Nếu biết trước 3 sự thật này, áp lực tuổi 30 không khiến tôi phải vất vả đến vậy: Điều đầu tiên tuy đơn giản nhưng hiếm người hiểu được giá trị

11/02/2023 10:05 AM | Sống

Con người chúng ta vốn linh hoạt. Nếu cứ cứng nhắc trong mọi việc bạn đang tự biến mình thành robot.

Ở những năm 20 tuổi, Lãnh Đạt (Thượng Hải, Trung Quốc) ra sức làm việc để kiếm tiền nhằm có những giá trị vật chất phải sở hữu những năm tháng 30 tuổi. Muốn biến mình thành một cá nhân hoàn hảo, anh cũng không ngừng nỗ lực thay đổi bản thân từng ngày từ những tính cách hay thói quen nhỏ nhất nhằm đạt thành tựu ghi danh ở những năm tháng bước ngoặt. Tuy nhiên sau những năm tháng trải nghiệm, anh nhận ra 3 sự thật có thể giúp cuộc sống bớt vất vả hơn. 

Sửa đổi thói quen không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mọi kế hoạch phải có tính linh hoạt 

Bản chất của con người "co giãn". Nếu không cho phép mình được co giãn thì bạn đang biến mình thành một con robot. Vì chỉ có robot mới có thể chạy mãi không ngừng. 

Cứ vào đầu năm mới, nhiều người thường có thói quen lập danh sách những nguyện vọng của bản thân. Hãy dừng lại việc này nếu danh sách của bạn là những điều này: Bắt đầu từ ngày mai tôi phải dậy từ 6h sáng, ghi nhớ 50 từ tiếng Anh mới, chạy bộ 3km sau đó ăn sáng, đi làm để cải thiện cuộc sống mỗi ngày. 

Thực tế, với những gạch đầu dòng này, nếu làm tốt bạn chỉ có thể kiên trì được 3 ngày. Không thì chỉ ngày hôm sau kế hoạch đã có thể "phá sản". 

Nếu biết trước 3 sự thật này, áp lực tuổi 30 không khiến tôi phải vất vả đến vậy: Điều đầu tiên tuy đơn giản nhưng hiếm người hiểu được giá trị   - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Giống như câu chuyện của một chàng trai hạ quyết tâm dậy sớm hay viết nhật ký về lòng biết ơn... Tuy nhiên kế hoạch này đã sai ngay từ bước đầu. Đó là bạn không thể ép mình cảm ơn mỗi ngày. Bạn cũng không thể ép mình đi làm chuyện mà mình không thể làm. 

Hôm nay có thể không có chuyện gì để cảm kích nhưng bạn lại cưỡng ép bản thân phải làm điều này vì lo sợ nếu bỏ một ngày thì kế hoạch bị "phá sản". Lúc này bạn cần hiểu rằng muốn theo đuổi một kế hoạch cần có tính linh hoạt. 

Có thể thời điểm ban đầu khi chưa có những cơ sở thực tiễn bạn cho rằng mình cần phải viết nhật ký 1 ngày/lần về lòng biết ơn. Song khi bắt đầu thực hiện có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động bạn có thể thay đổi thành một tuần/lần. 

Hay trong vấn đề dậy sớm, thực tế 1 tuần bạn có thể dậy sớm 4 ngày đã là một nỗ lực bước đầu. Đừng cố ép bản thân phải thức dậy sớm mỗi ngày kể cả là ngày nghỉ. Bởi đôi khi cứng nhắc tuân theo một quy tắc cũng có thể khiến bạn không thoải mái mà nhanh chóng bỏ cuộc. 

Hãy nhớ rằng nếu muốn bồi dưỡng cho mình một thói quen nào đó, nhất định phải chấp nhận tính linh hoạt của bản thân trước. 

Năm vừa qua, Lãnh Đạt đã lên kế hoạch để giới hạn thời gian sử dụng điện thoại của bản thân dưới 4 tiếng/ngày. Công việc tưởng chừng là dễ dàng song anh đã phải vất vả mất gần một năm (dài hơn khoảng thời gian vạch ra) và nghĩ đủ cách để có thể thực hiện được điều này.

