Âm thầm không ầm ĩ nhưng công ty tên lửa của Jeff Bezos vừa lập được một kỷ lục mới
Tên lửa New Shepard của hãng Blue Origin vừa phóng thành công lần thứ 7 liên tiếp, ngang bằng kỷ lục do tên lửa Falcon 9 của SpaceX lập được cách đây 2 tháng.
Blue Origin, công ty du hành vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos, vừa thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của họ trong năm 2020 này khi phóng thành công tên lửa tầm dưới quỹ đạo New Shepard tại bãi phóng Đông Texas. Đáng chú ý hơn cả, đây là lần phóng thành công thứ 7 (bao gồm cả hôm qua) của riêng tên lửa này và cũng là lần phóng tên lửa thứ 13 của loại tên lửa New Shepard.
Với 7 lần phóng thành công, tên lửa New Shepard này của Blue Origin cũng đã ngang bằng với kỷ lục của tên lửa Falcon 9 đến từ đối thủ SpaceX. Giữa tháng 8 vừa qua, tên lửa Falcon 9 vừa lập nên một kỷ lục khi đã tái sử dụng được 6 lần. Dù tên lửa New Shepard có tầm hoạt động thấp hơn nhiều so với Falcon 9 nhưng đây vẫn là một cột mốc đáng ngưỡng mộ của Blue Origin.
Cảnh tên lửa New Shepard bay lên khỏi bãi phóng.
Lần phóng hôm qua nhằm kiểm tra hệ thống cảm biến hạ cánh chủ động của NASA, vốn sẽ được sử dụng trên để tạo nên một hệ thống hạ cánh linh hoạt hơn, chính xác hơn và có thể tự hành dành cho các phương tiện hạ cánh xuống Mặt Trăng trong tương lai.
Việc thử nghiệm hệ thống hạ cánh của NASA cũng đánh dấu lần đầu tiên Blue Origin thực hiện một chuyến bay có tải trọng đặt ở bên ngoài tên lửa New Shepard.
Bên ngoài tên lửa New Shepard gắn thiết bị thử nghiệm SPLICE của NASA với 2 cụm cảm biến màu trắng được gắn phía dưới vây của bộ thăng bằng.
Cho đến nay, tất cả các chuyến phóng có tải trọng của New Shepard đều được trong các viên nang nằm ở phần đầu tên lửa này. Tuy nhiên, việc thử nghiệm đặt tải bên ngoài tên lửa là rất cần thiết để thực hiện các đo đạc phục vụ cho khả năng hạ cánh một cách chính xác của tàu vũ trụ trong tương lai.
Cho dù NASA đã từng hạ cánh xuống Mặt Trăng trước đây, họ vẫn muốn nâng cấp công nghệ này để có thể thực hiện các nhiệm vụ khó khăn một cách hoàn toàn tự động với độ chính xác cao hơn. Họ còn muốn tạo ra các tàu vũ trụ tương lai có khả năng làm như vậy nhiều lần một cách đáng tin cậy vì mục tiêu của NASA với mặt trăng là thiết lập sự hiện diện của con người trên vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái đất.
Cảnh tên lửa New Shepard hạ cánh an toàn xuống mặt đất
Một số các thử nghiệm khác cũng được thực hiện trong khoang chứa của tên lửa New Shepard. Lần phóng này còn để thử nghiệm một tấm chắn nhiệt mới để sử dụng cho các tên lửa New Glenn trong tương lai – tàu vũ trụ thế hệ kế tiếp của Blue Origin với khả năng phóng lên quỹ đạo Trái đất cùng tải trọng, bổ sung thêm các khả năng mới cho công ty bên cạnh tên lửa New Shepard.