8 bài học mà CEO, chuyên gia hàng đầu thế giới từng phải "trả giá không rẻ" để có được, đừng bỏ qua nếu muốn thành công như họ!
Mỗi người một câu chuyện nhưng đằng sau là bài học và triết lý “xương máu” giúp họ có được thành công như ngày hôm nay.
Để chạm đến cánh cửa thành công, bất cứ nhà lãnh đạo, doanh nhân nào cũng từng trải qua quãng đường dài đầy trông gai. Ở đó, họ học hỏi được những giá trị cốt lõi để phát triển sự nghiệp và trải nghiệm cuộc sống. Mà những giá trị đó có thể bắt nguồn từ lời khuyên giản đơn của cha mẹ hoặc đúc rút từ sai lầm, giống như người đồng sáng lập Facebook đã đánh mất 25 triệu USD chỉ vì tính hiếu thắng.
CEO Vimeo: Thoát khỏi vùng an toàn để tìm kiếm cơ hội
Anjali Sud, nữ giám đốc điều hành của ứng dụng Vimeo.
Anjali Sud là giám đốc điều hành người Ấn Độ của ứng dụng mạng xã hội Vimeo. Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider về con đường dẫn đến thành công, nữ CEO trẻ tuổi cho biết yếu tố giúp cô có được vị trí như ngày hôm nay là nhờ lời căn dặn của cha: "Phải thoát khỏi vùng an toàn để tìm kiếm thử thách và cơ hội cho bản thân".
"Tôi đã rời khỏi gia đình để đi đến Andover tự lập từ năm 14 tuổi. Đó là một nơi hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi thật sự ra khỏi vùng an toàn của bản thân để tìm kiếm cơ hội phát triển. Khi mới chân ướt chân ráo bước vào Vimeo, tôi vẫn chưa phải là giám đốc điều hành mà phải đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí khác nhau. Điều tôi luôn tự nhủ chính bản thân đó là: dám thử thách, cơ hội thăng tiến tất sẽ đến. Khi chúng ta bước ra khỏi vòng an toàn thì sẽ học hỏi nhanh hơn và cũng nhận được nhiều bài học đắt giá hơn", nữ CEO trẻ tuổi chia sẻ.
Cựu CEO Zero Gravity: Tầm quan trọng của việc tập trung sự chú ý
Diamandis là một trong những "ông trùm" trong lĩnh vực vũ trụ và khoa học viễn tưởng. Ông còn là người đã sáng lập ra cuộc quỹ giải thưởng XPRIZE, trung tâm nghiên cứu công nghệ Singularity và đồng sáng lập trường Đại học Không gian quốc tế cùng hàng loạt công ty nghiên cứu về vũ trụ không gian như Space Adventures Ltd, Rocket Racing League và tập đoàn Zero Gravity...
Peter Diamandis luôn được ca ngợi là doanh nhân có động lực và nhiệt huyết gần như vô hạn, làm việc hướng tới mục tiêu của mình. Tuy nhiên, cựu CEO của tập đoàn Zero Gravity cũng thẳng thắn thừa nhận khi còn trẻ ông hoàn toàn không biết cách tập trung và cân bằng mục tiêu.
Cha mẹ muốn Peter Diamandis trở thành bác sĩ, nhưng ông lại đam mê nghiên cứu không gian. Đó là lý do vì sao dù là một sinh viên y khoa nhưng ông lại dành quá nhiều thời gian tìm hiểu về khoa học vũ trụ. Đến mức Peter được hiệu trưởng gọi lên nhắc nhở: "Peter cậu đang làm gì vậy? Cậu có muốn tốt nghiệp nữa không? Tôi biết cậu là một đứa trẻ thông minh nhưng lại không có sự tập trung. Nếu cậu muốn tốt nghiệp với tấm bằng y khoa thì phải hoàn thành kì thi trước mắt rồi hãy nghĩ đến việc nghiên cứu những thứ khác". Peter Diamandis chia sẻ đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của ông bởi nếu không có sự tập trung cao độ vào chuyên môn thì rất khó có được thành công trong bất kì lĩnh vực nào.
