9X quyên góp 1.500 tấm nệm cho y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19: Từng góp ý của mọi người là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày
"Mình đã tạo ra được một sản phẩm thì đó cũng giống như con của mình vậy. Người khác khen con mình thì mình tự hào chứ. Những điều bé nhỏ đó tới từng ngày từng ngày, trở thành động lực thúc đẩy tôi không bỏ cuộc và tiếp tục hành trình của mình" – Founder 9X của Ru9 chia sẻ.
Tháng 1/2021, Đặng Thuỳ Trang, nhà sáng lập Ru9 - công ty sản xuất nệm với nguyên liệu foam hiệu suất cao, mang lại giấc ngủ êm ái cho người Việt - đã giành chiến thắng ở hạng mục Bản lĩnh đương đầu tại WeChoice Awards.
9X đã có câu chuyện khởi nghiệp ngược dòng vượt khó khăn truyền cảm hứng, đồng thời khởi động chiến dịch "Đến cả anh hùng cũng cần giấc ngủ ngon" trao tặng 1.500 tấm nệm êm ái cho đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid năm 2020.
Trong cuộc trò chuyện, Đặng Thùy Trang bộc bạch về những khó khăn của ngày đầu và cả chuyện, không một ai trong gia đình ủng hộ ý tưởng ban đầu của cô.
- "Đến cả anh hùng cũng cần giấc ngủ ngon" gây được tiếng vang và sự chú ý lớn của cộng đồng trong giai đoạn chung tay chống dịch Covid-19. Ý tưởng của chiến dịch tới với chị như thế nào?
- Ý tưởng đó đến với tôi một cách tình cờ. Thời điểm cách đây 1 năm, tôi có rất nhiều bạn bè ở nước ngoài trở về và ở trong khu cách ly. Việc kiểm soát tốt "đầu vào" giúp chúng ta kiểm soát dịch tốt nhưng đồng thời tạo nên sức ép lớn cho khu cách ly. Lúc ấy, nhân viên, tình nguyện viên và thậm chí là các bác sĩ tại các khu cách ly phải tận dụng từng chỗ để nằm, chưa nói đến có giường nệm đầy đủ để ngả lưng. Các bạn tôi nói rằng, tình nguyện viên và các y bác sĩ đều phải trải chiếu ngủ bên ngoài.
Thời điểm ấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều tổ chức kêu gọi ủng hộ rất nhiều. Là một start-up còn rất non trẻ, nếu đóng góp tiền, thực sự chúng tôi cũng không có được bao nhiêu. Nhưng chúng tôi có sản phẩm thiết thực và hữu ích là những chiếc nệm. Sự thật là bấy giờ, chúng tôi cũng chưa từng sản xuất những chiếc nệm cá nhân ấy. Nhưng tôi đã nghĩ tới MỘT phiên bản gọn nhẹ, êm ái. Nếu không có giường thì ít ra những người hùng của chúng ta cũng có nệm để nằm và có được một giấc ngủ ngon, nạp lại năng lượng để tiếp tục chăm sóc cho mọi người.
- Quá trình từ kế hoạch tới hành động diễn ra như thế nào?
- Khi nảy ra ý tưởng, tôi bắt đầu post lên Facebook cá nhân để tìm cách liên hệ các đầu mối để vận chuyển. Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn và biết ơn khi các bạn bè và đối tác đều sẵn lòng giúp đỡ và ủng hộ rất nhiều, người thì chi sẻ, người thì quyên góp và đóng góp ý kiến.
Chỉ sau 10 ngày, những chiếc đệm đầu tiên đã đến bệnh viện dã chiến Củ Chi tại TP.HCM. Sau đó các bác sĩ truyền tai nhau, mà cách này cũng là nhanh nhất. Các bác sĩ ở Bệnh viện Củ Chi nói cho các bác sĩ ở Bệnh viện Gò Vấp, rồi ra đến Hà Nội và cả khu vực phía Bắc.
Cuối cùng, chúng tôi đóng góp được 1.500 chiếc nệm cho BV Củ Chi, BV Gò Vấp, BV Bạch Mai, BV Phụ sản TW ở Hà Nội và Mặt trận Tổ quốc trong tháng 4 năm 2020.
- Chị và Ru9 đã truyền thông chiến dịch tới với mọi người như thế nào?
- Ở thời điểm đó, chúng tôi không truyền thông hay báo chí. Mọi thứ xuất phát từ cá nhân tôi, muốn bản thân và Ru9 làm một điều thiết thực cho cộng đồng. Thời gian phải làm ở nhà vì Covid, bản thân tôi rất stress. Tôi giao bớt việc tại công ty cho team để tập trung lo việc sản xuất nệm cho bệnh viện để đưa đến các khu cách ly. Khi bản thân đóng góp được phần nào cho cộng đồng, tôi cảm thấy vui vẻ và công việc có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chính trong khoảng thời gian này, tôi nhận ra rằng bên cạnh mình luôn có những người đồng nghiệp đáng tin cậy. Khi ấy, tôi không thể toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc tại Ru9, nhưng các bạn trong team đã hỗ trợ nhau rất tốt.
Trong thời gian ấy, doanh số của Ru9 tăng rất nhanh. Riêng trong tháng 4/2020, doanh thu tăng 250%-290% so với cùng kì năm 2019. Khi tổng kết sơ bộ tình hình cả năm qua, doanh thu công ty tăng tới 300% so với 2019.
- Con số đó tạo áp lực tăng trưởng như thế nào cho năm 2021?
- Áp lực tăng trưởng là điều không xấu khi làm kinh doanh, nó là một thử thách mới và là nguồn động lực tốt để thúc đẩy sự phát triển cho công ty và cả các cá nhân làm việc tại Ru9. Số phần trăm tăng trưởng doanh số không phải mục tiêu duy nhất mà chúng tôi hướng tới, ngoài chỉ tiêu đó thì mức độ hài lòng của nhân viên với môi trường, mục đích hướng đến của công ty và sự phát triển bản thân tại đây cũng là chỉ tiêu chính của Ru9.
Trong thời gian tới, phát triển hệ sinh thái sản phẩm là ưu tiên hàng đầu. Ngay từ những ngày đầu, Ru9 đã xác định mục tiêu của công ty là mang lại giải pháp giấc ngủ cho mọi người. Đây sẽ là năm chúng tôi thực hiện lời hứa đó.
- Vì sao chị lựa chọn sản xuất chứ không phải phân phối lại nệm với giá tốt hơn?
- Nếu chọn phân phối, tôi có thể làm nhiều thứ khác hay ho hơn là nệm. Tôi từng được trải nghiệm sản phẩm nệm foam trong thời gian du học ở Úc và có những giấc ngủ ngon nhưng lại chẳng thể tìm thấy nệm foam tại Việt Nam, còn những chiếc nệm nhập khẩu thì có giá "trên trời’. Vì thế, tôi quyết định bắt tay vào sản xuất nệm foam ngay tại Việt Nam. Đó là quyết định gây sốc cho rất nhiều người, bao gồm cả bố mẹ và bạn bè vào thời điểm ấy.
Lương đi làm thuê trước đây của tôi rất tốt với một người tuổi 25, lên đến 1.000-1.500 USD. Bạn bè nghĩ tôi nghỉ để làm start-up quần áo, mỹ phẩm, cà phê… - những thứ đẹp đẽ và phù hợp với tuổi. Không ai nghĩ tôi sẽ đi sản xuất nệm (cười). Vì vậy, tôi gặp rất nhiều sự phản đối từ người thân và bạn bè của mình.
Thế nhưng, ở giữa khủng hoảng của độ tuổi 25, khi lộ trình trong cuộc đời tôi trước đó đều được bố mẹ vạch sẵn, tôi quyết định thay đổi và làm những gì mình bản thân yêu thích.
- Chị đặt viên gạch đầu tiên cho việc sản xuất nệm như thế nào?
- Tôi và các cộng sự may mắn có cơ hội hợp tác với các chuyên gia nước ngoài và được tư vấn rất nhiều về chất liệu làm nệm nên tiến độ được đẩy nhanh. Chúng tôi nhanh chóng định hình sản phẩm muốn hướng tới. Bài toán của tôi là làm sao để sản xuất được chất liệu tương đương nước ngoài nhưng ở Việt Nam nhằm mang lại giá thành tốt nhất có thể, để một người dân bình thường cũng có thể tiếp cận được sản phẩm. Chúng tôi đã tìm, thử nghiệm và nhận ra nhược điểm của nhiều sản phẩm của nước ngoài để phù hợp hơn với người Việt, bởi người phương Tây có thể hình và trọng lượng khác với người Việt Nam, khí hậu ở Việt Nam cũng nóng ẩm hơn ở các nước phương Tây khá nhiều
Khi tìm được đối tác, chúng tôi phải thuyết phục họ rất nhiều về việc họ đầu tư máy móc, công nghệ và nhân công. Về mặt chất liệu, đây là chất liệu của tương lai, đáng để đầu tư. Làm việc với chúng tôi cũng là một lần thử nghiệm cho họ. Những công ty sản xuất nệm ở Việt Nam đa phần đều xuất khẩu. Khi cùng bọn tôi thực hiện công nghệ mới, họ cũng sẽ đào tạo được công nhân gia công, tạo ra những sản phẩm mới cho khách hàng nước ngoài của họ. Nếu thuyết phục được họ, đó sẽ là một sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Cuối cùng, chúng tôi cũng giải quyết được bài toán khó đó.
- Giai đoạn đầu còn có những khó khăn gì nữa?
- Khó khăn về mọi mặt! Việc đi làm một vài năm thực sự không nói lên điều gì so với việc chịu trách nhiệm vận hành toàn bộ công ty. Khi mới bắt đầu, chúng tôi cũng bị cản trở bởi yếu tố bên ngoài như các đối thủ cạnh tranh. Về nội lực, tôi cũng có nhiều lần vấp ngã trong việc điều hành. Như rất nhiều các start-up khác, bạn đồng sáng lập đầu tiên đã chuyển sang sinh sống và làm việc tại nước ngoài sau khi công ty thành lập được 6 tháng. Công ty do tôi tự tay điều hành từ lúc đấy. Tôi phải tự tìm tòi và học hỏi nhiều thứ. Trong năm đầu tiên, tôi có 2 nhân viên, kể cả tôi là 3. Sau đó, chúng tôi tăng lên 7 người và tới bây giờ có 25 nhân viên.
- Về vốn thì sao?
- Chúng tôi bắt đầu với mức vốn rất khiêm tốn. 50 cái nệm, nếu tính theo mặt giá trị. Đến bây giờ, Ru9 có thể bán 50 cái nệm trong 2 ngày. Mức vốn ban đầu rất ít, không ai nghĩ chúng tôi có thể bắt đầu.
Trong kinh doanh, chắn chắn là phải có vốn mới làm được, nhưng công sức và quyết tâm của những người làm sáng lập cũng rất quan trọng. Nếu không nhờ 100% sức lức của tôi và bạn đồng sáng lập lúc đầu, có lẽ nhiều tiền hơn cũng sẽ không làm được.
- Khi còn một mình ở vị trí đứng đầu, có bao giờ chị nghĩ đến chuyện "giải tán"?
- Không. Dù tôi cũng rất sợ, sợ phải làm mọi thứ một mình. Tôi không biết quyết định của mình sẽ ảnh hưởng tới công ty và nhân viên như thế nào.
Khi ấy, chúng tôi đã bắt đầu bán hàng cho khách. Những khách hàng đầu tiên là những người vô cùng tin tưởng mình, nên họ mới mua hàng của mình. Khách hàng hỏi: "Đệm bảo hành bao lâu?", "10 năm". "Công ty thành lập được bao lâu?", "Vài tháng". Họ bảo: "Làm sao biết được 10 năm sau công ty có còn không mà bảo hành?".
Một câu hỏi hiển nhiên, bản thân tôi cũng sẽ hỏi như vậy. Để quyết định mua hàng, họ phải thực sự tin tưởng mình, tin tưởng vào chất liệu, vào câu chuyện khởi nghiệp của mình. Vì thế, đối với tôi lúc ấy, việc giải tán là không thể.
- Từ một cô gái 25 tuổi nhận mức lương 40 triệu, chị chuyển sang khởi nghiệp. Cuộc sống, chi tiêu thay đổi như thế nào?
- Một năm rưỡi đầu tiên, tôi không có một đồng lương nào, hoàn toàn lấy từ tiền tiết kiệm. Khi có ý tưởng, tôi cũng không nghỉ việc ngay mà phải chuẩn bị về mặt tài chính và tinh thần cho bản thân, sẵn sàng cho việc sống và làm việc 1 năm mà không có lương. Mới đầu, tôi vẫn phải đi làm 2 việc cùng lúc. Trong 9 tháng ấy, tôi cũng tích lũy được một phần để xoay sở.
Ngày trước tôi cũng thuê nhà riêng, nhưng thời gian đầu khởi nghiệp, tôi chuyển về ở với bố mẹ. May là gia đình dù không giúp vốn liếng, nhưng ít nhất còn cho ở cùng (cười). Ngày trước tôi cũng nuôi một chú chó nhưng rồi phải gửi cho cô vì tôi không còn đủ thời gian để chăm sóc nữa.
Tôi nghĩ các bạn start-up nên có sự chuẩn bị. Đừng nghĩ không có lương thì không đi chơi, ăn uống, không đầu tư gì để chăm lo cho bản thân nữa. Năm đầu tiên, tôi sống rất tiết kiệm, nhưng vẫn chăm lo tinh thần cho bản thân. Bởi vì như tôi đã nói lúc đầu, tiền vốn không quá quan trọng bằng sức lực của người sáng lập. Người dẫn đầu mà nản chí, dù có bao nhiêu vốn cũng đi xuống hết.
Lương của tôi bây giờ cũng không hơn chỗ cũ. Tôi cũng không có quá nhiều nhu cầu về mặt chi tiêu. Tôi không quá tiết kiệm, nhưng việc không muốn chi tiêu hoang phí đã trở thành thói quen rồi.
- Vì sao giai đoạn khởi nghiệp, chị không thuyết phục được bố mẹ?
- Thú thật, trong số 100% người thân phản đối thì bố mẹ tôi phản đối 200%. Bố mẹ tôi đều là người làm kinh doanh nên có phần khắt khe, không phải con muốn làm gì thì bố mẹ ủng hộ và cho tiền. Bố mẹ sẽ đánh giá mức độ khả thi của kế hoạch kinh doanh, không được thì không cho tiền.
Lúc ấy, bố tôi nói luôn: "Con mà làm được 1 tỷ thì bố đi đầu xuống đất!". Bây giờ, ông không dám nói lại (cười). Bố cho tôi đúng 6 tháng, nghĩ rằng tôi sẽ quay đầu về bờ. Nhưng may mắn sao, tới giờ tôi vẫn chưa phải quay đầu. Ngược lại, bố mẹ đã khá tin tưởng vào tôi, bởi tôi không phải vay mượn tiền ở đâu cả.
- Yếu tố nào giúp chị vượt qua được khó khăn ấy để có được thành công bước đầu? Liệu có phần trăm may mắn?
- May mắn chắc chắn là có. Tôi không nghĩ ai đó có thể làm kinh doanh mà không có điều này. Mặt khác, tôi có rất nhiều sự động viên từ phía khách hàng. Một khi mình tạo ra sản phẩm có giá trị cho khách hàng, họ sẵn sàng giới thiệu cho người khác, và tôi nhận được những phản hồi tích cực mỗi ngày.
Có một hôm tôi rất mệt, nên xuống siêu thị dưới nhà mua đồ ăn sẵn. Đang xem đồ thì có một cô đi ra hỏi: "Cháu có phải Trang làm nệm trên Shark Tank không?" Hôm ấy, tôi đang rất mệt và xuống tinh thần, nhưng vì người ta nhận ra nên tôi cũng niềm nở trả lời lại. Cô kể rằng chồng mình cũng mua nệm Ru9. Ban đầu, cô rất phản đối vì đây là thương hiệu mới, chưa biết chất liệu gì. Thế nhưng, chồng cô đã tìm hiểu và cho biết chất liệu này rất tốt, sau đó họ mua và rất thích. Trước đây, bác ấy bị chấn thương cột sống, cũng đi chữa khắp nơi nhưng chỉ đỡ chứ không cảm thấy thoải mái hẳn. Bác bảo rằng bác cũng sẽ mua cho con trai chuẩn bị lấy vợ.
Nghe vậy, tôi rất vui, bao mệt mỏi và buồn bã đều tan biến hết. Mình đã tạo ra được một sản phẩm thì đó cũng giống như con của mình vậy - người khác khen con mình thì mình tự hào chứ. Những điều bé nhỏ đó tới từng ngày từng ngày, trở thành động lực thúc đẩy tôi không bỏ cuộc và tiếp tục hành trình của mình.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.