Á quân lợi nhuận ngân hàng sẽ là ai?

14/05/2019 15:16 PM | Kinh doanh

Có đến 6 cái tên là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Á quân lợi nhuận ngân hàng năm nay khi họ đặt mục tiêu lãi trước thuế khá tương đương nhau, xoay quanh mức 10.000 tỷ đồng.

Top 5 lợi nhuận ngân hàng có lẽ chưa bao giờ khó đoán như lúc này khi cuộc đua giành vị trí thứ 2, thứ 3 trong bảng xếp hạng căng thẳng hơn bao giờ hết.

Ở vị trí quán quân, Vietcombank ngày càng củng cố vững chắc vị trí của mình khi quý 1/2019 đã có lãi trước thuế hơn 5.800 tỷ, tăng 35% so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận của nhà băng này cũng cao nhất trong các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này đã hoàn thành được gần 30% kế hoạch năm. BVSC cho rằng với 2 thế mạnh bao gồm lợi thế về vốn và đi đầu về chất lượng tài sản trong hệ thống, tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận của Vietcombank vẫn còn rất lớn trong tương lai, đặc biệt khi nhà băng này mở rộng mảng ngân hàng bán lẻ.

Năm 2019, NIM của Vietcombank có thể bị ảnh hưởng do nguồn vốn giá rẻ từ Kho bạc Nhà nước có thể sẽ giảm trong 2019 do tình hình giải ngân đầu tư công tốt hơn so với 2018. Tuy nhiên, ngân hàng cũng có thể sẽ có nguồn thu đột biến liên quan đến Bancassurance.

Trong khi Vietcombank ngày càng "cô đơn" trên đỉnh lợi nhuận, cuộc cạnh tranh ở vị trí thứ 2, thứ 3 lại hết sức khốc liệt. Ứng cử viên cho vị trí Á quân có đến 6 cái tên khi họ đặt ra mục tiêu lợi nhuận tương đương nhau, quanh mức 10.000 tỷ đồng LNTT cả năm 2019.

Trong đó, Techcombank nhỉnh hơn với kế hoạch 11.750 tỷ đồng LNTT. Theo sau đó, BIDV dự kiến lãi 10.300 tỷ, MBBank 9.560 tỷ đồng, VietinBank và VPBank cùng 9.500 tỷ. Đáng chú ý, Agribank cũng tham vọng có LNTT cán mốc 10.000 tỷ trong năm nay.

Trước đó, năm 2018, vị trí Á quân lợi nhuận thuộc về Techcombank khi ngân hàng này vượt qua BIDV, VPBank, VietinBank để bão lãi đạt hơn 10.600 tỷ. Theo sau lần lượt là BIDV, VPBank, MBBank, Agribank, VietinBank,…

So với 2 năm trước đó, bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2018 đã có sự xáo trộn rất lớn và nhiều khả năng điều này còn tiếp diễn trong năm nay khi một số bắt đầu bộc lộ khó khăn và muốn tăng trưởng chậm lại, một số lại muốn quay lại đường đua và bứt phá nhanh hơn.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh trong quý 1 của các nhà băng nói trên cũng đã gây nhiều bất ngờ.

 Á quân lợi nhuận ngân hàng sẽ là ai?  - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2019 của Techcombank, BIDV, MBbank khá tương đương nhau

Sau khi bị đánh bật khỏi Top 5 trong năm 2018 vì khoản lỗ hơn 800 tỷ trong quý 4, VietinBank bắt đầu quay trở lại đường đua khi báo lãi trước thuế quý 1/2019 đạt 3.153 tỷ đồng, vượt cả Techcombank, BIDV,…

Lợi nhuận của Techcombank, BIDV, MBBank sau 3 tháng đầu năm 2019 khá suýt soát nhau, lần lượt là 2.617 tỷ, 2.521 tỷ và 2.424 tỷ LNTT. Trong khi đó, VPBank tỏ ra hụt hơi hơn khi lợi nhuận quý 1/2019 sụt giảm 32% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.783 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn một chút so với ACB (1.707 tỷ đồng).

Với VietinBank, phương án tăng vốn vẫn là mấu chốt quyết định đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông đã thông qua chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Phương án cụ thể vẫn cần chờ phê duyệt của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy những dịch chuyển thu nhập đáng chú ý của nhà băng này. Mặc dù dư nợ tín dụng sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn cải thiện nhờ cơ cấu thị trường cho vay, tập trung phân khúc có NIM cao, đồng thời lãi từ dịch vụ tăng đột biến. TGĐ VietinBank cho biết ngân hàng không có kế hoạch thoái lãi dự thu năm nay nên cổ đông có thể yên tâm. Trước đó, việc thoái lãi dự thu trong quý 4/2018 là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân hàng này bị lỗ.