Nhà du hành vũ trụ NASA Scott Kelly: Thành tựu được xây dựng trên nền tảng nỗ lực không ngừng
Giống như nhiều đứa trẻ bình thường khác, Scott Kelly lúc nhỏ không thích đi học. Nhưng may mắn, ông có thể theo học trường Đại học Hằng Hải New York. Đó cũng lời thời điểm Scott Kelly quyết định trở thành một phi hành gia.
Scott Kelly đã đặt mục tiêu phải hoàn thành ước mơ được tham gia vào phi hành đoàn, khám phá vũ trụ. Muốn vậy, ông sẽ phải có thành tích học tập vượt trội ở trường. Với quyết tâm cao độ đạt được mục tiêu, Sott Kelly từ bỏ tính lười biếng. Ông dành hàng giờ để học tập và miệt mài nghiên cứu. Không quá ngạc nhiên khi hầu hết điểm yếu của ông trong các môn học đã cải thiện rõ rệt. Scott Kelly cũng đã đạt được ước mơ của mình, trở thành nhà du hành vũ trụ kì cựu trên thế giới.
"Nữ hoàng báo chí" Tina Brown: Lãnh đạo giỏi phải biết cách quan tâm nhân viên
Là biên tập viên và người sáng lập của những tờ tạp chí lớn như Vanity Fair, New Yorker, và Daily Beast, nữ nhà báo Tina Brown đã trở thành một trong những biểu tượng của giới truyền thông Mỹ.
Tina Brown cho biết thành công mà cô có được là nhờ các mối quan hệ với đồng nghiệp. Tài lãnh đạo xuất sắc của Tina không chỉ là cách đào tạo đội ngũ nhân viên tài năng mà còn là bí quyết khiến họ trung thành. "Tài năng là chìa khóa cho tất cả, đó là lý do vì sao chúng ta cần nuôi dưỡng tài năng", Tina Brown nói: "Muốn làm người lãnh đạo giỏi trong bất kì lĩnh vực nào thì bạn phải thực sự biết cách tìm người, giữ người và gắn kết với mọi người".
CEO Edible Arrangements, Tariq Farid: Bỏ qua lời chế nhạo, nỗ lực thực hiện mục tiêu
Sinh ra trong gia đình nghèo, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, Tariq Farid chuyển đến Connecticut năm 13 tuổi. Khi đó, khác biệt về dân tộc và kinh tế khiến Farid phải hứng chịu nhiều sự bắt nạt.
Ý tưởng kinh doanh của Tariq từng bị các chuyên gia kinh tế chế nhạo. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm chứng minh khả năng của mình. Tariq giải thích ông đã học cách bỏ ngoài tai những lời nhạo báng, chỉ tập trung vào những người ủng hộ ý tưởng của ông và cho ông ý kiến đóng góp tích cực.
"Tôi đã đối mặt với nhiều lời nhận xét, phân biệt đối xử trước đây," Farid nói: "Nhưng so với thành công đang chờ đón ở phía trước, những bất công đó không là gì". Ông tiếp tục đưa ra lời khuyên cho những người khởi nghiệp: "Bạn đừng quá để ý đến những tiêu cực hoặc bi quan bởi bạn cũng sẽ bị tiêu cực, phiền não mà nhụt ý chí quyết tâm. Thay vào đó, nghĩ đến những gì bạn có thể làm nhằm cải thiện bản thân và đóng góp cho cộng đồng, thì hãy làm điều đó".
Người đồng sáng lập Facebook, Chris Hughes: Cân bằng tham vọng với thực tế
Chris Hughes đã giúp người bạn cùng phòng của mình là Mark Zuckerberg phát triển Facebook trong những năm đầu tiên ra mắt ứng dụng. Tất nhiên với sự thành công của Facebook, Chris Hughes nhanh chóng trở thành một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới.
