6 tháng đầu năm 2022, tập đoàn nông nghiệp của tỷ phú Nguyễn Duy Hưng lãi ròng gấp 2,5 lần cùng kỳ
Lũy kết 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của PAN đạt 6.168 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 396 tỷ đồng, tăng mạnh tới 150% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần tập đoàn PAN vừa công bố báo cáo kinh doanh quý 2/2022 với những kết quả ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể trong quý 2/2022, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn đạt 3.220 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 227 tỷ đồng, tăng 107% so với quý 2/2021.
Lũy kết 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn này đạt 6.168 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 396 tỷ đồng, tăng mạnh tới 150% so với cùng kỳ.
Giải trình biến động kết quả kinh doanh đột biến, PAN cho biết các mảng kinh doanh giống cây trồng, tôm xuất khẩu, khử trùng và nông dược, hạt đóng gói, cá tra xuất khẩu là nhân tốt chính mang lại mức tăng trưởng doanh thu. Mức tăng doanh thu trong kỳ này cũng phản ánh việc hợp nhất công ty con sau khi đạt được quyền kiểm soát từ cuối năm 2021. Đồng thời, nhờ các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí, các mảng kinh doanh của công ty đều đạt được hiệu quả tích cực mang đến mức tăng trưởng cao về lợi nhuận.
Đơn vị: tỷ đồng.
Cụ thể tăng trưởng của doanh thu hợp nhất được đóng góp bởi doanh thu từ VFC 640 tỷ (năm 2021 chưa hợp nhất) và tăng trưởng doanh thu cao từ các công ty thành viên khác, bao gồm: FMC tăng 35%, ABT tăng 129%, Bibica tăng 30%; Vinaseed tăng 7% và Lafooco tăng 47%.
Xét riêng kết quả kinh doanh từng mảng trong quý 2, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản tiếp tục có một quý tăng trưởng tốt khi lợi nhuận sau thuế của các công ty Vinaseed, VFC, FMC và ABT đều đạt tỷ lệ tăng trên 30% (riêng FMC trên 40%). Mảng giống của Vinaseed với sự ra mắt của các giống lúa độc quyền (VD: VNR20) đã mang lại biên lợi nhuận gộp cao cho quý 2. Mảng thủy sản như tôm, cá tra tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao tại các thị trường xuất khẩu.
Năm 2022, PAN cho biết sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho tăng trưởng hữu cơ cho các mảng kinh doanh cốt lõi và tận dụng cơ hội thị trường, phát huy lợi thế của chuỗi giá trị khép kín, tiếp tục cung cấp sản phẩm đa dạng cho các thị trường nội địa và xuất khẩu. Dự kiến các mảng sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Về cơ cấu tài sản, tại thời điểm 30/6, tài sản ngắn hạn của PAN ghi nhận mức 8.763 tỷ đồng, giảm 1.295 tỷ đồng trong khi đó tài sản dài hạn không có sự thay đổi đáng kể. Nguyên nhân khiến tài sản ngắn hạn của PAN giảm mạnh trong nửa đầu năm do tập đoàn này giảm mạnh khoản mục chứng khoán kinh doanh. Nếu như thời điểm đầu năm, tập đoàn này năm giữa khoảng 2.901 tỷ đồng chứng khoán đầu tư ngắn hạn thì đến giữa năm chỉ còn 1.106 tỷ đồng, tương đương với giảm tới 62%.