6 năm chứng kiến 3 đợt ngân hàng cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy. Và đây là những điều tôi muốn nhắn gửi

11/08/2017 14:54 PM | Kinh doanh

Có những thời điểm chúng tôi được ăn tiệc chia tay đồng nghiệp cả tuần, một bữa tiệc chia tay có nhiều người ra đi cùng lúc, những người ra đi nhiều không kém người đến dự chia tay...

LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.

Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn. Các bài dự thi được lựa chọn đăng tải sẽ được nhận nhuận bút cùng với giải thưởng lên đến 30 triệu đồng trong gói giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.

-------

Ban tổ chức xin giới thiệu bài dự thi của một cán bộ ngân hàng tên Nguyễn Thị Mỹ Lệ (xin được giấu tên ngân hàng) về câu chuyện thực mà bản thân bạn đã trải qua ở ngân hàng đó là việc cắt giảm nhân sự.

Dù ra trường với tấm bằng xuất sắc tôi đã không thể tìm được một vị trí trong ngân hàng. Nào là phải chiều cao từ 1m60, ngoại hình ưa nhìn, chứng chỉ tiếng Anh, rồi thi tuyển qua vòng gắt gao phỏng vấn, thi viết, rồi lại phỏng vấn lần cuối. Cái nghề đòi hỏi nhan sắc và tài năng tới ghê gớm và kén người thế tới lượt mình chắc cũng phải cộng thêm vài chục phần trăm may mắn. …

Năm 2011, khi các ngân hàng ồ ạt mở rộng mạng lưới và tuyển người, tôi có cơ hội vàng để bước chân vào ngân hàng ở bộ phận hỗ trợ kinh doanh. Tôi chính thức được làm trong môi trường mơ ước, tôi thấy tự hào và hăng say với công việc không biết mệt mỏi với những sáng kiến, những cuộc gặp gỡ anh chị em ở chi nhánh, những chuyến công tác từ Bắc vào Nam.

Ở thời điểm đó tôi cũng không lường trước những thăng trầm mình sẽ trải qua. Vào được ngân hàng đã khó, trụ được với nghề này cũng không hề đơn giản: 6 năm với ít nhât 3 lần thay đổi cơ cấu, tinh gọn bộ máy và có cả những lần cắt giảm nhân sự. Trong suốt thời gian đó, thời điểm hùng mạnh nhất, chúng tôi, 40 con người làm bộ phận hỗ trợ kinh doanh được lập thành một ban quan trọng trong ngân hàng và thời điểm ít người nhất là cả hội sở chỉ 10 người làm công việc đó. Đó là số lượng về mặt hình thức trên sơ đồ tổ chức, còn số lượng người đến và đi có lẽ còn nhiều hơn cả con số 40, cũng có người làm 2 tháng rồi bỏ cuộc, có người chủ động ra đi tìm con dường mới và cũng có những người bị buộc cho nghỉ. Như vậy xét theo số lượng đó những người ở lại chỉ là thiểu số.

Tôi muốn nói về nhóm những người bị động rời khỏi ngân hàng khi ngân hàng cắt giảm nhân sự. Những điều tôi thấy về họ như một phần tất yếu các bạn sẽ gặp nếu như lựa chọn làm ngành này. Gần đây tôi thấy một khẩu hiệu của VinGroup “Cải tổ để phát triển bên vững” và khá tâm đắc. Bạn thấy đấy mọi tổ chức đều cần thay đổi, thích với điều kiện kinh doanh và bắt kịp xu thế phát triển. Tái cơ cấu, thay đổi cơ cấu là một phần tất yếu của mọi tổ chức. Cắt giảm nhân sự diễn ra khi cơ cấu mới của tổ chức không còn vị trí cho những nhân sự hiện tại hoặc những người lao động đó không còn phù hợp định hướng của tổ chức.

Đối với nhiều người làm công ăn lương, cắt giảm nhân sự là một đám mây đen nặng trĩu ám ảnh họ. Dù mọi cuộc cắt giảm nhân sự tôi trải qua đều diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng nhưng bao giờ cũng thấy nó thật dài. Bởi lẽ đó là lúc mọi người bị bất ngờ, hoang mang, mệt mỏi, căng thẳng, chán nản và thấy mông lung về tương lai. Mọi người rụt rè, lo sợ: ai sẽ vào danh sách đen, ai sẽ ở lại? tại sao lại người này người kia bị cắt giảm? có cả những đố kỵ bực bội với đồng nghiệp. Rồi có cả ngàn câu hỏi cần được trả lời: Bao giờ phải đi? Mất việc thì sẽ thế nào khi đằng sau là cuộc sống vợ con, là chi tiêu mỗi tháng, là món nợ đang vay, là sự tự tin khi bước đi tiếp trên con đường sự nghiệp. Ra đi như thế nào đây? Tôi bị ám ảnh khi xem “Up in the air” nếu bị mất việc ai cũng có thể bị trầm cảm, khóc lóc, đập phá thậm chí con đường cực đoan nhất là tìm tới cái chết.