Sau đó, Chris Hughes đã sử dụng số tài sản không nhỏ của mình để mua lại tờ tạp chí The New Republic. Hughes muốn biến trang tạp chí tự do này phát triển thành báo chí truyền thông chính thống. Tham vọng đó đã tiêu tốn gần 25 triệu đô la của Hughes chỉ trong vòng bốn năm và khiến tạp chí mất đi nhiều biên tập viên kì cựu vì họ phản đối những thay đổi của Hughes.
Như đã viết trong cuốn sách "Fair Shot", thất bại của Hughes với tạp chí New Republic đã khiến anh rút ra bài học: "Một ý tưởng táo bạo không có nghĩa là cứ bất chấp sẽ thành công. Cách tiếp cận thực tiễn để phát triển có thể sẽ đem lại hiệu quả hơn việc đưa những lý tưởng mơ mộng vào thực tế".
Chủ tịch Tổ chức Kế hoạch hóa gia đình, Cecile Richards: Không bỏ lỡ cơ hội mới
Cecile Richards là người đứng đầu tổ chức Sức khỏe phụ nữ và Kế hoạch hóa gia đình. Trong suốt sự nghiệp của mình, trên thực tế, bà không bao giờ né tránh những phản đối của phe đối lập.
Bà Richards luôn đấu tranh và đưa ra những chính sách bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Bà tin rằng phụ nữ không thể cả đời chỉ dành thời gian nuôi con cái, trở thành người phục vụ những bữa tối hoàn hảo cho gia đình. Họ cần có cơ hội để thoát ra và làm những gì bản thân muốn làm.
"Đây là cuộc sống duy nhất bạn có, hãy làm điều bản thân muốn. Và đừng bao giờ từ chối một cơ hội mới. Tôi nghĩ đó là lời khuyên thực sự hữu ích khi bạn đang nghĩ đến việc bắt đầu một công việc kinh doanh mới hoặc thay đổi công việc. Bỏ lỡ cơ hội và thời gian thì sẽ đánh mất cuộc sống", nữ Chủ tịch Tổ chức Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ.
CEO Flatiron Health, Nat Turner: Ý tưởng khởi nghiệp có thể đến từ những điều đơn giản
8 năm trước, CEO Nat Turner đã trở thành triệu phú ở tuổi 24 khi anh nhượng lại công ty đầu tiên cho Google với giá 80 triệu USD. Đó là thỏa thuận đổi lại số vốn hoạt động cho công ty quảng cáo Invite Media của Turner, kèm theo công việc quản lý văn phòng Google tại New York. Nhưng phải mất một thời gian dài, Nat Turner luôn cảm thấy buồn chán và không hài lòng.
Ý tưởng khởi nghiệp đến khi Turner nhận được một câu hỏi từ cậu em họ rằng có cách nào để tìm hiểu về căn bệnh bạch cầu dễ dàng hơn. Em họ của Turner không thể tìm ra lý do tại sao rất khó tìm dữ liệu về điều trị bệnh bạch cầu thời thơ ấu.
Xem xét đây là vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết bằng công nghệ, Turner và người bạn đồng hành Weinberg quyết định tạo ra phần mềm sẽ giải đáp những điều đó, và nhiều hơn nữa, họ đã tạo ra Flatiron Health vào năm 2012. Ngày nay công ty có giá trị hơn 2 tỷ USD, và Turner cũng không thể tưởng tượng được việc giải quyết thắc mắc cho người em họ lại mang đến thành công cho ông.
Turner giải thích rằng sứ mệnh của công ty khiến ông và Weinberg làm việc chăm chỉ hơn. "Mọi thứ dễ dàng hơn khi bạn có niềm đam mê và khao khát cho những gì bạn đang làm".