AI sẽ cướp mất việc làm, hay giải phóng bạn khỏi ‘bể khổ’ công việc?

30/09/2023 10:44 AM | Sống

Nếu từng chán ghét một phần công việc hay rơi vào trạng thái burnt-out, bạn sẽ đồng tình rằng còn rất nhiều điểm chưa hoàn hảo trong mối quan hệ giữa con người và chuyện lao động kiếm sống.

Thay vì lo sợ trí tuệ nhân tạo AI sẽ cướp đi công việc, sao bạn không thử nghĩ theo chiều hướng ngược lại: AI có thể giải phóng bạn khỏi những phần nhàm chán, khó khăn của công việc, đồng thời "nâng tầm" bạn trong vai trò một người lao động? 

Dưới đây là 4 điểm sáng mà AI có thể đem lại cho công việc và mức thu nhập của bạn trong tương lai. Những quan điểm này được đưa ra bởi doanh nhân, chuyên gia công nghệ Bryon Reese trong "Thời đại thứ tư" ("The Fourth Age"), cuốn sách được tờ The New York Times và Forbes bình chọn là một trong những tác phẩm cần thiết để đón đầu thời đại AI. 

1. Hãy "bàn giao" cho AI các phần việc nhàm chán, ít giá trị

Dơ dáy (dirty), nguy hiểm (dangerous) và buồn tẻ (dull) - đó là ba loại công việc có liên quan đến chữ D mà con người vốn mong muốn rô-bốt có thể đảm nhận. "Bạn có thể thêm vào bốn chữ D khác là: không thích (dislike), mất giá trị con người (demeaning), mất sức (draining) và ghê tởm (detestable)", Bryon Reese viết trong "Thời đại thứ tư" 

Theo Bryon Reese, bản chất của công nghệ luôn là giải phóng sức lao động, để chúng ta dành công sức cho những việc phức tạp và có giá trị hơn. Điều này không chỉ đúng với những công việc lao động chân tay trong các nhà máy, công xưởng, mà còn đúng với những lao động trí thức làm việc tại văn phòng. 

Chẳng hạn, nếu bạn là một phóng viên, hẳn bạn từng ước ao có một công cụ nào đó giúp bạn có thể "xả băng" ghi âm một cuộc phỏng vấn dài 2 tiếng đồng hồ? Trên thực tế, hiện nay, đó là một trong những phần việc bạn có thể "bàn giao" cho AI, để bạn rảnh tay cho những công đoạn chứa nhiều chất xám hơn trong quá trình viết bài.  

Tương tự, có phải trong công việc của bạn hằng ngày, vẫn còn có rất nhiều quy trình nhàm chán, ít giá trị, lặp đi lặp lại, khiến bạn cảm giác mình như… rô-bốt khi làm chúng? "Rô-bốt không biết buồn chán, và thật lòng mà nói, con người xứng đáng được hưởng những điều tốt hơn", tác giả Bryon Reese viết. 

AI sẽ cướp mất việc làm, hay giải phóng bạn khỏi ‘bể khổ’ công việc?  - Ảnh 1.

2. Công việc của bạn sẽ không biến mất mà chỉ biến đổi 

Theo "The Future of Employment" - một báo cáo toàn diện được công bố năm 2013 của hai tác giả Carl Frey và Michael Osborne thuộc đại học Oxford - có một số liệu thoạt nhìn rất đáng kinh ngạc: Một số phần việc trong 47% công việc hiện nay sẽ được tự động hoá. 

Tuy nhiên, con số 47% thật ra chẳng đáng ngạc nhiên là bao. "Hầu như những công việc hiện có đều đã được tự động hóa ở khá nhiều công đoạn. Và công việc vẫn còn đó, nó chỉ có khác đi so với trước đó thôi", Bryon Reese phân tích.

Cụ thể, trong báo cáo trên, Frey và Osborne đã đưa ví dụ về những công việc có khả năng được vi tính hóa khoảng 65% hoặc hơn: trợ lý nghiên cứu khoa học xã hội, dược tá, chuyên gia nghiên cứu về không gian và khí quyển. 

Vậy điều này có nghĩa là gì? Lẽ nào các giáo sư khoa học xã hội sẽ không có trợ giảng nữa? Tất nhiên là họ vẫn có, chỉ là công việc trợ giảng sẽ khác đi, vì phần lớn công việc sẽ được tự động hóa. 

Frey và Osborne cũng nói nghề hướng dẫn viên du lịch và thợ mộc phụ nằm trong danh sách những công việc có từ 90% khả năng được vi tính hóa trở lên. 

