6 năm làm nghề tư vấn viết di chúc, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị hơn cả phim: Thiên vị, tranh giành, đền bù và không thiếu những bi kịch

27/06/2024 19:10 PM | Sống

Nếu bạn viết di chúc, bạn sẽ để lại những điều quan trọng nhất cho ai?

Đó là câu hỏi mà anh Phùng luôn đặt ra cho khách hàng của mình mỗi khi họ tìm đến anh để nhờ hỗ trợ dịch vụ viết di chúc.

Tính đến hiện tại, Thư viện Di chúc Thâm Quyến (Trung Quốc) đã lưu giữ 20.000 di chúc. Mỗi bản di chúc đều được soạn thảo kỹ càng theo đúng ý muốn của người viết. Ngoài giá trị vật chất thì ở đó còn có đủ những cung bậc cảm xúc, từ ấm áp, yêu thương, nhưng cũng không thiếu sự cay đắng tràn nước mắt.

Dưới đây là những câu chuyện có thật mà anh Phùng đã được chứng kiến trong suốt 6 năm làm nghề của mình.

Sự thiên vị

Anh Phùng nhớ trong các khách hàng của mình có một cặp vợ chồng tuổi đã ngoài 60, họ Trần. Ông bà Trần là người gốc Thân Quyến, ngoài số tiền tiết kiệm là 200 triệu đồng thì còn sở hữu 2 tòa nhà.

Ngày lập di chúc, đi cùng ông bà còn có cả con trai và con gái. Theo ý nguyện, ông bà Trần muốn để lại cả hai căn nhà cho con trai, còn số tiền tiết kiệm sẽ cho con gái.

Du Thanh - người con gái ở ngoài cửa nghe được phần nào câu chuyện liền lập tức đẩy cửa xông vào. Cô ấy khóc tại chỗ và gào lên: "Bình thường ai là người chăm sóc bố mẹ, ai là người chăm lo từng bữa cơm, bộ quần áo, rửa chân cho hai người mỗi tối. Là con, là con hết đó.

6 năm làm nghề tư vấn viết di chúc, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị hơn cả phim: Thiên vị, tranh giành, đền bù và không thiếu những bi kịch- Ảnh 1.

Còn anh ta, khi bố mẹ bệnh đều kiếm cớ vắng mặt. Vậy mà bây giờ có bao nhiêu của cải thì đều cho anh ta hết, sao bố mẹ có thể thiên vị đến thế".

Nghe xong, không chỉ ông bà Trần cúi đầu xuống không dám nhìn mặt con gái mà ngay cả những người có mặt trong căn phòng cũng đều cảm thấy ngậm ngùi. Cuối cùng, Du Thanh bỏ đi trong nước mắt, cô ấy tuyên bố sẽ không nhận một đồng nào từ bố mẹ nhưng cũng không sống cùng nữa.

Khi nói đến sự thiên vị, anh Phùng cũng như những nhân viên khác trong thư viện đã quá quen thuộc. Nhưng suy cho cùng, bởi suy nghĩ trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của thế hệ trước, họ cho rằng con gái đã lấy chồng như bát nước đổ đi, nên tài sản phải cho con trai để sau này chết đi, con trai sẽ thờ phụng.

Tranh giành

Sau khi lập di chúc, mỗi người có quyền lựa chọn có nên báo cho người nhà hay không. Nói thẳng, bản di chúc đôi khi có thể trở thành công cụ giúp tiêu khiển cảm xúc và hành vi của mỗi người.

Anh Phùng nhớ rằng, có một ông lão khoảng 70 tuổi sở hữu nhiều tài sản nhưng các con của ông lại không đoàn kết và hiếm khi đến thăm ông.

Sau khi lập di chúc, ông lão liền gọi tất cả các con tới và tuyên bố: "Bố đã lập di chúc, căn nhà sẽ được bán và toàn bộ số tiền sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện sau khi bố qua đời. Tuy nhiên, di chúc cũng có thể thay đổi, nếu ai đối xử tốt với ta thì sẽ được hưởng tài sản".

Kể từ đó, các con của ông lão không thể ngồi yên và bắt đầu tranh giành nhau đến thăm bố mỗi ngày. Không chỉ vậy, họ còn mang đến cho ông biết bao của con vật lạ, đưa ông đi du lịch,..điều mà trước đây ông chưa bao giờ được hưởng.

Anh Phùng ví von sự thay đổi của các con ông cụ chẳng khác nào những cuộc tranh đấu quyền thừa kế trên TV. Song anh bày tỏ sự đáng tiếc cho khách hàng của mình, bởi rốt cuộc tình cảm cha con phải dùng tiền mới mua được thì có thể kéo dài bao lâu?.

Một câu chuyện khác về cô gái tên Liên cũng khiến anh Phùng không thể quên.

