"8 tiếng trọn vẹn" - Bộ ảnh đầy cảm xúc về cuộc sống mưu sinh hối hả của những công nhân Sài Gòn sau giờ tan ca
Sau nhiều giờ làm việc vất vả trong những phân xưởng, hàng nghìn công nhân lại hối hả trở về phòng trọ, tranh thủ mua bó rau, con cá để chuẩn bị bữa tối rồi chợp mắt nghỉ ngơi trước khi tiếp tục làm việc.
Bộ ảnh được thực hiện tại hai khu Công Nghiệp, khu Chế Xuất lớn của thành phố: khu Công Nghiệp Tân Tạo, Q. Bình Tân, khu Chế Xuất Linh Trung, Q. Thủ Đức (mỗi khu cách trung tâm thành phố khoảng 20km), nơi có hàng nghìn công nhân sinh sống và làm việc.
Sau ngày làm việc vất vả nơi nhà máy, công xưởng, công nhân trên đường trở về phòng trọ tranh thủ mua bó rau, con cá để ăn no bụng qua ngày. Họ mặc định phận làm thuê và dành phần lớn sự quan tâm cho cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày, ít để ý đến chuyện đòi hỏi quyền lợi cho mình.
Công nhân làm việc trong một khu một xưởng da giày ở Thủ Đức.
Dù gặp phải cơn mưa rào nặng hạt, nhưng những chị em công nhân vẫn đội mưa rời công ty ra về
Hàng nghìn công nhân tan ca đi về trong cơn mưa chiều ở khu Chế Xuất Linh Trung, Q. Thủ Đức
Một số công nhân ngồi ven đường lướt điện thoại trong lúc chờ xe hoặc người thân đón về
Ăn qua bữa, chắt chiu từng đồng
Mặt trời vừa khuất bóng, cũng là lúc công nhân tan ca. Người đi bộ, người đi xe máy ùn ứ cả đường. Những bó rau, thịt, cá… được bày bán trước cổng khu công nghiệp với giá rẻ bèo. Công nhân tranh thủ mua về hay tiện thể ngồi ăn ngay quán cóc ven đường để tiếp tục vào ca.
Sau 8 tiếng giờ làm, nhiều chị em công nhân tranh thủ ghé qua chợ để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối
Một số quán ăn ven đường cũng bắt đầu bán hàng để phục vụ công nhân sau giờ tan ca trước cổng xưởng may
Một nữ công nhân tranh thủ ăn vội bát mì chuẩn bị vào tăng ca ở khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân
Nhiều gia đình có con nhỏ thì tranh thủ giờ tan ca, các công nhân còn đi đón con tan học, chăm lo cơm nước trước khi tiếp tục công việc
Chị Huỳnh Thị Thơm, khu Công Nghiệp Tân Tạo không phải đắn đo nhiều khi mua bó rau hay con cá nơi đây vì có những món như cá kho tiêu hay rau luộc chị đã mua hàng trăm lần đến quen mặt người bán.
Ngồi kho mớ cá vừa mới mua về, chị Thơm kể, chị làm công nhân da giày cũng gần 5 năm. Chồng chị làm ruộng ở quê Trà Vinh, chị một thân một mình lên Sài Gòn làm ở khu Công Nghiệp Tân Tạo, Q. Bình Tân làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chiều cuối tuần chị hay bắt xe về với chồng rồi tranh thủ lên lại.
Mấy năm làm ở công nhân chị Thơm gần như không mua sắm gì cho mình, làm được bao nhiêu chị đều dành dụm gửi về, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. "Tết không có sắm sửa gì vì công ty không có tăng ca". Chị Thơm cho biết.
Công nhân rút tiền từ máy ATM
Chị Thơm cũng như nhiều công nhân khác mong đợi được tăng ca, vì tăng ca mới có tiền nhiều. Bất chấp phải làm việc đến tối. Mỗi tháng nếu không tăng ca, những người công nhân nơi đây chỉ sống với mức lương cơ bản hơn 4 triệu đồng. Chi phí đó làm một người như chị Nguyễn Thị Mộng Tiền, công nhân da giày trong khu chế xuất Linh Trung, Q. Thủ Đức lo lắng vì chị vừa mới sinh em bé.
Theo luật chị không được làm tăng ca. Với mức lương cơ bản, chị không thể nuôi con thơ, nuôi mẹ, nuôi em. Do mới sinh nên khi đi làm trở lại, chị được về sớm trước 1 tiếng, nhưng chị không dành thời gian đó để nghỉ ngơi mà buôn bán quần áo lề đường kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thỏa công nhân giày da dạy con là bé Kim Anh tập đọc.
