Án phạt Hoàng Thịnh chỉ là "phần băng nổi", hiểm họa vẫn lơ lửng trên những "đôi chân Hùng Dũng"

25/03/2021 20:50 PM | Xã hội

Án phạt dành cho Ngô Hoàng Thịnh nặng hơn hẳn so với Quế Ngọc Hải ngày nào. Liệu nó đã đủ để các "máy chém" phải chùn chân, để nỗi đau Anh Khoa, Hùng Dũng không còn tồn tại?

1. Sau cú ra chân ác hiểm của Ngô Hoàng Thịnh, hàng tấn những bình luận phẫn nộ được cư dân mạng trút xuống đầu cầu thủ quê Nghệ An này. Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến trái chiều, cho rằng chấn thương của Hùng Dũng chỉ là "tai nạn", "không may thôi", và "chấn thương là một phần của bóng đá".

Người ta lập luận rằng, những pha vào bóng như của Ngô Hoàng Thịnh, cũng như những tình huống mà Paoblo Maldini hay Alessandro Nesta phải lĩnh thẻ đỏ đều là "không cố tình", họ chỉ "muốn quả bóng", nhưng "chậm một sát na", cho nên "điểm đến lại là chân đối thủ".

Họ lập luận rằng "Ngày xưa Quế Ngọc Hải đạp người ta suốt, rồi mọi người vẫn xem anh là người hùng, anh vẫn mang băng thủ quân đấy thôi. Vì sau tất cả, người ta nhận ra Hải chưa bao giờ muốn giết chết sự nghiệp của ai cả. Một phút sa chân ngàn kiếp hận. hên quá, Hải đã vượt qua cái mác đồ tể mà người ta gán cho mình. Chả ai muốn mình làm đồ tể, nên cũng đừng xem ai là nạn nhân".

 Án phạt Hoàng Thịnh chỉ là phần băng nổi, hiểm họa vẫn lơ lửng trên những đôi chân Hùng Dũng - Ảnh 1.

Mỗi người một ý kiến, và với sự phát triển rầm rộ của mạng xã hội hiện tại, ý kiến trái chiều, thậm chí phản cảm là chuyện quá bình thường. Ai viết thì người đấy phải tự chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Song đau đớn là, dường như những người "cầm cân nẩy mực" của bóng đá Việt Nam cũng suy nghĩ như thế.

Pha bóng ác hiểm của Ngô Hoàng Thịnh là quá rõ ràng, và hậu quả của nó để lại là cực kỳ nặng nề. Trọng tài ngay lập tức biết phải làm gì, Ban kỷ luật lập tức "ra án" trong vòng chưa đầy 24 tiếng tính từ lúc vụ việc xảy ra, và dư luận cực kỳ đồng tính với bản án đầy tính răn đe ấy.

2. Với một chữ "nếu", người ta có thể đút lọt cả Paris vào một cái chai, nhưng có lẽ Hùng Dũng đã không phải nhận chấn thương rùng rợn đến như thế, nếu những pha bóng kiểu như của Ngô Hoàng Thịnh được xử lý rốt ráo, thậm chí chỉ là "được chú ý".

Pha phạm lỗi của Võ Ngọc Toàn với Phan Thanh Hậu.

Xa xôi gì đâu, mới chỉ vừa ở vòng 1 V.League 2021 mới đây thôi, Phan Thanh Hậu đã phải rời sân bằng cáng sau cú xoạc bóng hai chân của Võ Ngọc Toàn. Khác Hùng Dũng, Thanh Hậu chỉ bị bong gân cổ chân phải. Có lẽ vì Phan Thanh Hậu không bị gãy chân như Hùng Dũng, nên trọng tài Nguyễn Viết Duẩn thậm chí còn không rút thẻ trong pha phạm lỗi ấy, và sau đó, Ban kỷ luật VFF cũng không đả động gì đến tình huống này nữa.

Hậu quả khác xa nhau, dù cho Phan Thanh Hậu cho đến tận bây giờ vẫn chưa hồi phục chấn thương, song cách thức của hai pha phạm lỗi ấy là cực kỳ tương đồng. Sự khác biệt là ở chỗ Ngô Hoàng Thịnh "chậm một sát na", còn Võ Ngọc Toàn thì "bắn trượt".

