88 người ngộ độc sau khi ăn đồ cúng rằm miễn phí: Món chè đậu được nấu như thế nào mà bất ngờ chuyển thành "vũ khí" chết người?
Dù xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, nhưng vụ ngộ độc chè đậu trắng ở huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) một lần nữa cảnh báo về công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn được tặng miễn phí số lượng lớn.
Liên quan đến vụ 88 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè do bà T. (44 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) phát miễn phí ngày 4/2/2023, mới đây, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh An Giang đã có những báo cáo ban đầu về nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Theo đó, bà T. mua 20kg đậu trắng, 8kg nếp, 10kg nước cốt dừa, 24kg đường cát và 20.000 đồng nước tro tàu (chỉ sử dụng một nửa).
Nước tro tàu là phần nước trong lắng đọng của hỗn hợp tro than (theo cách truyền thống) hoặc hóa chất Natri Hydroxit (NaOH). Nước tro tàu dùng trong chế biến thực phẩm giúp món ăn mềm dẻo, thơm ngon, giữ màu sắc...
Bà T. bắt đầu nấu chè từ khoảng 21h ngày 3/2. Số nguyên liệu trên được chia làm 6 mẻ nấu, rồi phối trộn chung lại với nhau và được đựng trong 2 thau bảo quản ở nhiệt độ bình thường.
Đến 4h hôm sau, một nhóm người gồm hàng xóm, người thân của bà T., bắt đầu chia số chè trên ra các túi và phát miễn phí cho người dân. Công việc phát chè diễn ra trong hai tiếng đồng hồ, mỗi túi chè chứa khoảng 4 chén bao gồm chè bên dưới, nước cốt dừa ở phía trên.
"Từ khi nấu xong đến khi phát cho người dùng, chè không được hâm nóng lại", báo cáo của Chi cục ghi nhận. Như vậy, khoảng thời gian này ước tính 7-9 giờ.
Bà T. cho biết không nhớ rõ số người đã nhận chè, song số túi chè đã được phát là khoảng 100 phần. Một số người nhận nhiều phần để chia cho người khác hoặc để dành ăn dần. Ngoài ra, nước cốt dừa đã được bà T. nấu chín. Bà T. nghi ngờ số đậu trắng dùng nấu chè "có vấn đề" do nấu rất lâu nhưng một số hạt không mềm.
Sau khi ăn chè, 88 người lần lượt có triệu chứng ngộ độc. Cơ quan chức năng ghi nhận 38 người nhập viện (đến sáng 8/2 có 26 người đã xuất viện), 4 người triệu chứng nặng chuyển lên tuyến trên, số còn lại tự điều trị tại nhà.
Trong 4 người nặng, một người đã tử vong ngày 7/2. Hai trong số ba người còn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã được chuyển khỏi phòng hồi sức, một ca đang theo dõi tích cực.
Các bệnh nhân cho biết bát chè đậu trắng có nước cốt dừa mà họ đã ăn không bị ôi thiu, không có mùi vị lạ.
Bệnh nhân tử vong, 63 tuổi, tiền sử mắc một số bệnh nền, được chẩn đoán sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, biến chứng suy đa cơ quan, nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn khác. Bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy, thở máy xâm lấn, truyền dịch, lọc máu liên tục song không qua khỏi sau ba ngày cấp cứu.
Ngành chức năng đã thu thập mẫu chè nghi gây ngộ độc gửi Viện Y tế công cộng TP HCM kiểm nghiệm.
Ngày 10/2, Sở Y tế An Giang công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu chè đậu trắng dương tính với 5 loại vi khuẩn và độc tố từ vi khuẩn, là nguyên nhân gây ngộ độc cho 88 người.
Cụ thể, mẫu chè được Viện Y tế Công cộng TP HCM kiểm nghiệm, dương tính với vi khuẩn Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Coliforms, Shigella spp gây nôn ói, tiêu chảy, mất nước, nhiễm trùng...
Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm xác định chè bị nhiễm khuẩn nhưng chưa thể xác định nhiễm khuẩn từ công đoạn chế biến nào hoặc nguyên liệu nào trực tiếp gây ra. Đặc biệt, món ăn không chỉ nhiễm nhiều loại vi khuẩn mà còn có mật độ vi khuẩn khá lớn.
Được biết, 10 năm qua, trong các ngày rằm lớn, bà T. thường nấu chè phát miễn phí, tuy nhiên đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố. Hơn nữa, bản thân T. và người thân cũng có các triệu chứng ngộ độc như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt sau khi ăn chè.
Bà T. khẳng định, dù là chè phát miễn phí nhưng quá trình chế biến đều thực hiện rất cẩn thận nên mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân.
Trước vụ việc đáng tiếc này, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã ban hành Công văn 236/BCĐLNATTP, ngày 8/2/2023, chỉ đạo tăng cường kiểm soát, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Ban Chỉ đạo đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường truyền thông, cập nhật kiến thức về ATTP cho các nhóm đối tượng chế biến, kinh doanh, tiêu dùng; phối hợp kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được cấp, tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán hoặc hình thức nhân đạo.
Đối với các đơn vị y tế có bếp ăn từ thiện phục vụ người bệnh và thân nhân, tập trung rà soát, cập nhật kiến thức ATTP; kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP của bếp ăn tập thể. Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường truyền thông về ATTP cho người dân, giám sát các bếp ăn tập thể; phối hợp tập huấn kiến thức ATTP cho những người tham gia chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng (chùa, đình, cơ sở tôn giáo), nhóm thiện nguyện…