Ăn uống ngày Tết vừa vui vừa khỏe vừa không lo Covid-19 tấn công: Chuyên gia đầu ngành chia sẻ bí quyết

11/02/2021 08:04 AM | Sống

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đã có những chia sẻ về việc ăn Tết vui khỏe lại không phải sợ hãi bởi nCoV rình rập bên ngoài.

Dịp Tết là dịp gia đình đoàn tụ, anh em, bạn bè ăn uống, sum vầy cùng nhau bên mâm cơm cổ truyền. Cùng với đó là dịp để mọi người trò chuyện, chia sẻ về những vui buồn đã qua, cùng từ bỏ những điều không vui, hướng tới những điều tươi sáng ở năm mới.

Nhưng năm nay Tết khác hẳn mọi năm. Vì khi chúng ta đang nghỉ ngơi bên gia đình, đội ngũ phòng chống dịch tuyến đầu vẫn đang ngày đêm cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như khẩn cấp truy vết những trường hợp F1, F2... nhằm ngăn chặn dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Trước tình hình đó, bản thân mỗi người cần ý thức hơn trong việc phòng chống dịch để chung tay dập dịch, nhất là trong kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Ăn uống ngày Tết vừa vui vừa khỏe vừa không lo Covid-19 tấn công: Chuyên gia đầu ngành chia sẻ bí quyết - Ảnh 1.

Dịp Tết là dịp gia đình đoàn tụ, anh em, bạn bè ăn uống, sum vầy cùng nhau bên mâm cơm cổ truyền.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng có những chia sẻ đôi điều về việc ăn uống trong kỳ nghỉ Tết để công tác phòng chống dịch hiệu quả nhất, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Ăn uống ngày Tết vừa vui vừa khỏe vừa không lo Covid-19 tấn công: Chuyên gia đầu ngành chia sẻ bí quyết - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội).

PV: Thưa phó giáo sư, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vậy thói quen của người dân trong dịp Tết Tân Sửu năm nay cần thay đổi như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. Không chỉ riêng ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang... cùng một số tỉnh miền Trung, miền Nam cũng có người nghi nhiễm. Do đó, trong Tết cổ truyền năm nay, chắc chắn thói quen của người dân cần phải thay đổi.

Để công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả trong dịp Tết, sự thay đổi không chỉ đến từ việc ăn uống, việc cùng nhau ngồi trên bàn ăn mà còn là trong khi gặp gỡ, trò chuyện... mọi thói quen đều cần phải thay đổi. Tất cả cần phải có sự trầm lắng hơn thay vì sự sôi nổi, ồn ào như bình thường.

Ăn uống ngày Tết vừa vui vừa khỏe vừa không lo Covid-19 tấn công: Chuyên gia đầu ngành chia sẻ bí quyết - Ảnh 3.

Tất cả cần phải có sự trầm lắng hơn thay vì sự sôi nổi, ồn ào như bình thường.

PV: Ở khía cạnh thói quen ăn uống trong dịp Tết, theo ông, chúng ta cần thay đổi cụ thể ra sao?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nguyên tắc quan trọng hàng đầu là hạn chế tiếp xúc. Không chỉ ở việc tránh đi thăm họ hàng, chúc Tết đầu làng cuối xóm nữa mà ngay cả trên mâm cơm, thói quen ăn uống của một gia đình cũng cần thay đổi.

Nếu như trước đây, có người đến thăm hỏi là chúng ta kéo xuống ngồi vào mâm cơm, ăn một miếng lấy may cùng gia đình thì thói quen này tạm gác lại đã. Khoảng cách ngồi ăn uống giữa các thành viên trong gia đình cũng cần duy trì chứ đừng nói đến việc có người ngoài gặp bữa cơm vào ngồi cùng.

Trước khi ăn, tất cả các thành viên cần thực hiện công đoạn rửa tay sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn hoặc nước rửa tay khô để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn. Đây là thói quen tốt trong việc bảo vệ sức khỏe không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày bởi lẽ chúng giúp diệt mọi loại virus, vi khuẩn... rất hiệu quả.

PV: Ngày Tết, nhiều người vẫn có thói quen ngồi lai rai, nhậu nhẹt, nói chuyện. Theo ông, điều này nguy hiểm thế nào khi ngồi trên mâm cơm quây quần?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Việc tụ tập anh em, bạn bè ăn uống tại nhà là điều cần tránh trong thời điểm này. Thói quen lai rai, nhậu nhẹt, "chém gió" thì càng nên tránh.

