Alibaba tái cấu trúc toàn bộ, thay đổi cả chủ tịch lẫn CEO
Phó chủ tịch Joseph Tsai – một vị lãnh đạo lâu năm, người bạn tri kỷ của Jack Ma sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị thay ông Zhang.
Tờ Bloomberg đưa tin, Alibaba Group Holdings sẽ thay thế vị lãnh đạo kỳ cựu Daniel Zhang trong một cuộc cải tổ lớn bậc nhất trong lịch sử. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh gã khổng lồ thương mại điện tử đang dần bị mất thị phần và phải chật vật phục hồi tốc độ tăng trưởng thời kỳ hậu Covid-19.
Theo đó, Phó chủ tịch Joseph Tsai – một vị lãnh đạo lâu năm, người bạn tri kỷ của Jack Ma sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị thay ông Zhang. Trong khi đó, Eddie Wu – người hiện là chủ tịch mảng kinh doanh thương mại điện tử Taobao và Tmall của công ty sẽ đảm nhiệm vị trí CEO của công ty trị giá 240 tỷ USD.
Thông báo thay đổi vị trí gây sốc của ông Zhang tới sau khi Alibaba tuyên bố việc tái cấu trúc thành 6 mảng độc lập với những nhà lãnh đạo chuyên biệt cho từng mảng từ điện toán đám mây tới logistic và thương mại điện tử. Trên thực tế, trước đó ông Zhang đã tiết lộ kế hoạch lớn của mình khi Alibaba báo cáo kết quả kinh doanh quý thứ 3 liên tiếp chỉ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 1 chữ số. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc có thể giảm nhiều hơn dự đoán.
“Điều tốt nhất là CEO và chủ tịch mới đều là đồng sáng lập công ty và đều có mối quan hệ thân cận với Jack Ma. Điều đó có nghĩa là Jack Ma vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần quan trọng của công ty”, theo Kenny Wen – Chủ tịch chiến lược đầu tư tại KGI Asia. “Tôi không nghĩ việc thay đổi nhà quản lý là tín thiệu cho thấy một thay đổi chiến lược lớn”.
Zhang sẽ vẫn là chủ tịch mảng điện toán đám mây. Ông ấy đã đảm nhận vị trí này vào năm 2015 sau khi nổi lên như một trong những kiến trúc sư của sáng kiến “new retail” của công ty, nhắm tới việc kết hợp bán lẻ online và offline và mở rộng sự thống trị của công ty sang những lĩnh vực khác từ trung tâm thương mại tới siêu thị. Ông đã trở thành Chủ tịch vài năm sau khi tốc độ tăng trưởng của công ty tăng và Alibaba khi đó trở thành công ty giá trị nhất Trung Quốc.
Sau đó vào năm 2020, các nhà chức trách đã bắt đầu bắt tay vào việc “chỉnh đốn” Jack Ma và Ant Group sau khi tỷ phú này lỡ miệng chỉ trích hệ thống ngân hàng nước nhà. Một thời gian ngắn sau đó, Alibaba bị cáo buộc độc quyền và nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD.
Kể từ sau đó, Alibaba chưa bao giờ đạt được tốc độ tăng trưởng khủng như trước, đặc biệt là khi họ phải đối mặt thêm với những đối thủ cạnh tranh mới như ByteDance và PDD Holdings. Công ty này bắt đầu mất đi thị phần trong mảng điện toán đám mây – một cỗ máy tăng trưởng chủ đạo khác của công ty vào tay các đối thủ theo sau.
Điều này đưa "ban lãnh đạo cũ của Alibaba trở lại sân khấu một lần nữa", Willer Chen, một nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Forsyth Barr Asia cho biết. "Không chắc liệu đó có phải là một điều tốt cho Alibaba hay không vì bây giờ chìa khóa nên là động lực tăng trưởng mới và kế hoạch tái cấu trúc”.
Nguồn: Bloomberg