6 người bị HỎNG THẬN nặng sau khi ăn một loại "rau trường thọ": Bổ dưỡng thật đấy nhưng nếu ăn sai cách, nó có thể lấy đi tính mạng của bạn bất cứ lúc nào
Nhiều người ví loại rau này là "món ăn trường thọ" bởi giá trị dinh dưỡng và công dụng tuyệt vời của nó. Tuy nhiên, nếu dùng sai cách có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thường bị nhầm lẫn là một loại cỏ dại nhưng thực tế, rau sam (tên khoa học là Portulaca oleracea) là một loại rau ăn được, thậm chí còn chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Y học cổ truyền Trung Quốc xem rau sam là một vị thuốc với công dụng chữa trị được nhiều bệnh. Nhiều người còn ví loại rau này là "món ăn trường thọ" bởi giá trị dinh dưỡng và công dụng tuyệt vời của nó.
Tuy nhiên gần đây, Bệnh viện thuộc Trường Đại học Y khoa Chiết Gian, Trung Quốc đã tiếp nhận và điều trị liên tiếp cho 6 bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính với cùng một lý do là ăn rau sam. Đáng chú ý, tất cả đều xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi ăn loại rau này. Cùng tìm hiểu rõ xem liệu loại rau dại này có thực sự ăn được không.
Theo báo cáo, một người đàn ông họ Miao ở Thai Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) sau khi ăn hai bữa rau sam xào đã khiến chỉ số creatinin trong máu tăng đột biến lên 424,2 umol/L. Gia đình ngay lập tức đưa người này đến bệnh viện, sau khi làm sinh thiết thận, các bác sĩ thấy trong ống thận chứa đầy các tinh thể nhỏ gây bít tắc.
Bác sĩ Hàn Phi, Phó giám đốc Trung tâm Thận học của Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang cho biết: "Rau sam có chứa nhiều axit oxalic, một chất có thể kết tinh thành sỏi trong đường tiết niệu, gây tắc nghẽn ống thận, khiến cơ thể không thể bài tiết chất độc kịp thời, cuối cùng gây tổn thương thận cấp tính ".
Rau sam nên chần bằng nước sôi trước khi chế biến.
Theo lời bác sĩ Hàn, đặc điểm chung của các bệnh nhân nhập viện là họ ăn trực tiếp một lượng lớn rau sam. Nếu ăn phải một lượng lớn axit oxalic trong thời gian ngắn sẽ dễ gây tổn thương thận cấp tính. Do đó, tốt nhất là nên chần rau sam trước khi ăn, để loại bỏ lượng axit oxalic có trong rau.
Trên thực tế, đối với những người có sức khỏe tốt, các tinh thể trong thận có thể được đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thận hoặc các bệnh về chuyển hóa khác, lượng lớn axit oxalic trong rau sam sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn, thậm chí có thể phá hủy hoàn toàn chức năng của thận.
Bệnh sỏi thận, không thể coi thường
Theo các khảo sát liên quan, tỷ lệ mắc người mắc bệnh sỏi thận là rất cao, cứ 20 người thì có 1 người bị sỏi thận. Hiện ở Trung Quốc có khoảng 61,2 triệu bệnh nhân sỏi thận ở tuổi trưởng thành, trong đó đa số là người trẻ tuổi và tỷ lệ mắc bệnh ở miền nam cao hơn hẳn so với miền bắc.
Dưới tác động của một số yếu tố, các chất có nồng độ quá cao hoặc độ hòa tan thấp chẳng hạn như canxi photphat, canxi oxalat… ở trạng thái quá bão hòa dẫn đến hiện tượng kết tinh. Những tinh thể này phát triển và tích tụ cục bộ, cuối cùng tạo thành sỏi.
Một viên sỏi thận dù nhỏ cũng có khả năng kích thích niêm mạc đài bể thận, lâu ngày có thể dẫn đến sung huyết, rách, loét niêm mạc đài bể thận, thậm chí làm xuất hiện khối u.
1. Sự hình thành sỏi thận liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cá nhân
- Thực phẩm có hàm lượng oxalat cao
Được biết, có 32 thành phần tham gia vào quá trình hình thành nên sỏi tiết niệu, trong đó phổ biến nhất là canxi oxalat.