Chị Tiền quê Cao Lãnh, Đồng Tháp, một mình chị làm lụm dành tiền nuôi con nhỏ, mẹ già và đứa em đang học lớp 9 ở quê. Chị vừa sinh em bé được vài tháng tuổi thì chồng bỏ, chị gửi con cho mẹ ruột, rồi đành xa con lên TP.HCM tiếp tục công việc làm công nhân. Chị Tiền cho biết thêm, lúc mang thai chị cố gắng làm thêm, xin bác sĩ làm giả giấy mang thai trễ hơn 1 tháng để khi sinh có thể kéo dài thời gian chăm sóc con.
Ba ngày trước khi sinh em bé, chị vẫn còn lọ mọ làm giày. "Mức lương hơn 4 triệu/ tháng không đủ xoay sở, tiền phòng, tiền trọ, nên làm thêm gửi tiền mua sữa cho con." Chị Tiền rưng rung nước mắt khi nói về đứa con.
Anh Lê Văn Cường, quê Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM cũng làm công nhân ở khu Linh Trung. Sau giờ làm anh còn bán rau để phụ giúp vợ nuôi 2 con nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Mộng Tiền quê Đồng Tháp tranh thủ làm thêm sau giờ tan ca để trang trải cuộc sống.
Chị Tiền cho biết thêm, chị làm hiện tại lương tăng hơn 1 chút, nhưng ngày xưa làm 1.200 đôi giày thì nay đã đẩy lên 2.400 đôi/tháng vất vả hơn mà yêu cầu chất lượng phải cao hơn. "Mình tên Tiền mà không có tiền gì hết", chị Tiền nói thêm.
San sẻ việc nhà, cùng lo con cái
Cuộc sống có đầy đủ vợ chồng cùng làm dù sao cũng đỡ hơn đơn chiếc. Chị Phạm Diễm My có một ngày chủ nhật bận rộn khi vừa chăm đứa con nhỏ hơn 1 tuổi vừa phải dọn dẹp nhà. Quê Bạc Liêu, 2 đứa con chị My cùng chồng làm công nhân ở khu Công Nghiệp Tân Tạo. Hai vợ chồng lên TP.HCM làm lụng nhiều năm sinh ra hai đứa con. Đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ hơn 1 tuổi. Khi con còn nhỏ, hai vợ chồng đều bận đi làm nên bé 1 tuổi gửi nhà trẻ, đứa lớn đi học đến chiều về. Hai vợ chồng thay nhau đón con sau giờ tan ca.
Chị My cho biết, gần cuối năm, công ty tăng ca nhiều, thường tăng ca đến 9 -10h tối. Chồng chị cũng làm công nhân da giày nhưng từ lúc có em bé thứ 2, chồng chị đi làm thợ sơn để được tự do hơn có thời gian đón con. "Những ngày tăng ca hầu như ở lại công ty đến 9 -10h tối mới về, không có thời gian về nhà chăm sóc con cái, làm đêm mệt về lăn ra ngủ. Nhưng ai cũng mong được tăng ca để có nhiều tiền".
Anh Nguyễn Văn Giáo, 48 tuổi, quê Sóc Trăng sau giờ làm ở xưởng may là anh trở về với mái ấm gia đình mình. Trong căn phòng trọ chừng 15 mét vuông, anh Giáo ngồi trên võng lặt rau chuẩn bị cho bữa cơm tối. Vợ anh đang làm tăng ca tại khu Chế Xuất Linh Trung đến 6h30 mới về, anh được ra sớm nên tranh thủ ghé chợ làm đồ ăn sẵn trước khi vợ về.
Ngày chủ nhật đến nhà chị tất bật với 2 đứa con, còn chồng thì đi câu cá. Chị cho biết công việc trong nhà những lúc chị tăng ca thì chồng phụ dọn, làm đồ ăn, đón con, cho con ăn, còn những ngày chị rảnh thì chị phụ dọn. Cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau nhưng vẫn hòa thuận, vui vẻ với nhau không hề tị nạnh gì nhau.
Cũng giống gia đình chị My, anh Nguyễn Văn Giáo, 48 tuổi, quê Sóc Trăng sau giờ làm ở xưởng may là anh trở về với mái ấm gia đình mình. Trong căn phòng trọ chừng 15 mét vuông, anh Giáo ngồi trên võng lặt rau chuẩn bị cho bữa cơm tối. Vợ anh đang làm tăng ca tại khu Chế Xuất Linh Trung đến 6h30 mới về, anh được ra sớm nên tranh thủ ghé chợ làm đồ ăn sẵn trước khi vợ về. Anh Giáo cũng có 2 người một đứa đi học, một đứa vừa ra riêng. Gia tài suốt hàng chục năm làm công nhân của vợ chồng anh Giáo là 2 đứa con cùng chiếc xe máy. Chắt chiu cũng sống qua ngày. Anh Giáo nói về cách chăm sóc con mình: "Mình thương con mình đâu nghĩ gì đến cực khổ. Con mình mà. Vợ chồng san sẻ lẫn nhau." Anh Giáo chia sẻ.
Những dãy nhà trọ khóa cửa suốt ngày, chỉ trừ những ngày chủ nhật và các buổi tối.
