Ăn cà rốt giúp sáng mắt: "Cú lừa hoàn hảo" của truyền thông Anh đã gieo rắc nỗi ám ảnh cà rốt cho trẻ em tới tận ngày nay
Từ ngày còn bé, hẳn ai trong chúng ta cũng được cha mẹ, ông bà căn dặn ăn thật nhiều cà rốt cho sáng mắt, cải thiện thị lực. Đây là kết quả của chiến dịch quảng cáo hoàn hảo từ những năm 1940 của truyền thông nước Anh.
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ 2, lương thực là bài toán đau đầu với nước Anh. Nguyên nhân là do phần lớn các loại thực phẩm của nước này được nhập khẩu, nhưng trong thời buổi chiến sự rối ren, nhập khẩu hàng hoá trở nên vô cùng khó khăn.
Trước tình hình rối ren đó, chính phủ nước Anh đã quyết định sẽ khuyến khích người dân tiêu thụ các loại rau củ quả để chống đói, mà một trong số đó là củ cà rốt.
Nghiên cứu cho thấy cà rốt có chứa nhiều vitamin A đúng là tốt cho thị lực. Tuy nhiên vấn đề là củ cà rốt rất... chán. Việc không phải ai cũng thích ăn buộc Chính phủ Anh phải nghĩ ra cách để tiêu thụ loại củ này tốt hơn. Ở đây là phương pháp "nói quá lên một chút".
Thế là các chuyên gia marketing đã có chiến lược quảng cáo thành công chưa từng thấy, khi tuyên truyền cà rốt từ loại củ thông thường thành thần dược giúp "mắt sáng hơn đèn pha" và lan truyền không chỉ trong những năm 1940 mà còn đến tận ngày nay.
Trong những năm 1940, thời điểm cuộc chiến giữa Anh và Đức đang căng thẳng, nước Anh thường chịu những cuộc tấn công trong đêm từ những chiếc máy bay Luftwaffe. Để hạn chế thiệt hại, Chính phủ Anh đã phải ngắt điện vào buổi tối, hạn chế tầm nhìn của máy bay đối phương.
Đồng thời, nhờ công nghệ radar tiên tiến, Không lực Hoàng Gia Anh đã có khả năng phát hiện máy bay Đức từ sớm, tăng cường khả năng trả đòn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, việc có công nghệ mới được xếp vào hàng tuyệt mật. Vì vậy, cà rốt đã được đem ra làm nguyên nhân lý giải cho thành công của Không lực Hoàng Gia.
Theo đó, John Cunningham, biệt danh "Mắt Mèo", phi công chiến đấu đã là người đầu tiên bắn hạ máy bay Đức và về sau con số này tăng lên 20 chiếc, trong đó 19 chiếc bắn hạ vào ban đêm. Chính phủ Anh đã phát đi thông báo rộng rãi rằng, Cunningham thành công nhờ đôi mắt cực sáng do ăn nhiều cà rốt.
Một trong những poster quảng cáo thời Thế Chiến 2, khuyến khích người dân ăn cà rốt.
Giới truyền thông Anh đã thổi phồng thông tin về việc ăn cà rốt có lợi cho mắt, bằng nhiều chiến dịch, tờ rơi, băng rôn, bài báo khác nhau. Thông tin về cà rốt liên tiếp được tung ra, kèm theo những chiếc máy bay Đức bị bắn hạ đã khiến người dân tin tưởng vào cà rốt. Chính phủ Anh tuyên truyền rằng, khi thành phố ngắt điện về đêm, những người ăn cà rốt cũng sẽ nhìn đường rõ hơn.
Trong cơn bão về cà rốt, có thông tin cho rằng, chính nước Đức cũng bị thuyết phục và đã yêu cầu phi công của mình ăn cà rốt, để cải thiện tầm nhìn khi chiến đấu về đêm.
Tuy nhiên, chính phủ Anh không quá quan tâm đến việc nước Đức có ăn cà rốt hay không, mà họ chỉ cần người dân nước họ mua cà rốt ăn nhiều hơn trong khi thông tin tuyệt mật về radar vẫn được giữ kín.
Do thành phố ngắt điện về đêm, cà rốt còn được quảng cáo sẽ giúp người dân nhìn đường rõ hơn.
Cú lừa ngoạn mục của những người làm marketing cho cà rốt vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay. Kết hợp với việc khuyến khích thực đơn nhiều rau củ, các bà mẹ giờ đây vẫn hàng ngày dụ dỗ con mình ăn càng nhiều cà rốt càng tốt, củ cà rốt trở thành thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình.
Rõ ràng quảng cáo đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó. Tất nhiên, hãy nhớ là dù có ăn nửa tấn cà rốt cũng không thể giúp bạn nhìn xuyên thấu trong bóng đêm được. Vitamin A cũng là loại chất tương đối phổ biến và có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, chứ không phải cà rốt độc quyền loại vitamin này.