Trong cuộc sống hàng ngày, ăn quá nhiều những thực phẩm như rau muống, củ cải, khoai tây, măng,… lâu ngày có thể gây tích tụ oxalat trong cơ thể, dẫn đến hình thành sỏi canxi oxalat.
- Thực phẩm nhiều đường
Mặc dù đường là chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể nhưng chế độ ăn nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu do lượng canxi bài tiết qua đường tiểu tăng cao. Đặc biệt, lượng lactose cao dễ dẫn đến sự tích tụ canxi oxalat trong cơ thể góp phần hình thành sỏi thận.
- Thực phẩm giàu chất béo
Hàm lượng chất béo trong cơ thể quá cao làm giảm lượng canxi có sẵn để liên kết trong ruột từ đó dẫn tới tăng hấp thu oxalat, đặc biệt khi kết hợp với tình trạng đổ mồ hôi nhiều, uống ít nước và đi tiểu ít, có thể đẩy nhanh quá trình hình thành sỏi thận hơn.
- Thực phẩm nhiều purin
Purine là một hợp chất hóa học có trong thực phẩm, đồ uống như: thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn (bia). Purin có trong hạt nhân của tế bào động, thực vật. Thức ăn có purin khi vào cơ thể trải qua quá trình chuyển hóa sẽ tạo ra axit uric, khi hàm lượng axit uric cao có thể thúc đẩy quá trình lắng đọng oxalat trong nước tiểu và hình thành sỏi.
- Ăn quá nhiều protein
Tiêu thụ một lượng lớn chất đạm trong thời gian dài sẽ làm tăng hàm lượng axit uric, canxi và phốt pho trong nước tiểu, nếu lượng canxi và axit uric dư thừa này không được đào thải qua chức năng thận một cách kịp thời và hiệu quả sẽ dễ dẫn đến tình trạng hình thành sỏi.
Bệnh nhân sỏi thận nên kiểm soát chặt chẽ việc ăn các loại thực phẩm trên, đồng thời bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A hoặc beta carotene như cà rốt, súp lơ… để duy trì sự khỏe mạnh của niêm mạc niệu đạo và giảm tỷ lệ mắc sỏi.
2. Các triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh sỏi thận
- Đau quặn
Cơn đau do sỏi thận chủ yếu là cơn đau quặn thận, đau rất dữ dội, mức độ đau chỉ đứng sau cơn đau khi sinh nở. Nguyên nhân chủ yếu là do những viên sỏi thận nhỏ hơn rơi vào niệu quản, dưới sự co bóp nhu động của niệu quản, sỏi sẽ di chuyển từ trên xuống dưới gây ra cơn đau quặn thắt. Đau cũng có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nôn.
- Đau khi sờ vào vùng thận
Một số viên sỏi lớn hơn có thể không có triệu chứng rõ ràng vì không thể rơi xuống niệu quản, nhưng cũng có những biểu hiện như khó chịu, sưng tấy và đau âm ỉ ở vùng thắt lưng thận. Đau khi sờ vào vùng thận có thể là dấu hiệu của sỏi thận.
- Đi tiểu ra máu
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt, nếu bị đau ở vùng thắt lưng kèm theo tiểu ra máu sau khi tập thể dục thì có thể là dấu hiệu của sỏi thận. Ở người cao tuổi trên 60, 70 tuổi nếu có hiện tượng đái ra máu không đau, thậm chí kèm theo cục máu đông thì chứng tỏ các kích thích lâu ngày tạo sỏi thận và gây ung thư thận.
3. Các lựa chọn điều trị dựa trên kích thước
Nếu đường kính của sỏi dưới 1cm, bạn có thể uống thêm nước mỗi ngày, khoảng 2 đến 3 lít để làm loãng nước tiểu, trì hoãn tốc độ phát triển của sỏi, đồng thời giúp viên sỏi nhỏ xuống và dễ dàng bị đào thải ra ngoài hơn. Còn nếu đường kính sỏi lớn hơn 1cm, bạn nên đến bệnh viện để điều trị có hệ thống.
(Theo Toutiao)