Chúng ta đều biết, nguyên nhân chính khiến Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng chính là thông qua những giọt bắn trong quá trình nói chuyện, hắt hơi... cũng như đồ dùng ăn uống như bát đĩa, cốc chai của người nhiễm bệnh.

Do đó càng hạn chế nói chuyện với nhau trên mâm cơm bao nhiêu càng tốt, đồ dùng như bát đĩa, cốc uống... tốt nhất là riêng rẽ, tránh uống chung với nhau để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.

Ăn uống ngày Tết vừa vui vừa khỏe vừa không lo Covid-19 tấn công: Chuyên gia đầu ngành chia sẻ bí quyết - Ảnh 4.

Việc tụ tập anh em, bạn bè ăn uống tại nhà là điều cần tránh trong thời điểm này. Thói quen lai rai, nhậu nhẹt, chém gió thì càng nên tránh.

PV: Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện có một thành viên trong gia đình có những triệu chứng của bệnh Covid-19 thì cần có biện pháp xử lý như thế nào thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện nguy cơ lây nhiễm từ một thành viên trong gia đình thì người đó không nên ngồi ăn cơm chung với các thành viên khác nữa. Thay vào đó, người nghi nhiễm cần chủ động cách ly trong phòng riêng, ăn riêng với bát đũa riêng và đồ ăn thức uống cũng đựng riêng. Đối tượng nghi nhiễm cũng không nên tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp với các thành viên khác trong gia đình càng không được rời chân khỏi khu vực phòng riêng của mình.

PV: Ngoài những biện pháp phòng tránh trên mâm cơm Tết thì theo phó giáo sư, trong ăn uống, chúng ta cần tránh làm gì để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn vào dịp Tết này?

Vào dịp Tết, người dân có xu hướng ăn uống thiếu kiểm soát nhưng điều này thực sự không nên. Nhất là trong mùa dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi người dân cần có ý thức cao trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như vì gia đình, cộng đồng.

Người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi, chỉ ăn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không nên ăn đồ tái sống, đồ lưu cữu ngày này qua ngày khác phòng chống nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết.

Ăn uống ngày Tết vừa vui vừa khỏe vừa không lo Covid-19 tấn công: Chuyên gia đầu ngành chia sẻ bí quyết - Ảnh 5.

Tuyệt đối không nên ăn đồ tái sống, đồ lưu cữu ngày này qua ngày khác phòng chống nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết.

PV: Ngoài thói quen ăn uống cần thay đổi, theo phó giáo sư, liệu còn có những thói quen nào cần thay đổi vào dịp Tết này nữa không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nếu như Tết xưa chúng ta đi chỗ này chỗ kia để gặp gỡ, giao lưu, để thăm chào nhau thì nay không nên đến chúc nhau trực tiếp nữa. Tốt nhất là chỉ nên ngồi nhà. Nếu như trước khia, chúng ta lì xì cho trẻ nhỏ bằng tiền mặt, tay trao tay thân tình ấm áp thì nay điều đó không còn quan trọng nữa. Chúng ta vẫn chỉ ngồi nhà. Nếu như trước kia, chúng ta gặp nhau sau bao lâu xa cách là tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau. Nhưng giờ đây, dù quý nhau đến mấy cũng chỉ cúi đầu chào, miệng cười, nhanh tay thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên rồi lại nhanh chóng đeo khẩu trang vào phòng tránh bệnh.

Đừng quá lo lắng, khi không thể làm nhiều việc trong ngày Tết một cách trực tiếp, chúng ta vẫn có thể thực hiện qua điện thoại, online. Chào hỏi, chúc Tết qua điện thoại, mạng xã hội... có rất nhiều cách. Muốn lì xì lấy may cho trẻ nhỏ thì có thể thực hiện chuyển khoản online... Tết nên chỉ dành cho những người trong gia đình hoặc người thật sự thân thiết thay vì tụ tập, hỏi thăm như một thứ "lệ".

Lúc này, dù là trên mâm cơm hay hoạt động vui chơi, hãy chỉ nên hướng về gia đình, dùng thời gian nghỉ Tết chăm sóc nhau, quan tâm nhau ngay tại mái ấm của mình. Đó cũng chính là cách chúng ta hưởng thụ Tết an yên, ấm áp nhất không chỉ riêng trong mùa dịch Covid-19.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ từ chuyên gia!


Tiểu Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM