Ai nắm đằng chuôi trong M&A ngân hàng?

05/09/2016 08:46 AM | Kinh doanh

Có vẻ như thời hoàng kim của các cổ phiếu vua “ngân hàng” đang quay trở lại khi dòng vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có xu thế đổ mạnh vào khu vực này.

Khối ngoại mua mạnh

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của ngân hàng Vietcombank ( VCB ) trong 6 tháng qua đã tăng liên tục từ 40 nghìn đồng/cổ phiếu lên 55 nghìn đồng/cổ phiếu. Hiệu ứng tích cực này đến từ tác động của sư kiện VCB bán 7,73% cổ phần cho quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC).

Với trị giá xấp xỉ khoảng 400 triệu USD, đây sẽ là một trong những thương vụ M&A ấn tượng nhất từ đầu năm đến nay. Nó được kì vọng sẽ tạo nên cú hích tăng trưởng mới cho ngành ngân hàng sau nhiều năm trầm lắng.

Nói chút về quỹ đầu tư GIC, đây là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới khi đang quản lí tổng tài sản trị giá hơn 344 tỉ USD. Tuy vậy, suất sinh lợi của quỹ trong các năm gần đây có dấu hiệu đi xuống khi chịu tác động từ sự chững lại của các thị trường phát triển. Việc đầu tư mạnh hơn vào các quốc gia mới nổi có tiềm năng tăng trưởng tốt như Việt Nam được xem phản ánh những thay đổi về chiến lược phân bổ nguồn vốn của GIC.

Ngoài Vietcombank, GIC còn đang sở hữu khoảng 6% cổ phần của FPT, 7,96% cổ phần của taxi Vinasun và ngạc nhiên hơn, GIC đang là cổ đông lớn của PAN với tỉ lệ sở hữu 4,95%. Doanh mục đầu tư của GIC xem ra khá đa dạng, phân bổ vào các lĩnh vực tiêu dùng, nông nghiệp, tài chính và hạ tầng cốt lõi của Việt Nam.

“Thương vụ đầu tư vào Vietcombank phản ánh niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam”, Amit Kunal, trưởng bộ phận đầu tư tại khu vực Đông Nam Á của GIC nhận định.

Đầu năm nay, GIC đã dành 387 triệu USD đầu tư vào PT Trans Retail, một nhà bán lẻ của Indonesia. 2013, GIC đầu tư vào ngân hàng lớn thứ ba của Phillippines là Bank of Philippines Islands.

Nhưng không chỉ có VCB hưởng niềm vui. Một số ngân hàng khác cũng ang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. VPBank mới đây đã huy động được 125 triệu USD nguồn vốn từ công ty tài chính quốc tế (IFC) – cánh tay đầu tư của Ngân hàng Thế giới. IFC cũng thâu tóm 4,99% cổ phần tại ngân hàng TPbank. Trước đó, IFC là cổ đông chiến lược của ngân hàng ABBank với tỷ lệ sở hữu 10%, hay là cổ đông lớn của VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần.

Trong khi đầu năm nay, quỹ đầu tư ngoại Dragon Capital đã mạnh tay thâu tóm 64,2 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Quân Đôi với niềm tin lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ cất cánh. “Năm 2016, các ngân hàng sẽ cho vay nhiều hơn và lợi nhuận sẽ khởi sắc. Vẫn còn cơ hội để để giá cổ phiếu tăng tiếp”, Ông Bill Stoops - giám đốc đầu tư của Dragon Capital đã nhận định.

Nhìn chung với sự có mặt của các nhà đầu tư ngoại có thương hiệu mạnh, các ngân hàng Việt có thêm điều kiện cần để tiếp cận với các chuẩn mực quản trị mới, các cách thức phát triển mới, thậm chí để nâng cấp thương hiệu sau một loạt các thương vụ mất tiền không rõ nguyên nhân vừa qua. Ngoài ra, sự tham gia của đối tác ngoại có tiềm lực tài chính manh cũng sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước trong cuộc chạy đua khốc liệt đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về vốn Basel II vào 2017.

