68 tuổi không lương hưu, đi làm thuê kiếm 13 triệu/tháng giúp con trai trả nợ nhưng đọc được tin nhắn gửi nhầm của con dâu, tôi lập tức nghỉ việc và ngừng “chu cấp”
Nhận được tin nhắn gửi nhầm của con dâu, người mẹ Trung Quốc ngỡ ngàng khi phát hiện ra một sự thật.
Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lưu Nhược Lan, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi năm nay 68 tuổi, hiện đang sống một mình ở quê. Chồng tôi bị bệnh rồi mất 3 năm trước. Chúng tôi chỉ có một đứa con trai để nương tựa. Tất cả tình thương yêu, tin tưởng tôi đều dành trọn cho con để rồi nhận về bài học nhớ đời.
Sống hy sinh vì con cái
Có mỗi một đứa con, vợ chồng tôi luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho nó. Khi con trai chuẩn bị lấy vợ, tôi và chồng bàn với nhau xây một căn nhà nhỏ cạnh bên để gần con trai và con dâu. Tiếc rằng, con trai tôi không chịu, nhất quyết đòi mua nhà ở trung tâm thành phố để tiện công việc.
Thương con, vợ chồng tôi rút hết tiền tiết kiệm và vay thêm một khoản cho con mua nhà. Không có thu nhập ổn định lại gánh thêm khoản nợ này trên vai, vợ chồng tôi ngoài công việc đồng áng thì còn phải đi làm thêm để kiếm tiền. Chồng tôi ra công trường phụ việc, còn tôi thì nấu ăn cho thợ xây. Những năm tháng đó dù rất vất vả nhưng vì con cái nên cả hai cùng cố gắng trụ vững.
Nhiều người hỏi tôi tại sao không để con trai phụ giúp trả nợ, tôi chỉ cười trừ vì biết nó đang khởi nghiệp, cần rất nhiều tiền nên không muốn con thêm gánh nặng về tài chính.
Sau 7 năm bươn chải, vợ chồng tôi cũng trả hết khoản nợ trên. Chúng tôi quyết định nghỉ việc, ở nhà trồng trọt hoa màu, chăn nuôi gà, vịt rồi đem bán lấy tiền sống qua ngày. Nếu còn dư ra một khoản nhỏ thì để tiết kiệm. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chồng tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời. Cuộc sống một mình ở quê khiến tôi cảm thấy cô độc nên ngỏ ý muốn đến ở cùng con trai, cũng là tiện đường chăm sóc cho con cháu.
Con trai tôi đồng ý nhưng thái độ của vợ chồng nó với tôi vô cùng lạnh nhạt. Thấy công việc làm ăn của con không tốt, vướng vào nợ nần, tôi chủ động đi xin việc làm thêm ở bên ngoài để phụ giúp con.
Công việc giúp việc cho một gia đình ở gần nhà con trai cũng giúp tôi có mức lương 4.000 NDT/tháng (hơn 13 triệu đồng). Mỗi tháng, tôi đưa con 3000 NDT, phần còn lại dùng cho chi tiêu cá nhân.
Từ ngày tôi gửi tiền phụ cấp hàng tháng, con trai và con dâu đối xử niềm nở với tôi hơn hẳn lúc trước. Biết các con cũng có nhiều áp lực trong cuộc sống, tôi không giận dỗi hay trách móc gì. Thấy tình mẹ con lại thắm thiết, tôi mừng lắm. Tự nhủ bản thân bây giờ vất vả một chút nhưng sau này các con khấm khá, sẽ có thể nương tựa nên vẫn cố gắng làm việc .
Tuy nhiên, một chuyện xảy ra sau đó khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ về các con của mình.
Bài học cho tuổi già
Có lần trong lúc đang làm việc, tôi nhận được tin nhắn của con dâu với nội dung: “Con biếu mẹ 5000 NDT, mẹ thích gì cứ mua nhé. Tháng sau con gửi mẹ nhiều hơn”. Đó là lần đầu tiên con dâu tặng quà nên tôi rất vui. Tôi nhắn tin cảm ơn thì thấy tin nhắn đó bị thu hồi. Ngay sau đó là tin nhắn con dâu rối rít xin lỗi vì gửi nhầm. Hóa ra, món quà bất ngờ đó là con dâu tặng mẹ ruột nhưng chẳng may lại nhắn nhầm cho tôi.
Cũng nhờ tin nhắn gửi nhầm đó mà tôi mới biết được rằng cuộc sống của con trai và con dâu không khó khăn như tôi vẫn thấy. Đều đặn hàng tháng, con dâu vẫn gửi quà hoặc tiền biếu mẹ ruột. Số tiền đó còn nhiều hơn tiền lương mỗi tháng mà mẹ chồng là tôi vất vả đi làm kiếm được để phụ giúp hai con.
Nỗi ấm ức trào dâng trong lòng, sau hôm đó, tôi xin nghỉ công việc đang làm và quyết định về quê. Hành động này của tôi không phải là do nóng giận rồi bộc phát mà đã được tính toán kỹ càng. Biết các con không trân quý mình, tôi chẳng còn lý do gì để ở lại.
Tôi về quê dùng số tiền ít ỏi tích góp được lại tiếp tục nuôi gà, trồng rau để sống. Biết mình không thể sống như thế đến cuối đời, tôi đã suy tính đến chuyện vài năm nữa bán căn nhà đang sống để đến viện dưỡng lão và dành phần đời còn lại ở đó.
Trải qua nhiều chuyện, tôi đã nhận ra bài học chua xót chính là, các bậc cha mẹ dù có yêu thương con cái đến nhường nào cũng nên biết tính toán thêm cho bản thân.
Do đó, đừng nghĩ hoàn toàn có thể dựa dẫm vào con cái mà nên chuẩn bị cho mình một chút tài chính để lo liệu cho cuộc sống khi về già. Có như vậy, dù cho lâm vào hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không quá bị động mà vẫn có thể sống tốt. Sau tất cả, trong cuộc sống này, không phải ai khác, chính bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất.
(Theo Toutiao)