Ai muốn xây sân bay khủng 8.000 tỷ đồng ở tỉnh nghèo nhất nước như Lai Châu?
Ngoài một số công ty con thuộc Tổng công ty Sông Đà, nhiều công ty khác cũng quan tâm, muốn đầu tư vào dự án xây dựng sân bay tại tỉnh Lai Châu.
Đề xuất xây sân bay 8.000 tỷ đồng của tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất nước Lai Châu đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, rằng có nên hay không, cần thiết không trong bối cảnh này để xây dựng dự án siêu nghìn tỷ? Và nếu có xây thì Lai Châu lấy đâu ra 8.000 tỷ đồng?
Trả lời báo chí ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thông tin: 8.000 tỷ đồng không phải là vốn Nhà nước mà là vốn tư nhân hay còn gọi là vốn xã hội hóa.
Khi đề xuất xây dựng sân bay tại Lai Châu, nhiều doanh nghiệp của tỉnh và các tỉnh khác cũng tích cực ủng hộ và muốn đầu tư vào dự án.
Chẳng hạn như: Doanh nghiệp Hoàng Nhâm chuyên về du lịch; Công ty CP Chè Tam Đường chuyên về đầu tư và phát triển nông nghiệp; Tập đoàn Hưng Hải chuyên về thuỷ điện.
Đặc biệt, một vài công ty thành viên của Tổng công ty Sông Đà cũng quan tâm đến dự án.
“Đó là các doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng là họ có uy tín, có năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và công nghệ để xây dựng sân bay – tạo cú hích cho sự phát triển của tỉnh”, ông An nói.
Cũng theo ông An, hiện nay, tỉnh Lai Châu đang tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa các hạng mục đầu tư có hiệu quả hơn.
“Nhà đầu tư, khi tham gia dự án, trước hết họ tìm kiếm lợi nhuận và chỉ khi nào có lợi nhuận thì họ mới đầu tư. Thứ nữa, họ đầu tư phải được thuận lợi. Chúng tôi cũng có chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về các cơ chế ưu đãi khác cho họ”, ông An khẳng định.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu chiều 22/4, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề xuất "xin" Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này.
Trong đó, riêng dự án sân bay Lai Châu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng cho hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Theo đề án, đây sẽ là sân bay lưỡng dụng, bao gồm cả mục đích dân sự và quốc phòng, cứu hộ cứu nạn.
Cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của Lai Châu, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đường nối cao tốc Hà Nội -Lào Cai với thành phố Lai Châu và dự án sân bay Lai Châu; các bộ, ngành khẩn trương bố trí vốn theo kế hoạch để thực hiện dự án đường giao thông liên vùng - đường tỉnh 107.
“Sân bay này trước sau gì cũng phải làm, nhưng lộ trình như thế nào thì Bộ Quốc phòng cân nhắc”, Thủ tướng phát biểu.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đề xuất của Lai Châu nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đồng thuận có, phản đối gay gắt cũng có.
Đánh giá về hiệu quả đầu tư dự án, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia cao cấp về tài chính ngân hàng cho rằng, xây dựng một sân bay cho Lai Châu là không cần thiết tại thời điểm này vì ngân sách Lai Châu không đủ đáp ứng mà ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc xã hội hóa dự án sân bay Lai Châu theo nghĩa huy động vốn từ dân chúng không khả thi vì sân bay là một dự án dài hạn, cần nhiều năm để có thể lấy lại được vốn bỏ ra. Vì thế dự án sẽ khó có thể kêu gọi vốn tư nhân.
Lai Châu hiện đang là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 3 vừa qua, Lai Châu có tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ số cận nghèo đa chiều thuộc hàng cao nhất cả nước.
Tỉ lệ hộ nghèo theo cách tiếp cận này của Lai Châu khoảng 44% và khoảng 10% hộ cận nghèo, có nghĩa là 1/2 dân số Lai Châu đang trong diện nghèo.
Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2015 (theo cách tính cũ) là 20,48%, cao thứ 3 vùng Tây Bắc và thứ 3 của cả nước; có đến 6/7 huyện nghèo theo Quyết định 30a; đặc biệt 3/4 dân tộc ít người ở Lai Châu (La Hủ, Mảng, Cống) có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 60%.