Có thể thấy triển vọng của ngành ngân hàng đang hấp dẫn bởi tốc độ tăng trưởng đang khá cao khi so với các quốc gia lân cận, các hiệp định thương mại sẽ kéo theo nhu cầu hỗ trợ vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh lên, như từng xảy ra khi Việt Nam gia nhập WTO vào 2006.

Rủi ro ngân hàng cũng được kiểm soát tốt hơn. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “tiêu cực” sang “ổn định”, nhờ lạm phát và lãi suất được kéo xuống mức thấp, cùng dòng vốn FDI đang quay trở lại.

Cùng với đó, sau gần 4 năm vật vã, có thể thấy tỉ lệ nợ xấu trên sổ sách tại các ngân hàng đang giảm khá nhanh. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/8, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%, thấp hơn tiêu chuẩn 3% mà Ngân Hàng Nhà nước đặt ra.

Sau đợt suy thoái kéo dài kể từ 2012, ngoài trừ VCB, giá cổ phiếu của một số ngân hàng đang ở mức khá rẻ khi chỉ dao dộng trong tầm giá 1x- 2x, thậm chí còn thấp hơn nữa. Đó sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại khi kì vọng vào thị trường Vệt Nam trong dài hạn.

Ai nắm đằng chuôi?

Cách đây vài năm, nhiều nhà đầu tư ngoại đã bén duyên với các nhà băng Việt Nam trong làn sóng M&A thứ nhất. Ngân hàng Nhật là Bank of Tokyo-Misubishi UFJ đã chi ra 743 triệu USD để thâu tóm 20% cổ phần của ngân hàng Vietinbank. Mizuho Bank mua 15% cổ phần VCB, trong khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation thâu tóm 15% cổ phần của Eximbank.

Trong khi quỹ đầu tư Dragon Capital cũng thâu tóm 7,13% cổ phần của ACB hay Vina Capital sở hữu 4,97% cổ phần của Eximbank.

Nhưng có thể nói cho đến thời điểm này, mức sinh lời của các khoản đầu tư này thật khó để làm các nhà đầu tư ngoại hài lòng khi giá cổ phiếu của các ngân hàng không tăng trưởng bao nhiêu so với cách đây vài năm, ngoại trừ VCB.

Thực tế trong thương vụ GIC thâu tóm VCB, giá cổ phiếu mà quỹ đầu tư này bỏ ra khá thấp, chỉ khoảng một nửa so với thị giá. Điều này cho thấy các nhà đầu tư ngoại về cơ bản đã thấm nhuần bài học của những thương vụ mua bán đắt đỏ các năm trước. Bây giờ, có lẽ họ mới là những người nắm đằng chuôi trên bàn thương lượng mua bán.

Sự cẩn trọng của các nhà đầu tư ngoại xem ra khá khôn ngoan bởi rủi ro của các ngân hàng nội vẫn còn đó. Tỉ lệ nợ xấu về tổng thể đang suy giảm nhưng theo báo cáo quý 2 của một số ngân hàng niêm yết, con số tuyệt đối tại đang tăng lên.

Ví dụ, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2%, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm, và tính đến ngày 30/6 thì BIDV đang có 13.184 tỉ đồng nợ xấu. Nợ xấu của Eximbank từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016. Tại Sacombank, một ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không bị chi phối bởi Nhà nước, cũng có nợ xấu tăng mạnh, từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%.

Trong khi các khoản nợ xấu tich tụ tại VAMC vẫn là sở hữu của ngân hàng và vẫn chịu thiệt hại một khi nợ xấu không thể thu hồi.

Thách thức cho ngành ngân hàng còn được phản ánh qua một số dấu hiệu khác. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang đứng ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, chứng tỏ một điều rằng đầu ra của dòng vốn ngân hàng vẫn khá bế tắc.

Thực tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 vào khoảng 8,54% so với đầu năm, nhưng dễ thấy đó là các con số không thực chất, khi trong đó đã bao gồm các khoản trái phiếu của chính phủ trị giá hàng trăm nghìn tỉ đồng.

“Con số tăng trưởng tín dụng có lẽ cũng không thực chất khi chúng ta chưa rõ được bao nhiêu % là do các ngân hàng thương mại đảo nợ, bao nhiêu % là do các ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ. Bởi vậy, mặc dù tín dụng tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát” – TS Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Theo Nam Việt

Cùng chuyên mục
XEM