Ẩn số Tín Nghĩa trong cuộc chơi mới của ông Đặng Văn Thành

16/05/2016 11:06 AM | Kinh doanh

Các lĩnh vực hoạt động của Thành Thành Công và Tín Nghĩa rất đồng điệu với nhau: từ khu công nghiệp, bất động sản, đến nông sản, logistics.

Trước đây, khi nhắc đến doanh nhân Đặng Văn Thành, người ta thường nghĩ ngay đến Sacombank. Nhưng sau cuộc chia tay đầy biến cố với ngân hàng này, ông Thành đã quay trở lại với Thành Thành Công – đứa con tinh thần đầu tiên của ông và vợ.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trong suốt mấy chục năm qua là mía đường, Thành Thành Công (TTC) hiện là một tập đoàn kinh doanh bất động sản, nông sản, năng lượng, du lịch…

Và rồi mới đây, Thành Thành Công bất ngờ chi ra hơn 500 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Tín Nghĩa với tỷ lệ nắm giữ 35%. Liệu Tổng công ty này có phải là một mảnh ghép vừa vặn trong chiến lược hoạt động của TTC?


Nhà nước vẫn là cổ đông chính của Tín Nghĩa

Nhà nước vẫn là cổ đông chính của Tín Nghĩa

Có thể thấy, các lĩnh vực hoạt động của Thành Thành Công và Tín Nghĩa rất đồng điệu với nhau: từ kinh doanh nông sản, bất động sản, phát triển khu công nghiệp đến logistics, du lịch…

Lĩnh vực chính của TTC là mía đường và bất động sản với những công ty chủ lực như TTC Tây Ninh (SBT), Đường Biên Hòa (BHS) và Sacomreal (SCR). Bên cạnh đó tập đoàn này còn sở hữu hàng chục công ty thành viên lớn nhỏ trong các lĩnh vực kinh doanh nông sản, năng lượng, du lịch, giáo dục, logistics…

Trong khi đó, hoạt động chính của Tín Nghĩa là kinh doanh cà phê và phát triển bất động sản, cùng các lĩnh vực khác như xăng dầu, du lịch, logistics…

Tín Nghĩa cùng với Tổng Công ty Sonadezi hiện quản lý hầu hết các khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gồm có KCN Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6D, Tam Phước, Bàu Xéo, Tân Phú…

Tuy nhiên, lĩnh vực đem lại doanh thu chính cho Tín Nghĩa trong suốt 5 năm qua lại là xuất khẩu cà phê. Nhằm đẩy mạnh kinh doanh cà phê, Tín Nghĩa đã đầu tư trồng 700ha cà phê Arabica tại Lào và hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch. Tham vọng của công ty này là trồng khoảng 3.000 ha cà phê và xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân ở Lào.

Rõ ràng, với hệ thống kho bãi-logistics phụ trợ, TTC và Tín Nghĩa có thể bắt tay với nhau để phát triển lĩnh vực kinh doanh nông sản, với danh mục sản phẩm rộng khắp từ mía đường, dừa, chè, cà phê, hạt điều…

Không chỉ thế, bất động sản vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu từ cả 2 phía. Chưa kể hàng chục dự án khu công nghiệp với diện tích cả nghìn héc ta, Tín Nghĩa có nhiều dự án tham vọng trong lĩnh vực khu đô thị và du lịch như Khu đô thị Đông Sài Gòn (Nhơn Trạch, Đồng Nai), Bàu Trúc Resort (Ninh Thuận), Cù lao Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai)…

Dự án đáng kể nhất là Khu đô thị Đông Sài Gòn tại Đồng Nai với quy mô 942ha và tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 6 tỷ USD, được đầu tư bởi công ty con của Tín Nghĩa là CTCP Đầu tư Nhơn Trạch (NIC).

Tính đến 31/3/2016, NIC đã đầu tư vào khu đô thị Đông Sài Gòn gần 577 tỷ và hơn 804 tỷ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau 7 năm, dự án vẫn chưa có doanh thu. Doanh thu ít ỏi của NIC hoàn toàn đến từ bán mủ cao su, cây xanh và đất sỏi đỏ. Khoản nợ trái phiếu 1.000 tỷ đồng tại GPBank vừa phải xin gia hạn.

Trong khi đó, Sacomreal cũng có mục tiêu phát triển các dự án bất động sản đô thị tại tỉnh Đồng Nai, mở rộng thị trường ra các khu vực lân cận Tp.HCM. Liệu sự tham gia của TTC vào Tín Nghĩa có đánh thức lại dự án 6 tỷ USD này?

Theo Bảo Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM