9x làm shipper kiếm tiền khởi nghiệp với tư duy "không nương tựa ai", 3 năm sau quản lý công ty 60 người: "Một con hổ có năng lực thì không bao giờ sợ đói"
Với tư duy không dựa dẫm vào bố mẹ, chàng trai sinh năm 1997 từng đi làm shipper, làm thêm một lúc 3 nơi để kiếm tiền sinh hoạt, tích cóp cho "ấp ủ" khởi nghiệp riêng. Những trải nghiệp suốt quãng thời gian tuổi trẻ giúp 9x có bài học sâu sắc về quản trị sự nghiệp, cuộc sống.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra khi CEO 9x Trần Thế Anh vừa mới âm tính COVID và đang trong chuyến đi tới trụ sở của công ty tại Campuchia để khảo sát tình hình làm việc của mọi người.
DZ Group – công ty kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trần Thế Anh mới hoạt động được gần 3 năm, có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại Campuchia với 60 nhân viên.
Tốt nghiệp trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội chuyên ngành IT nhưng Thế Anh lại bén duyên với ngành marketing online từ khi còn đang là sinh viên và lựa chọn đó là con đường phát triển sự nghiệp.
Ngay từ khi còn là sinh viên, Trần Thế Anh đã có một tư duy rõ ràng về công việc và tài chính của bản thân. Khi các bạn đồng trang lứa tiêu hết số tiền bố mẹ cho mỗi tháng thì sẽ tiết kiệm để chờ "đợt viện trợ" tiếp theo, thì Thế Anh quyết tâm tự kiếm tiền. Với chiếc xe máy, Thế Anh quyết định làm shipper vào thời gian rảnh để có thêm tiền chi tiêu phù hợp với nhu cầu của bản thân.
"Khi hết tiền sẽ có 2 kiểu người: một kiểu sẽ chi tiêu tiết kiệm nốt số tiền còn lại để chờ viện trợ từ gia đình. Còn tôi là kiểu, khi tiêu hết số tiền bố mẹ cho, tôi sẽ tìm cách kiếm thêm", Thế Anh nhớ lại quãng thời gian sinh viên.
Từ khi học ĐH năm thứ 2, 9X đã tham gia nhiều dự án về công nghệ thông tin, nhưng ở vị trí của người làm marketing. Dự án đầu tiên mà Thế Anh tham gia là thiết kế một ứng dụng đặt xe với ý tưởng giúp những người có cùng lộ trình có thể ghép xe, giảm tắc đường, giảm chi phí và bảo vệ môi trường… Tuy không thành công, nhưng dự án này là khởi nguồn cho niềm đam mê với marketing của chàng sinh viên công nghệ thông tin.
Sau dự án này, Thế Anh còn tham gia nhiều dự án marketing khác, có lúc chàng trai trẻ làm việc ở 3 công ty cùng một lúc. Đó cũng là lúc ý tưởng thành lập một công ty của riêng mình nhen nhóm trong Thế Anh.
Vào thời điểm tai nghe không dây lần đầu tiên ra mắt, sản phẩm trở thành trào lưu hot trong giới trẻ. Tuy nhiên, mức giá cho một đôi tai nghe chính hãng không hề rẻ đối với đại đa số mọi người. Thế Anh nhận thấy đây là một sản phẩm có tiềm năng lớn nếu tìm được nguồn hàng giá tốt và quảng cáo trên nền tảng MXH.
Tuy nhiên, khi đề xuất ý tưởng với ban lãnh đạo công ty đang làm việc, 9x nhận về lời từ chối.
Vừa học, vừa làm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm về marketing online và có một tư duy rõ ràng về mục tiêu mong muốn, Trần Thế Anh rất quyết liệt với ý tưởng kinh doanh của mình. Chàng trai trẻ mày mò và tìm được một nguồn hàng tương tự từ một thương hiệu khác và quyết tâm hiện thực hóa dự án kinh doanh của riêng mình với số vốn ban đầu chỉ khoảng 30-40 triệu đồng.
Số tiền được tiết kiệm từ số tiền làm thêm thời sinh viên và huy động từ 4 người bạn khác. "Tôi không có ý định mượn tiền của gia đình để kinh doanh. Bởi tôi quan niệm rằng: Nếu không biết dùng tiền làm gì thì bao nhiêu tiền thì cũng đốt hết", Thế Anh chia sẻ.
Bằng mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, chàng trai trẻ đã thuyết phục được chủ nhà đồng ý cho thuê 1 căn hộ chung cư với giá 10 triệu/tháng, cọc 1 tháng, trả 1 tháng. Bên cạnh đó, Thế Anh làm việc trực tiếp với nhà máy nhượng quyền của sản phẩm và thuyết phục họ cho lấy hàng trước, trả tiền sau.
May mắn là dự án kinh doanh tai nghe rất thành công, số vốn của chàng trai trẻ nhân lên rất nhanh. Chỉ sau 4 tháng, Thế Anh và các bạn đã thu về số tiền gấp hơn 20 lần số vốn ban đầu.
May mắn khởi nghiệp thuận lợi, nhưng Thế Anh rất thận trọng trong từng bước đi. Theo Thế Anh, điều khó khăn nhất khi khởi nghiệp là kinh nghiệm và kiến thức. Tuy nhiên nếu luôn giữ tinh thần học hỏi, không ngại thất bại thì các vấn đề sẽ dần dần được giải quyết.
"Dù có trúng xổ số 10 tỷ đô thì tôi vẫn làm việc, dùng tiền để tiếp tục phát triển công việc của tôi. Bởi mục tiêu của cuộc đời không chỉ có tiền bạc, sự giàu có", CEO 9x tâm sự.
"Ngoài ra một điều quan trọng để thành công là bạn đã chuẩn bị cho thất bại như thế nào, đối diện với nó ra sao và sẽ làm gì ở bước tiếp theo? Tôi rất nhớ lời dạy của mẹ: Mọi kiến thức marketing đều có ở chợ. Nếu quan sát một người bán cá ở chợ, bạn có thể nhìn ra chiến lược marketing của tất cả mọi thương hiệu lớn nhỏ trên thế giới. Vì thế, tôi luôn cố gắng học hỏi mọi điều có thể từ cuộc sống", CEO 9x chia sẻ về bài học của mình.
Chia sẻ thêm, CEO Trần Thế Anh cho biết: "Phát triển bản thân rất quan trọng để giúp bạn có một sự nghiệp tốt. Nếu là một con hổ ở trong rừng, bạn không bao giờ sợ đói vì hổ có năng lực săn mồi, và sẽ đuổi kịp mọi con mồi (cơ hội). Cũng tương tự, nếu bạn có kiến thức bạn sẽ không lo không kiếm được tiền. Còn nếu bạn là kiến thì núp ở đâu cũng bị giẫm bẹp."
CEO 9x cho biết, khó khăn lớn nhất của mọi người là ai cùng muốn thành công nhưng rất ít người muốn làm thực sự. Trong 10.000 người muốn làm giàu, chỉ có 1.000 người dám làm, 100 người thực sự làm, 10 người dám làm lại khi thất bại và 1 số rất ít người có thể thành công. Khi có một ước mơ của riêng mình, hãy chuẩn bị kiến thức và nguồn lực để hiện thực hóa ước mơ đó. Khi bạn có kiến thức, bạn sẽ biết cách làm ra tiền.