 Án phạt Hoàng Thịnh chỉ là phần băng nổi, hiểm họa vẫn lơ lửng trên những đôi chân Hùng Dũng - Ảnh 3.
 Án phạt Hoàng Thịnh chỉ là phần băng nổi, hiểm họa vẫn lơ lửng trên những đôi chân Hùng Dũng - Ảnh 4.

Pha bóng ấy diễn ra ngay trước mắt Ngô Hoàng Thịnh. Nếu như pha bóng ấy nhận án phạt thích đáng với mức độ hành vi của nó, liệu Ngô Hoàng Thịnh có còn dám vào bóng với Hùng Dũng như cú ra chân ác nghiệt như thế không?

Luật là hệ quy chiếu bất biến, nhưng vận dụng và điều chỉnh nó để tốt nhất cho những đôi chân xứng đáng được bảo vệ lại là điều hoàn toàn có thể làm được, miễn là có tâm.

Năm 2001, Roy Kean - cựu đội trưởng của Man United, đã có một pha đạp thẳng vào đầu gối của đối thủ Alf-Inge Haaland đầy ghê rợn. Pha bóng ấy, cũng như cú đạp của Quế Ngọc Hải với Trần Anh Khoa năm nào, đã khiến "nạn nhân" phải kết thúc sự nghiệp của mình.

Cú ra chân của Roy Keane khiến Alf-Inge Haaland mất nghiệp.

Ngày ấy, Roy Keane chỉ bị phạt 5.000 bảng Anh, cùng án treo giò 3 trận. Song nếu như cú đạp ấy được tái hiện ở Premier League hiện tại, chắc chắn án phạt dành cho "thủ phạm" sẽ nặng hơn rất nhiều.

Bóng đá Việt Nam, mà V.League là minh chứng rõ ràng nhất cũng thế. Người ta đã chấp nhận từ quá lâu rồi những cú vào bóng mang tính sát thương, triệt hạ cao. Sự khác biệt chỉ nằm ở việc hậu quả nó gây ra có quá nặng nề hay không. Những cú vào bóng bằng hai chân của Huy Hoàng, Quế Ngọc Hải, Sầm Ngọc Đức, Võ Ngọc Toàn hay Ngô Hoàng Thịnh... từ lâu đã được coi là "hợp pháp" ở giải đấu vốn từ lâu đã mang danh "Võ League".

"Khi có cầu thủ chấn thương, thường số đông sẽ ngả về người bị chấn thương nhiều hơn người gây ra chấn thương. Trong bóng đá, chấn thương là từ hai phía chứ không phải một phía. Nếu Hùng Dũng vào bóng nhẹ nhàng hơn, có lẽ cậu ấy đã không bị gãy chân như vậy".

"Cần phải nói là, bên Hùng Dũng cũng cần xem xét lại cách chơi nữa. Tranh cướp như thế, bản thân anh cũng từng chấn thương nhiều lần, phải nghỉ nhiều lần… Anh cũng là người đá hết mình, hết sức để tranh cướp, lấy bóng… nhưng động tác kĩ thuật vào bóng, đừng để góp phần gây ra chấn thương cho mình.

Hoàng Thịnh vào bóng như thế, nếu Hùng Dũng biết cách ứng phó thì có lẽ không tạo thành chấn thương nặng thế đâu".

Một cựu HLV SLNA

 Án phạt Hoàng Thịnh chỉ là phần băng nổi, hiểm họa vẫn lơ lửng trên những đôi chân Hùng Dũng - Ảnh 6.

Thậm chí như Quế Ngọc Hải, sau bản án "nặng như búa tạ" - cấm thi đấu 6 tháng (thực ra chỉ là 5 trận), chưa đầy một năm sau đã khiến cầu thủ người Nhật phải lên cáng rời sân, với cú đạp gầm giày ác hiểm vào cổ chân đối phương trong một trận đấu giao hữu, khi đang khoác trên mình chiếc áo đội tuyển Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam đã không ít lần "mất bò mới lo làm chuồng". Song lần này, ai sẽ là người đứng ra "làm chuồng", để hiểm họa "mất nghiệp" không còn treo lơ lửng trên đầu những cầu thủ như Hùng Dũng nữa đây?

Ngô Trà

Cùng chuyên mục
XEM