Chồng vắng nhà, chị Nguyễn Thị Thỏa, 29 tuổi, quê Quảng Bình ngồi dạy con học trong con hẻm cho biết bé Kim Anh là đứa con duy nhất trong nhà. Hai vợ chồng làm chỉ đủ nuôi đứa bé. Cái quan tâm lớn nhất của hai vợ chồng là tương lai của bé Kim Anh, mong muốn con lớn lên không khổ như cha mẹ đã từng.
Không nghĩ nhiều đến tương lai
Chị Dương Thị Đan, quê Cà Mau vừa tan ca là chị thay đồ, trang điểm đi cà phê với bạn. Lâu rồi chị Đan mới có bạn rủ đi chơi. Cũng lâu rồi chị Đan mới dùng lại son phấn, kể từ ngày chị thôi chồng bỏ 3 đứa con thơ ở quê lên Sài Gòn làm công nhân. Chị Đan ngoài 30, có 3 người con nhưng trông chị vẫn còn tươi trẻ, khác xa hình ảnh của nữ công nhân lam lũ, tảo tần.
Những đứa con của chị Đan gửi ngoại, chị bỏ quê lên Sài Gòn sinh sống. Lang bạt từ xưởng gỗ đến xưởng da giày ngót nghét cũng đã hơn năm. "Cuộc sống ở đây đỡ hơn ở quê, đi làm có đồng vô đồng ra, tháng nào cũng có tiền xài, còn ngồi ở quê thì ngồi ngáp chờ thời. Ở quê mà có đất thì mới sống nổi chứ làm thuê cũng không có ai thuê mà làm". Chị Đan nói thêm chuyện vợ chồng không hợp nên chia tay, còn hiện tại chị thấy mình nghèo, đi làm suốt, chẳng biết còn duyên với ai không?
Chị Dương Thị Đang và cô Nguyễn Thị Kim Nga trong căn phòng chật chội của mình. Những chiếc giường tầng có phần cũ kĩ là nơi ngủ nghỉ hàng ngày của biết bao người công nhân
Những người nữ công nhân sống trong khu nhà trọ lụp xụp, tối tăm có thể kết nối với thế giới rộng lớn và nhanh chóng hơn là từ một chiếc điện thoại. Cứ sau giờ tan ca, các cô gái không có thời gian hẹn hò hay nói chuyện chỉ có thể nhắn tin với bạn, với người thân cho đỡ buồn qua điện thoại. Các cô gái thừa biết tuổi thanh xuân của mình không thể ở mãi trong nhà máy được, nhưng điều quan trọng hơn của các cô gái trẻ lúc này là kiếm sống bằng chính sức trẻ của mình.
Không còn trẻ trung như chị Đan, bà Nguyễn Thị Kim Nga, 56 tuổi quê Vĩnh Long làm tạp vụ trong xưởng da giày đã gần chục năm có lẽ cũng là người lớn tuổi nhất trong khu trọ. Bà cũng có 2 người con đang làm công nhân ở các nhà máy lân cận. Bà cho biết công ty dạo này ít hàng nên cho nghỉ bớt, trong căn phòng bà chứa đến 6 giường tập thể dành cho công nhân đến nay chỉ còn 2 người ở lại. Tất cả điều nghỉ hoặc bị sa thải vì công ty ít hàng. "Mình lớn tuổi rồi còn biết đi đâu nữa bây giờ". Bà Nga nói như thể bà không còn lựa chọn nào khác. "Mình làm đến chừng nào hết làm được nữa thì về quê thôi", bà Nga tâm sự.
Những đứa trẻ là con của những công nhân trong khu trọ được mẹ bồng bế trên tay đứng trò chuyện sau những giờ làm việc vất vả trong khu công nghiệp
Nụ cười của anh Cà, quê Đồng Tháp, công nhân giao hàng ở khu Công nghiệp Tân Tạo, Bình Tân
Sau giờ làm việc vất vả nơi nhà máy, những công nhân vẫn cặm cụi làm lụng để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Họ tối giản cuộc sống của mình: không ăn chơi, không mua sắm…cũng chỉ để tiết kiệm tiền gửi về người thân ở quê.
Khi gắn với công xưởng, nhà máy, cuộc sống của họ cũng bị cuốn theo một dây chuyền khép kín của sinh hoạt công nghiệp mà bản thân họ không thoát ra được dù ngay cả khi đã ngoài giờ làm.
Dự án "8 Tiếng Trọn Vẹn" đã được ra đời với mong muốn có thể tạo không gian để người công nhân có thể về nhận thức Luật Lao Động tốt hơn từ đó bảo về quyền và lợi ích của mình, đồng thời mang tiếng nói của họ gần hơn với cộng đồng. Dự án mở ra cơ hội để công nhân có thể bày tỏ mong muốn của mình về môi trường làm việc an toàn, tôn trọng, bình đẳng và gián tiếp tham gia vào tiến trình vận động sửa đổi Luật Lao Động.
Đây là dự án do Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng thực hiện.