Ai cũng tưởng rằng Apple kiếm được hàng chục tấn vàng từ iPhone cũ, sự thật không đơn giản như vậy

07/01/2017 14:43 PM | Công nghệ

Bạn có thể đã biết đến câu chuyện từng lan truyền rất nhanh trong thời gian qua: Apple tái chế được lượng vàng trị giá 40 triệu USD từ những chiếc iPhone cũ. Còn đây có lẽ là phần mà bạn chưa biết: Gần như không gì trong câu chuyện trên là thật cả.

Câu chuyện về Apple gần như xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những hãng tin lớn như CNN, Fox News, Huffington Post cho đến những trang tin chuyên về công nghệ như MacRumors, Gizmodo, Quartz hay The Verge. Thế nhưng có vẻ hầu hết mọi câu chuyện đăng tải trên các trang tin này đều nhầm lẫn cùng một kiểu với nhau.

Và phần sai lệch cũng như không chính xác nhất của câu chuyện là: Apple, có lẽ vì lòng tốt hay vì động lực từ những khoản tiền kiếm được thúc đẩy, đã lấy những chiếc iPhone và iPad cũ được đổi trả tại cửa hàng, và tách chúng ra thành từng phần, nấu chảy chúng và thu được gần 30 miligram vàng trên mỗi chiếc điện thoại, cuối cùng họ thu được tổng cộng 2.204 pound vàng (khoảng 999,7 kg vàng).

Trong phiên bản này của câu chuyện, Apple đã bỏ túi ngon lành số tiền 40 triệu USD cho nỗ lực tái chế của mình, và phần nhiều công việc đó được thực hiện bởi Liam, robot tái chế có khả năng tháo rời 1,2 triệu chiếc iPhone mỗi năm. Một phép tính đơn giản cũng cho thấy rằng Apple sẽ phải thu thập 3,3 triệu chiếc iPhone để thu hồi được chừng đó vàng.

Nói một cách thực tế hơn, thay vì tân trang lại và bán những chiếc iPhone này với giá hàng trăm USD mỗi chiếc tại các nước đang phát triển, Apple lại quyết định phá hủy chúng để thu được lượng vàng có giá trị khoảng 1 USD mỗi chiếc.

Tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy rằng Apple đã tái chế được “90 triệu pound (khoảng 40 triệu kg) rác thải điện tử thông qua chương trình tái chế của mình,” với phần nhiều trong số rác thải điện tử đó là những chiếc iPhone và các sản phẩm cũ khác của Apple. Trong số rác thải điện tử đó, có khoảng 2.204 pound (khoảng 999,7 kg) là vàng, với giá trị tương đương 40 triệu USD.

Điều này có vẻ gần nhất với sự thật, bởi vì ít nhất các tác giả của những bài viết này ít nhất đã đọc báo cáo dài 50 trang A4 của Apple, trong đó nhấn mạnh rằng “Trong năm 2015, chúng tôi đã thu thập được gần 90 triệu pound (khoảng hơn 40 triệu kg) rác thải điện tử thông qua chương trình tái chế của mình. Con số này tương đương với 71% tổng khối lượng các sản phẩm mà chúng tôi đã bán được trong vòng 7 năm qua.”

Trong báo cáo của Apple cũng cho biết rằng họ đang “làm việc với hơn 160 nhà tái chế trên khắp thế giới.”

Sự thực của câu chuyện là gì?

Còn đây là sự thực của câu chuyện này: Apple trả tiền cho các nhà tái chế độc lập để họ tái chế các đồ điện tử cũ – hầu hết không phải là sản phẩm của Apple – bởi vì nó đòi hỏi một số trình tự luật pháp để làm như vậy. Vì vậy, thay vì thu về 40 triệu USD cho lượng kim loại quý thu được, Apple dường như còn phải mất tiền cho việc đó. Điều này không phải vì Apple đang che giấu điều gì đó, mà đó đơn giản chỉ là cách mà ngành công nghiệp này hoạt động.

Các bang màu da cam là những bang có luật về tái chế đồ điện tử.

Tất cả các nhà sản xuất đồ điện tử bán sản phẩm của mình tại Mỹ đều buộc phải tái chế rác thải điện tử theo quy định của luật pháp tại 25 bang. Luật này cũng khác nhau ở mỗi bang, nhưng không bang nào đòi hỏi Apple phải tái chế các sản phẩm của Apple. Thay vào đó, họ đòi hỏi các nhà sản xuất phải tái chế một lượng nhất định rác thải điện tử, tương đương với thị phần hay khối lượng tổng thể của các sản phẩm mà họ bán. Đó là lý do tại sao Apple lại nhấn mạnh ý cho biết họ đã tái chế “71% tổng khối lượng sản phẩm mà chúng tôi đã bán trong 7 năm qua.”

