Ai là những người "trúng quả" từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt: Hé lộ chân dung những ông trùm kín tiếng
Trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy của những tỷ phú thực phẩm.
Họ là những công ty thu lợi từ giá cả tăng vọt và tạo ra doanh thu khổng lồ trong khi nhiều công ty khác phải cắt giảm nhân sự hoặc trở nên kiệt quệ.
Cũng giống như lĩnh vực năng lượng, các công ty thực phẩm đã kiếm bộn tiền từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi các công ty như Shell và Exxon gần như đang trở nên quen thuộc thì tên của các doanh nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm như Walmart hay Cargill lại ít nổi tiếng hơn.
Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Global Justice Now là Nick Dearden nói với Euronews: “Trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khi nhiều người đang phải vật lộn để mua thức ăn và sưởi ấm, các tập đoàn ấy đang kiếm được rất nhiều tiền và họ đang làm điều đó theo cách tương tự như các tập đoàn năng lượng. Về cơ bản, họ nắm trong tay thứ rất cơ bản mà chúng ta đều cần.”
Trong một báo cáo gần đây về vấn đề này, các nhà nghiên cứu của ETC là Hope Shand, Kathy Jo Wetter và Kavya Chowdhry đã gọi những công ty lớn nhất trong ngành thực phẩm và nông nghiệp là “ông trùm thực phẩm”. Đây là một danh hiệu chỉ ra ngay sức mạnh mà các tập đoàn này tác động lên ngành công nghiệp thực phẩm.
Các “ông trùm thực phẩm” đến từ đâu?
Các ông trùm thực phẩm đã tồn tại rất lâu trước đại dịch hay cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đây là những công ty đã thành lập qua nhiều thập kỷ và đã kiểm soát phần lớn lĩnh vực này. Nhưng đại dịch và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã có một vai trò to lớn trong việc làm gia tăng cả về số lượng và lợi nhuận của họ.
Theo một báo cáo gần đây của Oxfam có tiêu đề “Lợi nhuận từ nỗi đau”, các tỷ phú thực phẩm đã chứng kiến tài sản của họ tăng ước tính 45% trong 2 năm qua, tổng cộng 328 tỷ bảng Anh đã được thêm vào lợi nhuận của họ.
Trong cùng thời gian đó, 62 tỷ phú mới đã được tạo ra khi các công ty thu được lợi nhuận khổng lồ khi đại dịch xảy ra và tiếp đến là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng buộc nhiều người phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí là cần lựa chọn giữa việc ăn uống và sưởi ấm nhà cửa.
Báo cáo ETC “Food Barons 2022” đã đưa ra nhận định rằng năm 2020 “là một năm khủng khiếp đối với an ninh lương thực và sức khỏe nhưng lại là một vận may đối với thực phẩm và nông nghiệp.”
Những công ty được gọi là “ông trùm thực phẩm”
ETC đã xác định “chỉ có 4 đến 6” công ty thống trị kiểm soát mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thực phẩm, từ máy móc nông nghiệp đến dược phẩm cho động vật. 2 trong số này cũng được Oxfam nêu tên trong báo cáo về các tỷ phú thực phẩm: Hai “đế chế: Cargill và Walmart.
Cargill là gã khổng lồ thực phẩm toàn cầu thuộc sở hữu của gia đình giàu thứ 11 trên thế giới và là một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới, mặc dù tên của công ty này không nổi tiếng và có thể được ít người biết đến.
Theo Oxfam, năm 2017, công ty này được báo cáo là 1 trong 4 công ty kiểm soát hơn 70% thị trường toàn cầu đối với các mặt hàng nông sản. Biến động giá ngũ cốc trên toàn cầu đã giúp Cargill tăng lợi nhuận và gia đình Cargill tăng tài sản chung lên 65% kể từ năm 2020, với bốn thành viên lọt vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Forbes.
Công ty kinh doanh nông sản là Louis Dreyfus Co. – đối thủ cạnh tranh của Cargill – cũng kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ những rắc rối với thị trường ngũ cốc.
Chuỗi siêu thị phổ biến ở Mỹ là Walmart đã nhận được khoảng 15 tỷ USD tiền cổ tức từ công ty. Hàng hoá trong cửa hàng của họ đắt hơn và lương của nhân viên hầu như không đổi.
Tham khảo Euronews