6 tình huống “khó đỡ” của doanh nhân
Hầu hết các doanh nhân đều mô tả công việc của họ là khó khăn, nhưng họ hài lòng với công việc của mình.
Là một doanh nhân, bạn là người quyết định số phận của mình và của nhiều người khác. Bạn hoàn toàn có quyền tự hào khi là người có khả năng đem lại sự thỏa mãn cho chính mình và cho những người khác. Nhưng đời sống của một doanh nhân cũng như tấm huy chương - có hai mặt. Một mặt là sự ngưỡng mộ của mọi người về những giá trị to lớn mà bạn tạo ra. Mặt còn lại - mặt trái của tấm huy chương - đương nhiên có điều trái ngược. Cụ thể đó là gì?
Bạn từng mơ ước, đang trên con đường trở thành, hay vừa được công nhận là một doanh nhân - hãy quan tâm đến những chia sẻ từ chính những “người trong cuộc” dưới đây, để chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng cũng như cách ứng xử phù hợp trước những tình huống "khó đỡ" của một doanh nhân.
1. Thường xuyên phải giải thích về công việc của mình
Không quan trọng là bạn đang tham dự một buổi hội họp với bạn bè và gia đình, hay đang trò chuyện với các doanh nhân khác tại một buổi hội thảo, bạn không tránh được việc phải trả lời câu hỏi: “Thế chính xác thì bạn làm gì?”. Hầu như mọi doanh nhân đều chán ngán câu hỏi này.
Làm thế nào để giải thích một vấn đề chuyên sâu với một người không biết gì về nó? Bạn cần bao nhiêu thời gian để nói về ý tưởng của mình trước khi cặp mắt của người đối diện bắt đầu đảo đi xung quanh?
Bạn có thể phải sử dụng những thuật ngữ ngớ ngẩn hoặc hết sức chung chung để cho qua chuyện.
Tuy nhiên, câu trả lời này chỉ có thể đảm bảo người nghe không hỏi thêm câu nào nữa nếu họ là người không hiểu gì về ngành mà bạn đang làm.
Giải thích về công việc của mình cho một người đang hoạt động cùng ngành hoặc có hiểu biết về nó hoàn toàn không đơn giản, và bạn luôn cần chuẩn bị trước câu trả lời, ngắn gọn và súc tích.
2. Sa thải
Việc phải sa thải một ai đó là nhiệm vụ gây căng thẳng nhất đối với một doanh nhân. Thật may mắn là điều này sẽ không xảy ra thường xuyên như việc phải luôn giải thích về công việc ở trên.
Bạn có thể tự an ủi rằng khi bạn buộc phải trải qua giai đoạn này thì cũng có nghĩa là bạn đang khẳng định bản thân mình. Đa số thường tránh đặt mình vào tình huống phải mất ngủ cả đêm để chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện khó khăn như thế. Nhưng chính vì vậy mà bạn có thể trở thành một doanh nhân, còn họ thì không.
3. Bị mọi người tìm cách lợi dụng
Khi bạn giới thiệu sản phẩm của mình, bạn cần chuẩn bị tinh thần cho việc bị người khác đánh giá và phê bình. Nhưng không chỉ có vậy.
Khi thành công, bạn bỗng nhận ra rằng mọi cuộc trò chuyện dù là bình thường nhất cũng có thể ẩn chứa nhiều mục đích. Không phải ai cũng thực sự quan tâm đến bạn, một số có thể đang tìm cách moi thông tin từ bạn, hoặc cố tình che giấu những thông tin quan trọng. Bạn cần luôn giữ sự tỉnh táo.
4. Hội chứng mạo danh
Nhiều người đã trở thành nạn nhân của cái gọi là hội chứng mạo danh. Đây là hiện tượng đã được nghiên cứu và nhận diện lâm sàng khi mà một người, dù đã có nhiều thành công đáng kể và được nhiều người biết đến, vẫn cảm thấy như mình là một kẻ giả mạo và không xứng đáng với vị trí mà mình đang đứng.
Hội chứng mạo danh xảy ra nhiều trong giới doanh nhân, nhưng đây mới là điểm rắc rối: một số người đúng thật là kẻ mạo danh! Điều gì sẽ xảy ra nếu một người lấy hội chứng mạo danh làm cái cớ để mạo danh người khác?
Quan trọng nhất là đừng nên tỏ ra mình là một ai đó lớn hơn chính bản thân mình, và đừng cố gắng tạo niềm tin cho bản thân bằng cách giả mạo sự liên kết với những cái tên nổi tiếng. Những điều bạn có thể làm được mới đáng coi trọng nhất.
5. Cái máng tuyệt vọng
Sự phấn khích tột độ của những ngày đầu - làm việc cả đêm không ngủ, chỉ có cà phê để nạp năng lượng, và những vòng “du đấu bóng đá văn phòng” - giờ đây chỉ là một ký ức nhạt nhòa. Bạn tự hỏi: điều bạn đang thực hiện có thật sự sẽ tạo ra kết quả hay không?
Bạn đang ở cái thời điểm mà bạn đã tạo dựng được nền tảng nhưng không thể đẩy nhanh tốc độ. Khi mọi thứ đi theo chiều hướng xấu, bạn không biết chắc rằng có phải đây là lúc cần kiên trì, hay là nên tính đến khả năng thất bại và bắt đầu lại từ đầu? Chào mừng đến cái máng tuyệt vọng!
6. Hệ thống hỗ trợ
Điều cuối cùng này gây khó chịu với bất kỳ ai, nhưng có lẽ các doanh nhân hứng chịu nhiều hơn cả. Thủ tục hành chính, thuế, bảo hiểm y tế, và ai sẽ chăm lo cho lũ trẻ đây?
Đối với các nhân viên, một hệ thống sẵn có sẽ trợ giúp họ. Nhưng là doanh nhân, bạn phải tự tạo ra một hệ thống hoàn toàn mới, để trợ giúp công việc, trợ giúp các nhân viên và cuộc sống của chính bạn.