Alibaba thu về 25,4 tỷ USD trong ngày lễ độc thân, gấp đôi Black Friday và Cyber Monday 2016 của Mỹ
Đáng chú ý nhất, chỉ trong giờ đầu mở bán Alibaba đã thu về 8,6 tỷ USD và chỉ mất 13 tiếng để đạt con số 18 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục hồi năm ngoái.
Tổng kết sau một ngày diễn ra sự kiện Single's Day (11/11) tại Trung Quốc ghi nhận mức doanh thu kỷ lục của tập đoàn Alibaba, công ty quản lý trang thương mại điện tử lớn bậc nhất Trung Quốc.
Theo CNBC, doanh thu từ sự kiện Single's Day đạt tới 25,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm ngoái. Trước đó chỉ trong vòng 13 giờ, Alibaba đã nhanh chóng đạt kỷ lục mới với doanh thu 18 tỷ USD, cao hơn con số 17,8 tỷ USD trong vòng 24 giờ hồi năm ngoái. Đặc biệt, Alibaba chỉ mất chưa đầy hai phút để thu về 1 tỷ USD và 10 tỷ USD trong hơn 1 giờ khởi động chương trình.
Để dễ mường tượng hơn doanh thu khổng lồ từ sự kiện Single's Day, con số này cao hơn mức doanh thu kết hợp giữa hai sự kiện Black Friday và Cyber Monday tại Mỹ là 12,8 tỷ USD trong năm 2016. Mức doanh thu trên thậm chí còn nhiều hơn GDP của Iceland và Cameroon.
Còn nhớ hồi năm 2009, Alibaba đã nỗ lực biến ngày 11/11 trở thành phiên bản Black Friday của Trung Quốc. Và 8 năm sau, doanh thu từ sự kiện hoành tráng nhất trong năm đã vượt gần gấp đôi sự kiện Black Friday và Cyber Monday tại Mỹ cộng lại.
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường khẳng định, sự tăng trưởng mạnh mẽ này của Alibaba chủ yếu do sự cạnh tranh về giá bán giữa các nhà bán lẻ và thu nhập trung bình của người Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng.
Giống sự kiện tại Mỹ, Alibaba đã giảm giá hàng loạt các mặt hàng như đồ dùng gia đình, đồ điện tử, quần áo, trang sức, mỹ phẩm,…Ngoài ra còn có khá nhiều các chương trình tặng voucher, kích cầu mua sắm được truyền thông rầm rộ từ trước.
Bên cạnh đó, doanh thu còn đến từ hình thức giới hạn giỏ hàng. Alibaba đã giới hạn số lượng sản phẩm trong giỏ hàng. Người mua muốn mở rộng giỏ hàng sẽ phải trả phí. Theo trang Sixth Tone, cách đặt giới hạn giỏ hàng nhằm kích thích người mua trả tiền mở rộng không gian, đặt một lệnh mua duy nhất thay vì phải thao tác nhiều giao dịch nhỏ lẻ.
Để chào mừng sự kiện, người sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma đã tổ chức buổi tiệc kỷ niệm và mời khá nhiều nhân vật nổi tiếng như Pharrell, Nicole Kidman, Jessie J và Maria Sharapova tới dự. Ngay trước sự kiện này, Alibaba đã hoàn tất lắp đặt công nghệ nhận diện khuôn mặt thanh toán tại hơn 100 ngàn cửa hàng Tmall trên toàn Trung Quốc.
Sự kiện chào mừng ngày Single's Day
Nữ diễn viên Kidman Nicole Kidman
Pharrell nổi bật tại sự kiện của Alibaba
Dự kiến, khối lượng hàng hóa vận chuyển khắp Trung Quốc sẽ lên tới 1,5 tỷ gói bưu phẩm. Sự kiện năm nay có tới 90% giao dịch được thực hiện từ điện thoại di động. Vào thời gian cao điểm, bộ vi xử lý của Aliababa phải xử lý tới 256 ngàn giao dịch/giây.
Sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm đang dần trở thành một ngày hội không chỉ ở Trung Quốc
Nếu Single's Day là ngày hội mua sắm lớn nhất Trung Quốc thì tại các quốc gia Châu Á khác cũng có những ngày hội mua sắm lớn không kém.
Xiaofeng Wang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Forrester chia sẻ: "Các công ty tại Đông Nam Á như Lazada (công ty con của Alibaba), Zalora, Shopee đã có những ý tưởng khuyến mãi riêng trong ngày Single's Day".
Ví dụ tại Việt Nam, Lazada đã tổ chức sự kiện "Mưa sale băng" trong ba ngày từ 9-11/11 hay Shopee có sự kiến "Shopee Super Sale" trong 3 ngày tương tự.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế và thương mại, ngày lễ Single's Day vẫn tồn tại một bất cập lớn liên đến ô nhiễm môi trường và lãng phí.
Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) ước tính, quy trình sản xuất, đóng gói và vận chuyển liên quan đến sự kiện đã tạo ra 258 ngàn tấn khí thải CO2. Trong đó, con người sẽ phải trồng ít nhất 2,6 tỷ cây xanh để bù lại. Tổ chức cũng khẳng định, việc tiêu thụ nhiều hơn cũng đồng nghĩa với lượng phát thải CO2 và chất thải ngày càng tăng.