Tất nhiên, một số tác vụ của thợ mộc phụ sẽ được tự động hóa bằng máy móc, nhưng nghề này sẽ không biến mất mà chỉ biến đổi - giống như hầu hết những công việc khác, từ kiến trúc sư đến nhà nghiên cứu động vật. 

Và dĩ nhiên, chiếc iPhone của bạn có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch, nhưng điều này sẽ không làm cho nghề hướng dẫn viên biến mất. 

3. Việc làm được tạo thêm nhờ AI sẽ nhiều hơn việc làm bị mất đi

Tiếp theo, trong trường hợp công nghệ và AI thật sự chiếm mất hoàn toàn một công việc nào đó, ta cũng cần lạc quan nghĩ về khả năng những việc làm mới sẽ được tạo thêm - nhờ chính công nghệ đó. 

Hãy truy ngược về quá khứ một chút. Khi ATM xuất hiện, nhiều người cho rằng chúng sẽ loại bỏ vai trò của giao dịch viên ngân hàng. Nhưng điều thật sự diễn ra là gì? Rốt cuộc, ngân hàng vẫn cần đến các giao dịch viên thực thụ để làm việc với khách hàng - những người có nhiều nhu cầu hơn là chỉ nạp hoặc rút tiền.

Nhờ ATM, các chi nhánh ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Nhờ đó, các ngân hàng nhận ra họ có thể mở thêm nhiều chi nhánh để tạo lợi thế cạnh tranh. Và khi đó, họ lại cần tuyển thêm nhân viên giao dịch. 

"Đó là lý do vì sao thời đại của chúng ta hiện có nhiều giao dịch viên hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử", Bryon Reese khẳng định. Và không những vậy, chúng ta còn có thêm nhiều công việc liên quan đến ATM như sản xuất, sửa chữa và nạp tiền vào máy. 

Mấy ai có thể ngờ khi tạo ra giao dịch viên bằng máy, chúng ta lại cần thêm giao dịch viên bằng xương bằng thịt? 

Dưới tác động của AI, các diễn biến tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong nhiều ngành nghề khác. 

AI sẽ cướp mất việc làm, hay giải phóng bạn khỏi ‘bể khổ’ công việc?  - Ảnh 2.

4. Bạn có sẵn sàng làm công việc khó hơn một chút không?

Cuối cùng, có một luận điểm rất đáng suy ngẫm mà Bryon Reese đưa ra, liên quan đến tiềm năng, sự linh hoạt và khả năng phi thường của con người. 

Nhiều người lo lắng tự động hoá sẽ xoá sổ những công việc ở "cấp thấp" và tạo ra những công việc ở "cấp cao". Họ cho rằng tự động hoá có thể tạo ra những việc làm mới ở cấp cao như "chuyên gia máy tính", đồng thời loại bỏ những công việc cấp thấp như nhân viên kho. 

Bạn tự hỏi, một người quản lý kho bị mất việc thì đâu có thể trở thành "chuyên gia máy tính" được? Họ sẽ cam chịu bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thị trường lao động sao? 

Trên thực tế, đúng là người quản lý kho không thể trở thành chuyên gia máy tính. Nhưng giáo sư công nghệ thông tin ở một trường đại học sẽ thành chuyên gia máy tính; một giáo viên dạy môn công nghệ thông tin ở trường trung học sẽ lên thay công việc của giáo sư đó; một giáo viên tiểu học dự bị sẽ lên thay công việc của giáo viên trung học đó; và một người quản lý kho chưa có việc làm hoàn toàn có thể trở thành giáo viên dự bị. "Đây là câu chuyện của sự tiến bộ. Khi có một công việc xuất hiện ở cấp cao, mọi người đều được thăng tiến", tác giả viết. 

Câu hỏi không phải là "Liệu một người quản lý kho có trở thành chuyên gia máy tính được không?", mà là: "Liệu mọi người có thể làm những công việc khó hơn một chút so với công việc họ đang làm hay không?" 

"Cho rằng người ta không thể học nghề mới chính là xem thường khả năng của con người", tác giả Bryon Reese nhận định. 

"Đa số mọi người đều có cảm giác là họ có thể làm được nhiều hơn so với những gì họ đang làm. Nếu được trao một cơ hội để làm một công việc có nhiều thử thách hơn với mức trách nhiệm và thù lao cao hơn, họ thường sẽ sẵn sàng đón nhận. Ai cũng muốn sống có ý nghĩa, có mục tiêu và tất nhiên là được nhận lương cao hơn, nếu họ có cơ hội", ông nói thêm.  



Nguyên Thảo

Cùng chuyên mục
XEM