63 tỉnh thành cần làm gì khi 'thực đơn du lịch' đang quá giống nhau?
Theo Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Chính phủ cần giúp các tỉnh thành nắm bắt rõ những chính sách dài hạn của ngành du lịch, từ đó đảm bảo các chính sách riêng nằm trong tổng thể hài hoà của du lịch quốc gia.
Trong khuôn khổ tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021 - 2023" diễn ra ngày 3/4, tại phiên tọa đàm thứ 2 với chủ đề "Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực", về việc đề nghị Bộ Y tế tiêm vaccine ưu tiên cho tất cả cán bộ tại 23 cảng hàng không, ông Võ Huy Cường, Phó cục trường hàng không Việt Nam khẳng định, ngành đã có đề xuất tương tự từ lâu và Bộ Y tế sẽ có sự phân bổ phù hợp tất cả các ngành có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh cao.
Cũng tại đây, về vấn đề phát triển du lịch dưới góc độ đầu tư, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn đã nêu 3 đề xuất. Đầu tiên, Chính phủ Việt Nam cần giúp các tỉnh thành nắm bắt chính sách dài hạn của ngành du lịch, cũng như các mục tiêu cần đạt được trong những năm tới.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
"63 tỉnh thành tuy có 'thực đơn' du lịch quá giống nhau, song vẫn có thể đảm bảo các chính sách riêng nằm trong một tổng thể hài hòa của du lịch quốc gia", ông Đoàn nhận định.
Tiếp theo, đại diện tập đoàn Phú Thái cho rằng, cần phải xác định doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch. Ông phát biểu: "Các Bộ, ban, ngành phải nắm được nguyện vọng, hay có chính sách nào đó để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu những lúc khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh thành khi có doanh nghiệp lớn về đầu tư cho du lịch cũng phải có chính sách hậu thuẫn, hỗ trợ kịp thời".
Thứ ba, ông Phạm Đình Đoàn đề xuất, cần phải tổ chức các cuộc thi sáng kiến phát triển ngành du lịch Việt Nam, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương. "Khi có sản phẩm trau chuốt, khách du lịch sẽ có nhiều cơ hội để hưởng thụ".
Cuối phiên thảo luận, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tiềm năng về du lịch. Song, hiện chỉ mới có phần nổi, còn những phần chìm như sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, di sản văn hóa... vẫn còn có thể khai thác.
Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng lớn về du lịch và cần "biến" ngành này trở thành kinh tế mũi nhọn. Như vậy, cần phải cải thiện chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng, tăng cường du lịch nội địa. Bởi "thị trường Việt Nam là không gian phát triển vô tận, sức mua của người Việt cũng rất cao, tốc độ tăng trưởng mức độ tiêu dùng đồ hàng hiệu rất nhanh".
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
Ngoài ra, liên quan đến mở cửa thị trường quốc tế, theo đại diện VCCI, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi ngành, lĩnh vực bao gồm: du lịch, thương mại, kinh tế, ngoại giao... và các nhà đầu tư. "Như vậy, cần triển khai nhanh chóng để tránh đánh mất cơ hội từ các nguồn lực nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam phải mở cửa thông minh và tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro trước tình hình Covid-19 phức tạp".
"Cần phải có sự kết hợp giữa du lịch truyền thống với du lịch 4.0", ông Lộc cho hay. Đối với chính sách, ông Vũ Tiến Lộc kết luận, trong gói giải pháp sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch và ngành hàng không. Đáng chú ý, các chính sách cho vay với lãi suất thấp hoặc không có lãi suất đều rất cần thiết.