Suy cho cùng, chúng ta là những cá nhân có tính linh hoạt. Khi ép buộc bản thân một cách cứng nhắc, kết quả thường khó thành công. 

Khả năng kiểm soát và chú ý là một tài nguyên có hạn 

Nếu biết trước 3 sự thật này, áp lực tuổi 30 không khiến tôi phải vất vả đến vậy: Điều đầu tiên tuy đơn giản nhưng hiếm người hiểu được giá trị   - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Lãnh Đạt lấy bản thân mình là ví dụ. Trước 25 tuổi anh chỉ làm một việc duy nhất, đó là kiếm tiền. Từ năm 26 tuổi anh bắt đầu đặt ra một chủ đề cần giải quyết vào mỗi năm, ví dụ như học tiếng Anh, bỏ thuốc lá, tập thể dục. Tuy nhiên, một hôm trong thang máy, dẫu không có điện thoại hay thông báo tin nhắn anh vẫn mở điện thoại và lướt rồi lại khoá máy lại. Nhiều lần như vậy anh nhận ra bản thân mình đã nghiện sử dụng điện thoại. Sau đó anh đưa việc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại là mục tiêu phải giải quyết trong năm đó và gạt các mục tiêu khác lại. 

Anh cho rằng trong một khoảng thời gian, bạn chỉ nên chọn 1-2 thói quen cần thay đổi để có thể hoàn thành tốt trước khi thêm một gạch đầu dòng tiếp theo. 

Bởi sự chú ý và khả năng tự kiểm soát của con người là một nguồn tài nguyên hạn chế. Khi đang tập trung vào 1-2 việc bạn khó có thể có thêm năng lượng để tập trung ở công việc thứ 3.  

Như khi tập từ bỏ thói quen hút thuốc, ngay trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu anh đã tăng gần 20kg. Thực tế điều này là dễ hiểu bởi khi bỏ thuốc lá, bạn sẽ cần có thêm một vài món ăn vặt để vượt qua cơn thèm thuốc lá. Dẫu biết điều này song Lãnh Đạt hiểu rằng mình cần bỏ được thuốc trước khi giảm cân chứ không thể thực hiện song song. 

Sau đó khi vừa bỏ được thuốc lá, anh lao vào tập luyện để giảm cân và đã đạt được mục tiêu này. Thói quen là một hành vi khó bỏ. Trong một giai đoạn, việc từ bỏ được một thói quen xấu đã là một kết quả đáng ghi nhận. Vì thế đừng ép bản thân khiến cuộc sống của bạn trở nên nặng nề. 

Xác định mục tiêu có thể đạt được 

Thông thường mục tiêu trong tưởng tượng của một người và thực tế thường khác xa nhau một trời một vực. Vì vậy trước khi đặt mục tiêu bạn cần chọn ra cho mình những điều khả thi. 

Bạn cần căn cứ vào năng lực của mình để xác định mục tiêu, đừng đặt mục tiêu quá xa vời so với khả năng hiện tại. Điều đó chỉ khiến bạn càng thêm áp lực và gia tăng sự trì hoãn. Thêm nữa việc không hoàn thành mục tiêu có thể sinh ra tâm lý chán nản và bỏ cuộc. 

Một mục tiêu khả thi là căn cứ theo biểu hiện của bạn trong cùng kỳ năm ngoái, thường thường gia tăng 20% là khả thi để bạn có thể thử. Cụ thể nếu năm ngoái bạn tiết kiệm được 100 triệu đồng, năm nay bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm 120-150 triệu đồng. Việc đặt kế hoạch tiết kiệm 1 tỷ đồng là điều không khả thi. Một khi bạn theo đuổi một mục tiêu không thực tế, rất nhiều vấn đề phát sinh.

Theo Đinh Anh

Cùng chuyên mục
XEM