9 bí kíp thăng quan tiến chức trong sự nghiệp dành riêng cho người Á Đông, ai cũng nên thuộc nằm lòng (P.1)

27/04/2019 09:30 AM | Kinh doanh

Leo lên những nấc thang cấp bậc trong công ty không phải là một việc dễ dàng bởi việc ấy không có nghĩa chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ hay biết cách tận dụng cơ hội mà còn đòi hỏi am hiểu tâm lý cũng như khéo léo trong ứng xử.

Kinh nghiệm từ làm các tập đoàn đa quốc gia trong hơn 40 năm cũng như từng tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, Giáo sư Phan Văn Trường vốn được biết đến là một chuyên gia quản trị lão luyện. Từ dưới góc độ nhà quản trị ông cũng đưa ra những lời khuyên để người làm nhân viên Việt Nam thăng quan tiến chức trong sự nghiệp.

Sau đây là những lời khuyên được ông viết trong cuốn sách Một đời thương thuyết xuất bản gần đây.


1. Dù sớm hay muộn, phải khiến công ty tin tưởng vào bạn.

Nhưng ai cũng biết sự tín nhiệm không tự nhiên mà tới. Khi mới vào công ty, bạn đừng tìm gì xa xôi cầu kỳ, hãy lo giành lấy sự tin tưởng của ban giám đốc. Bạn hãy nói đi đôi với làm, và làm thì đúng như đã nói. Nếu hứa thì phải có, đúng giờ đúng việc. Sự tín nhiệm đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Công ty còn thử thách bạn dài dài. Họ chia sẻ ý kiến với nhau về bạn; họ đọc kỹ lưỡng những báo cáo và văn bản bạn viết, họ kiểm soát âm thầm xem bạn có chơi game trên máy tính của bạn không, có viết nhảm trên Facebook không, có thường gửi email cho người tình không rồi sau cả thời gian dài họ mới đặt chút niềm tin lên bạn. Nhưng có một điều hay, là khi họ tin bạn rồi thì bạn có một cái vốn lớn cho phép bạn tìm được một chỗ đứng khác hơn trong công ty.

2. Đừng bao giờ gây khó khăn thêm cho công ty - đừng "gây rối". Người gây rắc rối dễ bị tẩy chay, sẽ không đi đâu được xa.

3. Hãy cho các sếp trên thấy rõ bạn là loại "problem solver" (người chuyên giải quyết vấn đề). Hễ họ bàn với bạn việc gì, y như rằng bạn luôn luôn đưa ra ít nhất một giải pháp cho vấn đề. Ngược lại, bạn nhớ cho rằng đừng bao giờ tìm gặp để xin sếp giúp đỡ: "Sếp ơi, em đang có vấn đề không biết giải quyết ra sao!". Câu này tối kỵ đấy bạn ạ.

Khả năng giải quyết các vấn đề sẽ đưa bạn lên cao, rất cao sau này. Công ty nào cũng chỉ tìm những người như bạn! Còn chờ đợi sếp chỉ đạo thì bạn sẽ không có mảy may hy vọng lên cao.

4. Bạn luôn luôn phải chứng tỏ mình biết điều hành, ít nhất là điều hành chính mình. Ví dụ: bạn quản lý ngân sách tốt, không bao giờ tiêu quá mức định trước. Bạn gửi thông tin luôn luôn kịp thời. Báo cáo của bạn bao giờ cũng đích xác, đúng đắn và dễ đọc, đầy đủ chi tiết nhưng cô đọng.

5. Bạn luôn luôn giữ mình, không bao giờ phản ứng thái quá. Tránh nhất là cười hô hố trong công ty, còn buồn thì không bao giờ được buồn, bạn nhớ nhé!

6. Đến khi thương thuyết lương bổng, bạn không cần nhiều lời. Chỉ nói rõ là bạn không vui với mức lương họ cho. Rồi sau đó, nếu thấy chưa thuyết phục, bạn có thể đánh tiếng rằng các bạn học cũ của mình làm việc trong công ty khác đều được hưởng lương cao hơn bạn. Đừng giấu ý định rằng bạn cũng rất thèm muốn được số lượng ít nhất là tương đương. 

Cái này là đòn tâm lý đấy bạn ạ. Sếp sẽ hiểu là bạn đã bắt đầu chú ý đến thị trường công việc bên ngoài. Nói thật là đến nước ấy mà họ còn không chịu hiểu nữa thì bạn chỉ còn nước ra đi, họ có giữ lại cũng như không, trừ khi bạn thực sự quý công ty. 

GS Phan Văn Trường

Cùng chuyên mục
XEM