BVSC cho rằng, chất lượng tài sản của VietinBank đã được cải thiện nhiều với tỷ lệ NPL dự báo ở mức 1,3%, LLCR trên 100%. Chi phí dự phòng 2019 của nhà băng được BVSC dự báo sẽ giảm.

Tại Techcombank, ngân hàng báo lãi trước thuế quý 1 đạt 2.617 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, kết quả này có được một phần nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 80%. Trong khi dó, lợi nhuận thuần giảm so với cùng kỳ vì không còn khoản thu đột biến từ thu nhập góp vốn mua cổ phần.

BVSC cho rằng Techcombank có thể hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2019, một phần nhờ LDR của ngân hàng mới chỉ ở mức 65,5% và nhờ đó NIM có thể sẽ tiếp tục được cải thiện. Ngoài ra, BVSC cũng kỳ vọng ngân hàng sẽ được tăng trưởng tín dụng vượt mức kế hoạch đề ra 13% nếu áp dụng sớm Thông tư 41.

Trích lập dự phòng rủi ro là một trong yếu tố được quan tâm nhất với BIDV. Ngân hàng này có lợi nhuận thuần cao nhất hệ thống, nhưng cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng cao nhất. Trong quý 1, chi phí dự phòng của BIDV lên tới 5.187 tỷ, "ăn mòn" 67% lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng dự kiến sẽ trích dự phòng khoảng 20.200 tỷ đồng trong năm nay. Ngân hàng cũng đang muốn sớm tất toán trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

BVSC cho rằng, nếu BIDV có thể phát hành riêng lẻ thành công trong năm nay thì ngân hàng có thể mở rộng nhanh chóng danh mục cho vay. Tuy nhiên, kế hoạch phát hành cho KEB Hana Bank vẫn còn một số rào cản.

VPBank đặt mục tiêu 9.500 tỷ đồng LNTT trong năm nay và sau quý 1 đã hoàn thành được 19% kế hoạch. Lợi nhuận của ngân hàng này có thể bứt phá từ giai đoạn nửa cuối năm, tương tự như năm 2018. Tuy nhiên, nhiều cổ đông cũng lo ngại VPBank sẽ bị ảnh hưởng, khó duy trì "phong độ" như những năm trước nếu tín dụng tiêu dùng bị siết chặt.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, TGĐ ngân hàng, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 nhìn thì thấp (tăng 3%) nhưng thực ra trừ đi khoản thu nhập bất thường của 2018 đến từ bảo hiểm AIA (hơn 800 tỷ) thì vẫn đạt mức tăng 14%. Riêng ngân hàng mẹ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là hơn 20%, từ mức hơn 4.000 tỷ lên 5.100 tỷ. Lãnh đạo nhà băng này cho biết vẫn tiếp tục coi Fe Credit là trụ cột phát triển.

MBBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất đạt 9.560 tỷ, riêng ngân hàng mẹ là 8.345 tỷ đồng. Theo đó, các ngân hàng con dự kiến mang tới cho MBBank hơn 1.200 tỷ đồng LNTT, tăng tới 65% so với năm 2018.

Các công ty con đang đóng vai trò khá quan trọng trong động lực tăng trưởng của ngân hàng này. Lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý 1/2019 tăng đột biến tới 141% nhờ mảng bảo hiểm có thu nhập tăng hàng chục lần.

MBBank đang có 2 công ty thành viên là công ty bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm quân đội MIC và bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life. Ngân hàng cũng có 1 công ty tài chính là MB Shinsei hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, đang phấn đấu trở thành 1 trong 5 công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu thị trường về quy mô và hiệu quả hoạt động.

Kín tiếng nhưng cần dè chừng là Agribank. Mục tiêu lợi nhuận năm nay của Agribank chỉ đứng sau Vietcombank và Techcombank, cao hơn VietinBank dù nhiều năm trước Agribank ít khi được đặt ngang hàng với 3 ngân hàng cổ phần Nhà nước còn lại về con số lợi nhuận.

Kết thúc năm 2018, Agribank bất ngờ tạo dấu ấn trên thị trường bằng việc công bố lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức 5.700 tỷ đồng kế hoạch đề ra trước đó. So với lợi nhuận 5.018 tỷ đồng năm 2017, tăng trưởng lợi nhuận 2018 của Agribank lên tới 50%.

Agribank vẫn tiếp tục dẫn đầu hệ thống về quy mô tổng tài sản, dư nợ tín dụng, tiền gửi dân cư và mạng lưới rộng lớn. Năm 2018, Agribank thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý. Với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank còn tự tin sẽ đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Ngân hàng này cũng đang đẩy mạnh tiến độ các bước để chuyển đổi mô hình hoạt động thành NHTMCP, thu hút các NĐT chiến lược, cố gắng IPO sớm nhất có thể.

Theo Diệp Trần

Cùng chuyên mục
XEM