"Ác mộng" già hóa đang ám ảnh châu Á ra sao?
Bạn có tưởng tượng ra viễn cảnh Mỹ có lợi thế lao động hơn Trung Quốc không?
Từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc và một số khu vực Đông Nam Á, cơ cấu dân số già sẽ có tác động đến cả xã hội, chiến lược kinh doanh và chính sách của chính phủ.
Xu hướng già hóa dân số ở châu Á có thể làm nghiêng cán cân sức mạnh khu vực và toàn cầu. Một số nền kinh tế châu Á sẽ bị cản trở, trong khi những nền kinh tế khác tiếp tục phát triển vì lực lượng lao động vẫn còn dồi dào.
Mối đe dọa già hóa đã được thảo luận trong nhiều năm, nhưng những dấu hiệu mới nhất cho thấy cơn ác mộng tồi tệ nhất của châu Á đang dần trở thành hiện thực.
"Tôi muốn có con chứ. Nhưng tôi đã 30 tuổi, mà chúng tôi vẫn không có nhà. Mỗi lần nghĩ đến tiền là tôi lại nhận ra, không thể cứ thế mà sinh con được." - một phụ nữ Hàn Quốc chia sẻ.
Rất nhiều cặp vợ chồng Hàn Quốc lâm vào tình cảnh này, và họ không có con. Dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64) ở Hàn bắt đầu giảm từ năm 2017. Cơ quan thống kê Hàn Quốc mới đây đã cảnh báo: không chỉ dân số trong độ tuổi lao động, mà tổng dân số nói chung cũng sẽ bắt đầu giảm trong năm tới.
Dự kiến đến năm 2065, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia có bức tranh dân số xám xịt nhất. Tại Trung Quốc, chính phủ đã bãi bỏ chính sách một con từ năm 2016, nhưng đây dường như mọi thứ đã muộn màng. Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong năm 2017 và 2018. Liên Hợp Quốc báo cáo, số người Trung Quốc ở độ tuổi 16-59 bắt đầu giảm từ năm 2014.
Năm ngoái, lần đầu tiên, nhóm tuổi từ 16-59 giảm xuống dưới 900 triệu người. Thêm vào đó, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm năm thứ tư liên tiếp kể từ 2017. Bắt nguồn từ vấn đề mất cân bằng giới tính quá nghiêm trọng do phá thai trẻ em gái, vì người Trung Quốc chỉ được sinh một con, nên họ chọn con trai.
Các doanh nghiệp nhận ra rằng họ đang phục vụ cho một nền kinh tế độc thân: Năm ngoái, trang thương mại điện tử Tmall của Alibaba Group Holding cho biết, sản phẩm bán chạy nhất của họ là những gói gạo 100 gram và rượu vang đỏ chai nhỏ (200 ml), khi người ta sống một mình thì chỉ cần đến thế.
Nhật Bản vốn đã nổi tiếng với hình ảnh "già nua". Tỷ lệ dân số từ 15 đến 64 tuổi bắt đầu thu hẹp kể từ năm 1995. Nhật Bản đã rơi vào "thập kỷ mất mát" của sự đình trệ và giảm phát kinh tế. Tổng dân số bắt đầu giảm kể từ năm 2008.
Những người nghỉ hưu từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ chiếm hơn 30% dân số của các quốc gia kể trên vào năm 2060.
Hồng Kông, Singapore và Thái Lan cũng đang quỹ đạo tương tự. Chỉ ngoại lệ ở Ấn Độ và Indonesia. Lực lượng lao động của hai quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ít nhất là đến năm 2060. Lực lượng lao động vẫn còn trẻ cũng sẽ mang lại cho Hoa Kỳ lợi thế lớn, ít nhất là về mặt lý thuyết so với đối thủ chính trong cuộc chiến thống trị toàn cầu - Trung Quốc.
Già hóa nhanh tiềm ẩn một mối nguy hiểm thực sự đối với tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại, dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 1,5% trong thập kỷ từ 2040 đến 2050.
Logic rất đơn giản: Ít người tiêu dùng sẽ hạn chế các nền kinh tế, khiến các công ty cắt giảm đầu tư, tạo ra một vòng xoáy suy thoái. Dữ liệu chi tiêu hộ gia đình cho thấy, giới trẻ Nhật Bản ngày càng tiết kiệm hơn. Theo phó giáo sư tại Đại học Hitotsubashi tại Tokyo, ông Ikuko Samikawa: trong 30 năm qua, tỷ lệ tiết kiệm Nhật Bản đã tăng lên 38% trong độ tuổi từ 25 đến 29 và lên 44% trong độ tuổi từ 30 đến 34.
