tuấn Thành về quê, trở thành giáo viên ở một trường dạy nghề. Năm 2015, anh Trương quyết định thành lập một trường dạy nghề của riêng mình và giữ chức Hiệu trưởng. Ở ngôi trường này, triết lý giáo dục là tình yêu thương và trách nhiệm với con trẻ.

Trương Tuấn Thành cho biết, ở các ngôi trường khác, anh không thể hoàn toàn áp dụng này nên mới mở trường riêng. Tại trường, 70 - 80% học sinh đến từ các vùng nông thôn, thậm chí một số còn rất nghèo. Với những học sinh nghèo, chi phí học tập gần như bằng 0, đã vậy còn có cơ hội tìm việc làm cao.

"Họ có thể kiếm chi phí sinh hoạt, ăn ở và các chi phí khác thông qua các chương trình vừa học vừa làm và thực tập. Khoản chi phí họ bỏ ra trong ba năm có thể nói là gần như bằng không.

Anh bảo vệ trông xe ở cổng trường đại học: Nhờ 1 câu nói của giáo viên nọ mà đời thay đổi ngoạn mục, giờ làm chức hơi bị oách - Ảnh 2.

Trương Tuấn Thành hiện tại.

Sau khi học xong, học sinh đến các doanh nghiệp được chỉ định để thực tập. 80% cựu học sinh đã học tiếp lên đại học", Trương Tuấn Thành tự hào chia sẻ. Vị hiệu trường này cũng tâm sự, bản thân luôn mong muốn giới trẻ có thể thay đổi vận mình qua việc học, giống như trường hợp của anh.

Câu chuyện của Trương Tuấn Thành sau khi được chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội đã khiến dư luận Trung Quốc vô cùng xúc động. Họ nhận xét rằng, Trương là một "anh hùng phi thường", và tin rằng "giáo dục phải như vậy".

"Một hiệu trưởng hiểu những khó khăn của học sinh hơn, ông ấy cũng sẽ hiểu tầm quan trọng và giá trị của kiến thức đối với học sinh", cư dân mạng Trung Quốc bình luận.

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM