9 sai lầm khi lập kế hoạch chi tiêu khiến "thảm cảnh" chưa hết tháng đã nhẵn tiền đeo bám bạn mãi
Nếu bạn đã và đang mắc những sai lầm dưới đây thì hãy sửa đổi ngay nhé.
Làm tốt công tác lập kế hoạch chi tiêu, bạn sẽ biết rõ tiền của mình đang đi về đâu, từ đó quản lý tiền bạc và tiết kiệm tốt hơn.
Vậy nhưng có những sai lầm mà nhiều người vẫn mắc phải khi lập ngân sách, dẫn đến kế hoạch chi tiêu bị phá vỡ, chưa hết tháng đã cạn sạch tiền trong tài khoản. Nếu bạn đã và đang mắc những sai lầm dưới đây thì hãy sửa đổi ngay nhé.
1. Không ước tính đúng số tiền cần chi tiêu
Trước khi tiến hành lập ngân sách, bạn phải biết số tiền mình cần chi tiêu thực sự là bao nhiêu.
Barry Choi, chuyên gia tài chính cá nhân tại Money We Have cho biết: “Bạn nên theo dõi chi tiêu của mình trong 1 hoặc 2 tháng trước khi lập ngân sách. Hãy ghi lại mọi thứ bạn chi dùng, bằng cách này chúng ta sẽ thấy rõ tiền của mình đang đi đến đâu và có được kế hoạch chi tiêu thực tế nhất".
2. Quên tiết kiệm trước
Lập ngân sách không chỉ hữu ích cho bạn khi chi tiêu mà còn là cách tăng số tiền tiết kiệm. Trước khi tạo ngân sách cho các chi phí cố định và biến đổi trong tháng, bạn hãy nhớ bỏ ra một khoản tiết kiệm trước.
Hãy coi số tiền tiết kiệm ấy giống như bất kỳ khoản chi tiêu nào khác trong ngân sách và cần phải thực hiện đều đặn mỗi tháng.
3. Lập ngân sách dựa trên tổng thu nhập
Giả dụ bạn có thể kiếm được 30 triệu mỗi tháng nhưng khoản tiền đó sẽ bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội hoặc vài khoản khấu trừ khác, dẫn đến thu nhập thực tế ít hơn nhiều.
Để có ngân sách sát thực tế nhất, bạn phải lập kế hoạch chi tiêu dựa trên thu nhập ròng, chính là số tiền bạn có thể mang được về nhà.
4. Không xem xét các lựa chọn thay thế rẻ hơn
Giảm chi phí là một cách để giữ cho ngân sách của bạn được an toàn không bị phá vỡ. Để giảm chi phí hiệu quả, bạn nên xem xét các lựa chọn thay thế rẻ hơn cho những khoản chi của mình.
Ví dụ bạn nên kiểm tra lại các hóa đơn điện thoại, internet để tìm cách tiết kiệm. Chẳng hạn tìm kiếm nhà cung cấp khác giá thành thấp hơn, hoặc tận dụng chương trình khuyến mãi giảm giá để hạ thấp chi phí.
5. “Trộm” tiền
Bạn đừng bao giờ “trộm” tiền từ các danh mục chi tiêu khác nhau. Ví dụ ngân sách cho giải trí hoặc mua sắm đã hết, bạn cũng đừng lấy tiền từ quỹ thực phẩm hay phương tiện đi lại để chi tiêu thêm cho mua sắm khi thấy cửa hàng có đợt giảm giá.
6. Không bao giờ cập nhật ngân sách
Thu nhập và chi phí của chúng ta có thể thay đổi theo từng năm, thậm chí từng tháng. Do đó ngân sách bạn tạo ra ngày hôm nay có khả năng không còn áp dụng được trong thời gian vài tháng tới.
Bạn hãy cập nhật ngân sách của bạn thường xuyên, đừng quên liệt kê số tiền kiếm thêm được và cả các khoản chi tăng lên/giảm bớt.
7. Cố gắng theo kịp bạn bè
Thực tế là mỗi người có tư duy tài chính và kế hoạch chi tiêu khác nhau. Bạn không nên cố gắng theo kịp người khác khi mà ngân sách của bản thân còn eo hẹp.
Ví dụ thường thấy nhất là chúng ta đi dạo phố cùng bạn bè, thấy người khác mua đồ không tiếc tay thì bạn cũng có tâm lý hơn thua và mở hầu bao mua sắm cho bằng bạn bằng bè. Hậu quả là ngân sách bị khủng hoảng do số tiền bạn dành cho mua sắm quá lớn.
8. Quên mất chi phí không thường xuyên
Quà tặng, sửa chữa xe, bảo trì nhà cửa… là những chi phí không thường xuyên nhưng bạn cũng cần lập ngân sách cho các khoản chi đó.
Các chuyên gia khuyên bạn cách thêm những khoản tiêu dùng đó vào ngân sách bằng cách ước tính chi phí hàng năm sau đó chia cho 12.
9. Nghĩ rằng mình không cần ngân sách
Nếu bạn không dành thời gian ngồi xuống và viết ra kế hoạch chi tiêu hàng tuần hoặc hàng tháng thì đừng hy vọng tài chính cá nhân của mình sẽ được cải thiện. Lập ngân sách là một việc bạn cần phải nỗ lực và thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra còn 2 sai lầm khác, mặc dù giúp tiết kiệm tiền nhưng lại khiến bạn vô cùng mệt mỏi và áp lực, khó bề duy trì được kế hoạch chi tiêu đó lâu dài.
- Tiết kiệm quá mức
Không có ngân sách nào tồn tại lâu dài nếu bạn luôn phải vất vả gồng mình lên mới thực hiện được nó. Có kế hoạch nghiêm túc với tiền của mình và chi tiêu ít hơn không có nghĩa là bạn phải tiết kiệm tới mức cực đoan.
Ai cũng cần phải giải trí để xả stress và nạp lại năng lượng giúp bản thân làm việc tốt hơn. Bạn phải dành một phần ngân sách để tự thưởng cho bản thân, cho dù chỉ là điều nhỏ bé như một gói kẹo yêu thích mỗi tuần chẳng hạn.
- Số tiền dành cho chi tiêu quá ít
Thật khó để ngân sách của bạn hoạt động tốt nếu như nó có quá nhiều “gánh nặng”, ví dụ tiền trả nợ, tiền gửi vào quỹ khẩn cấp, tiền tiết kiệm cho kỳ nghỉ và cả chi phí chu cấp cho người thân.
Nếu bạn tiết kiệm cho quá nhiều mục tiêu đồng thời cùng lúc, ngân sách sẽ rất căng thẳng, tiền dành cho chi tiêu chỉ là một phần nhỏ. Chắc chắn bạn sẽ khó mà duy trì được ngân sách kiểu đó trong thời gian dài.