Luật của 24 bang có một điều mà chúng ta gọi là “trách nhiệm của nhà sản xuất”.” Jason Linnell, giám đốc của Trung tâm Quốc gia về tái chế đồ điện tử cho biết.

Dựa trên một số tiêu chí, thường là thị phần, nhà sản xuất phải tái chế một số khối lượng sản phẩm nhất định để chương trình của họ phù hợp với quy định của pháp luật. Trong hầu hết các trường hợp với một số rất ít ngoại lệ, họ ký hợp đồng với một nhà tái chế độc lập và nói những điều đại loại như “Chúng tôi cần tái chế khoảng 1 triệu pound (khoảng 450.000 kg) ở Minesota, anh có thể làm việc đó cho tôi không?”

Theo Kyle Wiens, CEO của iFixit (một công ty tập trung vào việc giúp mọi người sửa chữa và tái sử dụng các đồ điện tử thay vì tái chế) cho biết, các nhà tái chế điện tử như vậy thường hợp tác nhiều với các bên làm về tín chỉ đền bù carbon (carbon offset credit).

Những gì họ thực sự làm là cắt cho nhà tái chế một tờ séc và nói “Chúng tôi có thể có tín chỉ cho một triệu pound sản phẩm tái chế của anh được không?”

Khối lượng thực sự của những chiếc iPhone được tái chế?

Cho dù Apple thực sự tiến hành chương trình mua lại và tái chế những chiếc iPhone của họ, con số đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng rác thải điện tử của toàn bộ nước Mỹ.

Hầu hết rác thải điện tử ở nước Mỹ được thu thập bởi những chương trình như của Goodwill, của các chương trình tái chế riêng của mỗi thành phố hay những người tái chế các đồ điện tử cụ thể.” Wiens cho biết. “Apple có hơn 450 cửa hàng và một chương trình trả lại hàng qua thư (mailback) – tỷ lệ sản phẩm họ tự tái chế so với khối lượng tổng thể gần như bằng 0, có lẽ nhiều hơn 0 một chút ít.”

Thực ra điều này không hoàn toàn là điều xấu – Apple là một nhà sản xuất đồ điện tử, không phải là nhà tái chế đồ điện tử. Và nói một cách tương đối, cân nặng mỗi chiếc iPhone về cơ bản không thể so sánh được với một chiếc TV CRT, các máy chủ cũ hay màn hình máy tính.

Ngay cả chiếc iPhone cũ nhất vẫn có thể được sử dụng ở những nước khác trên thế giới, trong khi nếu ở Mỹ, số phận của nó không gì khác ngoài bị đập vụn và bị nấu chảy như những chiếc TV cũ. Nếu các nhà sản xuất đều bị buộc phải tự mình thực sự tái chế đồ điện tử, chắc hẳn Apple sẽ phải chuyển sang kinh doanh thêm cả mảng tháo rời TV cho các nhà sản xuất khác.

Điều mỉa mai là ở chỗ, hầu hết lượng vàng lại nằm trong những chiếc PC hay máy chủ cũ.” Wiens cho biết. “Có rất ít vàng trong một chiếc iPhone.”

Trên thực tế, theo quy định của nhiều bang tại Mỹ, điện thoại và máy tính bảng thường không bị buộc phải tái chế tổng thể.

Đại đa số đồ điện tử tái chế ngày nay là các tivi CRT – khoảng 80% khối lượng sản phẩm tái chế đến từ các tivi CRT.” Linnell cho biết. “Thậm chí hầu như không có bang nào theo dõi dữ liệu về việc có bao nhiêu kg điện thoại hay máy tính bảng đang được tái chế. Nếu chúng bị trả lại, thường chúng sẽ được tân trang lại và mang đi bán.”

Vì vậy, trong khi trên danh nghĩa, cho dù Apple phải chịu trách nhiệm cho việc tái chế khoảng 90 triệu pound rác thải điện tử, chỉ có một phần nhỏ trong số đó là iPhone, và một phần ít hơn nữa là do Apple tái chế. Ví dụ, tại bang Washington vào năm 2014, các sản phẩm của Apple chỉ chiếm khoảng 1,78% khối lượng rác thải điện tử tái chế. Còn tại bang Oregon, các sản phẩm của Apple chỉ chiếm khoảng 1,65%.

