Alibaba phát triển dự án 'não bộ' dùng AI giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở thành phố quê nhà
Nhờ City Brain, thời gian di chuyển trên những con đường đông đúc ở thành phố Hàng Châu đã được rút ngắn đáng kể.
Giao thông từng là vấn đề thường xuyên gây đau đầu đối với người dân ở Hàng Châu, thành phố phía đông Trung Quốc nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Hàng Châu có dân số bảy triệu người và từng đứng thứ năm trong số những thành phố đông đúc nhất đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thành phố này đã tụt xuống vị trí thứ 57.
Đường xá ở Hàng Châu khá đông đúc, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Alibaba cho biết đó là nhờ một trong những phát minh của họ. City Brain sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin ở khắp Hàng Châu, ví dụ như video từ camera giao lộ và dữ liệu GPS về vị trí của ô tô và xe bus hoạt động trong thành phố.
Nền tảng trên phân tích thông tin theo thời gian thực và phối hợp với hơn 1.000 tín hiệu đường bộ quanh thành phố với mục đích ngăn chặn hoặc giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Sau hai năm thử nghiệm, hệ thống dường như đã bắt đầu hoạt động hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Alibaba, City Brain đã rút ngắn thời gian đi lại và thậm chí còn giúp xe cứu hỏa và cứu thương giảm một nửa thời gian cần thiết để đến hiện trường trong trường hợp khẩn cấp.
Nhiều lái xe xác nhận rằng mọi thứ đã được cải thiện. Ye Bojie, nhân viên của công ty gọi xe Didi Chuxing nói rằng trước kia, anh mất khoảng 40 phút cho quãng đường chỉ dài 3km nhưng giờ đây thời gian di chuyển đã rút ngắn hơn đáng kể.
Tài xế của Didi Chuxing ghi nhận hiệu quả của City Brain.
Wang Jian, chủ tịch ủy ban điều hành công nghệ của Alibaba chia sẻ: "Các thành phố lớn ở Trung Quốc đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Mặc dù vậy, với các công nghệ mới phát triển như học máy, chúng ta đang đứng trước cơ hội có được các công cụ hiệu quả để giải quyết những vấn đề thiết yếu hàng ngày như tắc nghẽn giao thông hay thiếu nước sạch".
Hàng Châu không phải là thành phố duy nhất đặt niềm tin vào việc tiến bộ công nghệ có thể giúp giải quyết phần nào những bất cập của cuộc sống đô thị. Nền tảng của Alibaba cũng đang được áp dụng tại một số thành phố khác ở Trung Quốc và được giới thiệu tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong năm 2018.
Mùa thu năm ngoái, tập đoàn sản xuất xe hơi Volkswagen và tập đoàn công nghệ điện tử Siemens đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh ở thành phố Wolfsburg của Đức với mục đích giúp các tài xế dự đoán khi nào sẽ có hàng loạt đèn xanh trên đường.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của xu hướng trên. Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey cho biết trong một báo cáo năm ngoái: "Ngay cả những thành phố thông minh và hiện đại nhất trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của hành trình. Lý do là vì công nghệ không bao giờ đứng yên và luôn phát triển không ngừng theo thời gian".
Theo dự đoán của McKinsey, đến năm 2025, những thành phố sử dụng hệ thống như vậy có thể cắt giảm trung bình từ 15% đến 20% thời gian di chuyển. Nhưng công nghệ này cũng làm tăng đáng kể mối lo về quyền riêng tư, đặc biệt là ở Trung Quốc nơi sự giám sát đang gia tăng với việc lắp đặt ngày một nhiều camera nhận diện khuôn mặt ở nơi công cộng, thậm chí là trong cả nhà WC.
Theo một khảo sát gần đây của hãng công nghệ Tencent và đài CCTV, gần 80% số người được hỏi cho biết họ lo lắng về tác động của trí tuệ nhân tạo với quyền riêng tư của mình. Để đáp lại, ông Wang nhấn mạnh lợi ích mà các dự án như City Brain mang lại sẽ áp đảo những mối lo của người dân bằng cách cho phép các thành phố hoạt động sử dụng càng ít tài nguyên thiên nhiên càng tốt và góp phần cải thiện chất lượng của cuộc sống ở đô thị.