6 triệu chứng cảnh báo chức năng não đang bị thoái hóa nghiêm trọng ngay ở độ tuổi 30

24/08/2023 14:20 PM | Sống

Sa sút trí tuệ là bệnh thoái hóa thần kinh liên quan tới sự suy giảm chức năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, rối loạn ngôn ngữ hoặc hành vi,... Đáng lưu ý, sa sút trí tuệ có thể có dấu hiệu cảnh báo ngay từ khi bạn 30 tuổi.

Sa sút trí tuệ vốn được coi là bệnh của người già. Trong hơn 55 triệu người bị sa sút trí tuệ trên toàn thế giới, có khoảng 60-70% bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Đặc biệt, 10% số bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer và mất trí nhớ có các triệu chứng xuất hiện trước tuổi 65.

Theo Hiệp hội Alzheimer (Anh), hiện quốc gia này có khoảng 900.000 người bị sa sút trí tuệ. Con số này được dự đoán có thể tăng lên tới 1,6 triệu người vào năm 2040. Điều đó có nghĩa là chỉ tính riêng trong năm nay, cứ mỗi 3 phút lại có một người Anh bị mắc chứng sa sút trí tuệ.

Theo Bernadette Mossman, bác sĩ của Vida Healthcare (Anh), những người ở độ tuổi 30 cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Khi một người mắc chứng sa sút trí tuệ trước 65 tuổi, tình trạng này được gọi là 'sa sút trí tuệ khởi phát sớm'.

6 triệu chứng cảnh báo chức năng não đang bị thoái hóa nghiêm trọng ngay ở độ tuổi 30  - Ảnh 1.

Sa sút trí tuệ là bệnh thoái hóa thần kinh (Ảnh: Getty)

6 dấu hiệu của sa sút trí tuệ xuất hiện ở độ tuổi 30

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra cách chữa trị đối với chứng sa sút trí tuệ. Nhiều loại thuốc đã được dùng thử nghiệm với hy vọng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh nhưng cho tới nay, sa sút trí tuệ vẫn là bệnh không thể điều trị được. Thêm vào đó, việc chẩn đoán bệnh là rất khó vì các triệu chứng của mỗi người khác nhau.

Theo bác sĩ Mossman, sa sút trí tuệ có thể “khó phát hiện” vì nó có nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, có 6 dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ có thể xuất hiện ngay từ khi bệnh nhân 30 tuổi, đó là: 

- Mất trí nhớ

- Khó tập trung

- Tâm trạng thay đổi

- Khó giao tiếp hoặc tìm từ 

- Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm

- Khó khăn khi thực hiện ngay cả những công việc quen thuộc

6 triệu chứng cảnh báo chức năng não đang bị thoái hóa nghiêm trọng ngay ở độ tuổi 30  - Ảnh 2.

Khó tập trung là dấu hiệu thường gặp của sa sút trí tuệ (Ảnh: Mayo Clinic)

“Sa sút trí tuệ có nhiều dạng khác nhau (khoảng hơn 200 dạng) nhưng triệu chứng lại khác nhau ở mỗi người. Điều này khiến cho việc chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, tất cả các dạng đều có một số triệu chứng phổ biến mà bạn nên biết”, bác sĩ Mossman cho hay. 

Làm gì để phòng ngừa sa sút trí tuệ?

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), sa sút trí tuệ có nhiều nguyên nhân khác nhau như lão hóa, gene và các yếu tố môi trường chẳng hạn như hút thuốc lá, lười vận động, ô nhiễm không khí. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn tới sa sút trí tuệ bao gồm mất thính lực, trầm cảm nhưng không được điều trị, sự cô đơn,...

Việc thay đổi lối sống có ý nghĩa quan trọng góp phần phòng ngừa sa sút trí tuệ khi về già. NHS khuyến cáo mỗi người nên có một chế độ ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng ở mức bình thường, tập luyện thường xuyên, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp cũng như căng thẳng trong cuộc sống.

6 triệu chứng cảnh báo chức năng não đang bị thoái hóa nghiêm trọng ngay ở độ tuổi 30  - Ảnh 3.

Tập luyện thường xuyên, kiểm soát căng thẳng có thể giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ (Ảnh: ST)

Bác sĩ Mossman cho biết bất cứ ai nếu thấy các biểu hiện của sa sút trí tuệ, hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh và có cách can thiệp để trì hoãn sự khởi phát sớm của bệnh. Nữ bác sĩ cũng gợi ý các hoạt động hội họa, nghệ thuật hoặc nuôi thú cưng rất có ích đối với những người được chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ.

Nguồn: NHS, Harvard Health, Mirror

Theo Lam Chi

Từ khóa:  sa sút trí tuệ
Cùng chuyên mục
XEM