Nếu bạn hay tôi phải rơi vào tình huống bị cắt giảm hoặc buộc phải lựa chọn công việc khác tôi mong mọi người thừa nhận cảm xúc tiêu cực nhưng đừng cực đoan. Hãy sẻ chân thành với đồng nghiệp và người thân của mình. Đến thời điểm bạn còn ở lại ngân hàng, đồng nghiệp của bạn vẫn ở đó để cùng bạn vượt qua… mọi thứ không bao giờ chỉ có màu xám. Hãy lạc quan để tìm thấy những điều tích cực từ những thứ bạn đang phải đối mặt:

Thứ nhất, Bạn nên tìm hiểu chế độ hỗ trợ nhân sự bị cắt giảm của ngân hàng, bảo hiểm thất nghiệp và quy trình thủ tục để hưởng khoản bảo hiểm thất nghiệp này; Thứ hai, Hãy tin rằng cắt giảm không có nghĩa là bạn là người bỏ đi; và thứ ba, Đừng chỉ lo sợ trong suy nghĩ mà cần tỉnh táo trong cảm xúc và hành động quyết tâm cao để tìm cho bạn cơ hội mới…

Có những thời điểm chúng tôi được ăn tiệc chia tay đồng nghiệp cả tuần, một bữa tiệc chia tay có nhiều người ra đi cùng lúc, những người ra đi nhiều không kém người đến dự chia tay. Bạn nên biết điều này trong ngành ngân hàng, khi một người sang được ngân hàng mới sẽ giới thiệu nhiều người khác đi theo và cùng nhau làm việc trong một tổ chức mới. Một anh giám đốc chi nhánh sang ngân hàng mới có thể xây dựng một đội ngũ từ những bạn quan hệ khách hàng của ngân hàng cũ. Xin hãy ghi nhớ điều tưởng như bình thường này bởi so với nhiều ngành khác, ngành ngân hàng luôn là tổ chức lớn với hàng ngàn người và luôn có cơ hội nếu bạn có kiến thức và kinh nghiệm tương đồng.

Tôi xin kể tiếp một điều bình thường đáng quý khác: có những người ra đi vì bị cắt giảm vẫn thấy yêu mến môi trường làm việc cũ, đồng nghiệp cũ rất nhiều. Tại sao lại như vậy? Một điều tuyệt vời khiến mọi người gắn bó với ngân hàng là vì đó là môi trường coi trọng con người, coi trọng các mối quan hệ. Tôi vẫn nhớ có anh đồng nghiệp chân ướt chân ráo vào làm, qua thử việc được mấy tháng thì bị cắt giảm và còn không thuộc đối tượng được hỗ trợ nghỉ việc của ngân hàng. Thế mà, anh vẫn quay lại gặp gỡ đồng nghiệp và với anh đó vẫn là nơi anh yêu quý. Bởi lẽ, lúc anh bị nghỉ việc mọi người đã kịp biết vợ anh mới sinh con, biết vợ anh nghỉ sinh mà không có lương bảo hiểm, họ đóng góp tiền bạc đỡ đần anh lúc khó khăn, mua ủng hộ ảnh thứ quà quê anh bán khi chưa tìm được việc…Trong môi trường nhân văn và tiến bộ người ta sống thân thiện, tử tế và giàu tình cảm. Đó là lý do ẩn giấu bên trong gắn kết mọi người để họ lựa chọn ngành ngân hàng bên cạnh những thứ mà báo chí vẫn nói rần rần và gây nhiều tranh luận là lương và thưởng.

Nhân đây tôi muốn nói thêm về những người ở lại, tháng 8 này, ngân hàng nơi tôi làm việc có hàng chục cán bộ nhân viên được Ngân hàng Nhà nước vinh danh và tặng bằng khen vì sự phát triển ngành ngân hàng. Đây là những người đã công tác và cống hiến với ngân hàng này hơn 20 năm. Tại sao lại có những người gắn bó với tổ chức lâu đến như vậy?

Xin trả lời các bạn rằng có rất nhiều lý do nhưng một lý do tôi viết lại để nhắn nhủ với những ai sẽ đến với ngành này là: ngân hàng là một ngành vận động không ngừng nên bạn sẽ không nhàn hạ, bạn cần nỗ lực bền bỉ, sáng tạo không ngừng. Đó là nơi bạn bị áp lực về chỉ tiêu về doanh số, dịch vụ với khách hàng nội bộ và bên ngoài đều phải đáp ứng tiêu chuẩn rất cao. Thế nhưng ở đó chúng ta vẫn có thể bị cắt giảm và mất việc….Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, hãy coi đó cú hích để các bạn bước tới thử thách mình. Nếu như làm chủ doanh nghiệp sẵn sàng học từ thất bại thì người đi làm thuê cũng phải đối mặt những điều đó. Và hơn hết dù ở ngân hàng hay ở đâu khi bạn luôn vận động và sáng tạo, nỗ lực bền bỉ, tích lũy kỹ năng, bạn luôn tiến bộ thì sẽ luôn có chỗ dứng với đầy đủ tri thức và trải nghiệm những điều mới mẻ trong sự nghiệp của mình.

Theo Nguyễn Thị Mỹ Lệ

Cùng chuyên mục
XEM