Toàn bộ công việc tái chế đều rất nguy hiểm và vất vả (các trung tâm tái chế rác thải điện tử thường là nơi bùng lên các ngọn lửa) và không thực sự sinh lợi. Nhưng các nhà tái chế độc lập vẫn có thể kinh doanh và kiếm tiền từ lĩnh vực này một phần nhờ vào việc các nhà sản xuất như Apple trả tiền cho họ, và ngoài ra là vì các nhà tái chế thường được giữ lại và bán những kim loại quý mà họ thu hồi được.

Đối với bất kỳ chương trình tái chế đồ tiêu dùng nào của nhà sản xuất, trừ khi bạn tập trung vào việc bán lại các sản phẩm, chúng đều sẽ là chi phí cho công ty của bạn.” Linnell cho biết. “Ngay cả đối với nhà tái chế, vẫn có những chi phí khổng lồ liên quan đến việc tìm kiếm, tháo rời và vận chuyển những vật cồng kềnh. Những thứ như hàm lượng vàng bên trong chúng có vẻ rất hấp dẫn, nhưng hầu hết nó chỉ giúp đền bù chi phí như các thức khác.”

Vì vậy, Apple đã không bỏ túi 40 triệu USD từ hoạt động tái chế của mình, họ chỉ trả một số tiền lớn để tuân thủ theo quy định. Bởi vì các nhà sản xuất hầu như luôn buộc các nhà tái chế phải ký thỏa thuận không tiết lộ, chúng ta khó có thể biết thực sự việc tái chế này đã tốn bao nhiêu tiền của Apple. Ngay cả khi trang Motherboard liên hệ trực tiếp với Apple để hỏi họ về các chi tiết trong chương trình tái chế của mình, như cân nặng những sản phẩm đã được Apple tái chế, câu trả lời vẫn là sự im lặng.

Tuy vậy, Linnell vẫn cho rằng Apple là người có thiện chí tham gia vào chương trình tái chế của nhiều bang, và cho biết rằng công ty cũng đã thiết lập các chương trình tái chế riêng và ký hợp đồng với các nhà tái chế đồ điện tử ở những bang không có luật về rác thải điện tử.

Ở hầu hết các bang tôi từng thấy trong báo cáo, Apple luôn đi trước và vượt xa so với những tiêu chuẩn tối thiểu.” Ông cho biết. “Trong khi ở một số trường hợp, nghĩa vụ của họ có xu hướng thấp hơn bởi vì tablet và điện thoại thường không có cân nặng quá lớn, do vậy, họ dường như không bao giờ bỏ lỡ mục tiêu của mình.”

Ngoài ra, việc tính toán một cách chính xác Apple sẽ phải tái chế bao nhiêu sản phẩm trên phạm vi toàn nước Mỹ và họ đã đáp ứng vượt quá bao nhiêu là rất khó, bởi vì mỗi bang sử dụng một tiêu chí khác nhau. Ví dụ, ở bang Minnesota, trách nhiệm tái chế của Apple dựa trên công thức sau:

((A x B) – (C + D)) x E, với:

A là cân nặng của lượng thiết bị hiển thị video mà nhà sản xuất đã bán cho các hộ gia đình trong cả năm trước thuộc chương trình tái chế.

B là tỷ lệ thiết bị hiển thị video cần được tái chế trong doanh số bán được, thường được thiết lập ở mức 0,6 trong năm đầu tiên của chương trình, và 0,8 cho năm thứ hai và các năm về sau.

C là cân nặng của lượng thiết bị điện tử trong hộ gia đình đã được tái chế bởi nhà sản xuất trong năm trước thuộc chương trình tái chế.

D là số lượng tín chỉ tái chế mà nhà sản xuất lựa chọn sử dụng để tính toán các phí tái chế khác nhau.

E là chi phí ước tính cho việc tái chế mỗi pound rác thải, thông thường được thiết lập ở mức 0,5 USD mỗi pound (khoảng 1,1 USD mỗi kg) cho người tái chế chưa đến 50% sản phẩm, 0,4 USD mỗi pound (0,88 USD mỗi kg) cho người tái chế được ít nhất 50% sản phẩm nhưng chưa đến 90% sản phẩm, và 0,3 USD mỗi pound (0,66 USD mỗi kg) cho người tái chế được hơn 90% sản phẩm nhưng chưa đến 100%.

Các nhà bình luận trên Internet và các tờ báo lớn luôn ca ngợi sự đóng góp của Apple trong việc loại bỏ các điện thoại cũ của người dùng. Điều đó có thể đúng, nhưng đó là vì công ty đang sửa chữa và bán lại những chiếc điện thoại đó, chứ không phải nấu chảy chúng.

Cùng chuyên mục
XEM