"Những người trẻ tuổi có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn vì lo lắng cho tương lai", ông Hiroshi Nakaso, Chủ tịch Viện nghiên cứu Daiwa và cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhật Bản nói. "Các doanh nghiệp cũng đang kiểm soát chặt chẽ đầu tư trước sự lo ngại về khủng hoảng kinh tế".
Willem Adema, một nhà kinh tế tại OECD dự đoán: những thay đổi về nhân khẩu học "sẽ có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với chính sách". Gánh nặng an sinh xã hội ngày càng nặng nề.
Tại Nhật Bản, các khoản chi tiêu an sinh xã hội đã phình to hơn trong hai thập kỷ trở lại đây, buộc chính phủ phải vay thêm để duy trì hệ thống. Nợ công hiện nay cao gấp đôi GDP, khiến Nhật Bản trở thành nền kinh tế phát triển mắc nợ nhiều nhất. Theo thời gian, những vấn đề này sẽ hạn chế các nhà hoạch định chính sách. Khi dân số bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại, các khoản đầu tư bị thắt chặt và xu hướng tiết kiệm gia tăng, lãi suất sẽ ngày càng giảm. Mức tăng trưởng của Nhật Bản trong nhiều năm đã bị kẹt ở mức 1%.
Tuy nhiên, ít ra thì người cao tuổi Nhật Bản thường còn được chăm sóc cẩn thận, ít nhất là cho đến nay. Nợ của Hàn Quốc không nghiêm trọng như Nhật Bản, nhưng người cao tuổi Hàn Quốc đã phải trả giá đắt. Tỷ lệ nghèo ở Hàn Quốc trong độ tuổi từ 66 đến 75 là 39% vào năm 2015 và thậm chí còn cao hơn ở độ tuổi từ 76 tuổi trở lên.
Một ông lão Hàn Quốc 70 tuổi tâm sự: "Tôi phải nhìn sắc mặt vợ rồi mới dám xin tiền tiêu vặt. Nhưng thường là bà ấy cũng chẳng cho, bà ấy bảo hôm qua đưa rồi. Nhưng tôi cũng thông cảm cho vợ. Thanh toán tiền điện và đủ thứ tiền khác xong thì cũng chẳng còn mấy".
Ở Hàn Quốc, cũng như ở nhiều nước châu Á khác, con cháu được mong đợi sẽ phụng dưỡng cha mẹ, như truyền thông. Nhưng thái độ của giới trẻ đang đang thay đổi, và ngay cả hệ thống lương hưu của Hàn Quốc cũng trở nên khó kiểm soát.
Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã cảnh báo việc vỡ quỹ hưu trí quốc gia vào năm 2057. Theo S & P Global, các chương trình an sinh xã hội của Hàn Quốc chỉ chiếm 7,7% GDP trong năm 2015, so với 18,7% tại Nhật Bản. Đến năm 2050, tỷ lệ này được dự đoán sẽ đạt 17,8% GDP Hàn Quốc, so với 22,1% tại Nhật Bản. Ở Trung Quốc, bảo hiểm xã hội chỉ mới 6,3% GDP trong năm 2015 nhưng sẽ tăng lên 16,5% vào năm 2050. Quy mô nền kinh tế lớn và tỷ lệ di cư lao động cao làm tình hình phức tạp hơn.
Khoảng 300 triệu người đã di cư từ nông thôn lên thành phố, và rất ít người quay trở lại để chăm sóc cha mẹ già, những người đã cách xa họ hàng ngàn cây số. Người di cư cũng đang già đi: Tỷ lệ người di cư trên 50 tuổi là 21,3% trong năm 20178. Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thường là 60 đối với nam và 50 đối với nữ, nhưng hầu hết những người di cư không có lương hưu.
Một trong số các giải pháp là hoãn lương hưu. Tại Hồng Kông, chính quyền gần đây đã áp dụng việc giảm lương hưu của người cao tuổi nếu như họ không tìm việc làm. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang đề xuất rằng các cá nhân chờ đợi rút lương hưu cho đến khi 70 tuổi đẻ được hưởng các khoản thanh toán cao hơn. Hàn Quốc đang thực hiện các chính sách khuyến khích sinh con, nhưng không có nhiều hiệu quả. Còn Trung Quốc đã thì đang cho phép người già thế chấp nhà để vay tiền cho nghỉ hưu, nhưng rất ít người đã thực hiện các khoản vay.