6 năm làm nghề tư vấn viết di chúc, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị hơn cả phim: Thiên vị, tranh giành, đền bù và không thiếu những bi kịch- Ảnh 2.

Cách đây vài năm, bố mẹ của Liên qua đời trong một vụ tai nạn ô tô khi đi du lịch ở Vân Nam. Do gia đình chưa lập di chúc nên Liên - người con duy nhất đinh ninh rằng mình sẽ được hưởng tài sản.

Liên lại sắp kết hôn nên cô muốn chuyển tài sản sang tên mình để tránh trở thành tài sản chung của hai vợ chồng. Để hoàn thành bước này, tất cả các thành viên khác trong gia đình phải đồng ý từ bỏ quyền thừa kế để Liên là người thừa kế duy nhất hợp pháp.

Hầu hết ông bà nội ngoại hai bên đều đồng ý, nhưng chú ruột của cô lại đưa ra điều kiện: "Bà nội của cháu sức khỏe không tốt nên chú là người đại diện pháp luật của bà. Nếu cháu chấp nhận sau này sẽ có trách nhiệm chăm sóc bà đến khi bà mất thì chú sẽ đồng ý từ bỏ quyền thừa kế".

Nếu như chú và bà không ký, thì chú sẽ được sở hữu 25% tài sản, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Liên biết, bà nội không quan tâm đến tài sản, nhưng cô không đảm bảo được sẽ có đủ thời gian để chăm lo cho bà, huống chi cô còn sống chung với gia đình chồng. Sau đó, cô đã thử đưa ra phương án mua lại 25% giá trị tài sản bằng 3 tỷ đồng nhưng người chú gạt phắt đi.

Cứ vậy, cuộc chiến tranh giành tài sản kéo dài trong nhiều năm khiến cô gái cũng không thể tiến hành kết hôn như dự định.

Tình yêu và hạnh phúc

Anh Phùng nói, không phải câu chuyện nào cũng cay nghiệt. Bởi trên cuộc đời này không thiếu sự hạnh phúc.

Năm 2020, một cô gái 18 tuổi cũng đến lập di chúc. Thẻ lương và bảo hiểm nhân thọ là tất cả tài sản mà Shen có ở thành phố này, tổng cộng khoảng hơn 70 triệu đồng.

Cô gái kể, từ nhỏ cô đã lớn lên bên mẹ nên cô quyết định để lại toàn bộ số tiền này cho mẹ. Tất nhiên, sau này cô kiếm được nhiều hơn thì tài sản cũng nhiều lên:

6 năm làm nghề tư vấn viết di chúc, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị hơn cả phim: Thiên vị, tranh giành, đền bù và không thiếu những bi kịch- Ảnh 3.

"Số tiền không nhiều nhưng đây là tình yêu của tôi dành cho mẹ. Nếu một ngày nào đó có chuyện gì xảy ra với tôi, tôi mong mẹ hiểu tôi yêu mẹ đến nhường nào", cô gái trẻ nói với Phùng.

Và cuộc đời thật vô thường, năm đó dịch Covid-19 hoành hành, cô gái cũng trở thành một trong những bệnh nhân xấu số. Trước khi ra đi, cô còn quay video gửi tặng mẹ và nói với bà những lời yêu thương mà trước đó cô chưa từng nói ra.

Về tình nghĩa gia đình, anh Phùng ấn tượng nhất với cặp đôi đến từ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trước đây, hai vợ chồng đều là quân nhân, sau khi xuất ngũ thì tới Thâm Quyến lập nghiệp. Họ có 2 người con trai, con cả sống chung với bố mẹ, còn con út sống ở quê cùng ông bà rồi lớn lên cũng lấy vợ sinh con tại đây.

Môi trường sống khác nhau dẫn tới mỗi người có sự thành công khác nhau. Người con cả làm việc tại Huawei với mức lương hàng năm là 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng), trong khi người con thứ ở quê nhà kiếm được mức lương chỉ vài nghìn nhân dân tệ.

Do đó, khi làm di chúc, cả hai vợ chồng ông lão đều không ngần ngại giao lại căn nhà ở quê cho con thứ, giống như một cách bù đắp khó khăn mà anh ấy đã phải chịu. Đáng mừng là người con cả cũng không hề tham lam, đều đồng ý với cách phân chia của bố mẹ.

Nhìn chung, qua những câu chuyện mà bản thân được chứng kiến, anh Phùng cho rằng khi lập di chúc cũng là lúc giúp chúng ta nhìn nhận lại mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Dù kết quả có ra sao, chỉ cần bạn không hổ thẹn với lương tâm, không tham lam, không sân si, sống thoải mái,...như vậy là hạnh phúc nhất rồi. 

Theo Toutiao

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM