57 người nhiễm nCoV ở Mỹ, San Francisco tuyên bố tình trạng khẩn cấp

26/02/2020 10:10 AM | Xã hội

Ngày 25/2, thành phố San Francisco, bang California, Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh ngày càng lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong một tuyên bố hôm 25/2, Thị trưởng San Francisco London Breed cho biết dù chưa có trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận tại San Francisco, song bức tranh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng với sự lây lan của virus này ở những nơi mới trên thế giới mỗi ngày, vì vậy cần phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ thành phố San Francisco.

Theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp này, giới chức San Francisco sẽ được phép tập hợp các nguồn lực và nhân nhằm thúc đẩy các biện pháp và lập kế hoạch khẩn cấp, đồng thời thúc đẩy khả năng triển khai phản ứng nhanh với bất kỳ trường hợp nào có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuyên bố trên của thành phố San Francisco được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về khả năng bùng phát dịch bệnh trên tại Mỹ.

"Dữ liệu trong tuần qua về sự lây lan ở các quốc gia khác đã làm tăng mức độ lo ngại và dự đoán của chúng tôi rằng sẽ có sự lan truyền trong cộng đồng ở đây", Tiến sĩ Nancy Messonnier, người đứng đầu bộ phận các bệnh về đường hô hấp của CDC, nói với các phóng viên.

Theo bà, những gì chưa biết được là khi nào dịch sẽ đến và sẽ bùng phát nghiêm trọng đến mức nào ở Mỹ. "Sự gián đoạn đối với cuộc sống hàng ngày có thể nghiêm trọng và các doanh nghiệp, trường học và gia đình nên bắt đầu thảo luận về tác động có thể có từ sự lây lan của virus", bà Messonnier cảnh báo.

 57 người nhiễm nCoV ở Mỹ, San Francisco tuyên bố tình trạng khẩn cấp  - Ảnh 1.

Bà Nancy Messonnier. (Ảnh: Reuters)

Trong một buổi hội thảo sau đó, Tiến sĩ Anne Schuchat, phó giám đốc CDC, nói rằng trong khi rủi ro trước mắt ở Mỹ là thấp, thì tình hình toàn cầu hiện nay cho thấy có khả năng xảy ra đại dịch. "Nó không phải là câu hỏi nếu. Nó là câu hỏi về việc khi nào và bao nhiêu người sẽ bị nhiễm bệnh", Schuchat nói.

Tính đến 25/2, CDC cho biết số ca nhiễm virus nCoV đã lên đến 57 ca ở Mỹ, với 40 người trở về từ tàu du lịch ở Nhật Bản.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Alex Azar nói với một tiểu ban Thượng viện rằng có khả năng sẽ có thêm các ca bệnh ở nước này, và ông yêu cầu các nhà lập pháp phê duyệt 2,5 tỷ USD ngân sách nhằm chống dịch sau khi đề xuất cắt giảm ngân sách của bộ.

Ông nhắc đến sự bùng phát gần đây ở Iran và Italy.

Được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã bất hợp pháp bán tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, coronavirus mới đã lây nhiễm cho khoảng 80.000 người và giết chết gần 2.700 người ở Trung Quốc.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới cho biết dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc, nhưng các trường hợp nhiễm corona virus tiếp tục xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia khác, với khoảng 30 ca chết người được báo cáo, theo một thống kê của Reuters.

Số ca bệnh ngày càng tăng ở Iran, Italy và Hàn Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại rằng corona virus sẽ xuất hiện thêm ở các quốc gia khác và trở nên tồi tệ hơn ở những quốc gia đã nhiễm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một nền kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc một phần vào Trung Quốc.

 57 người nhiễm nCoV ở Mỹ, San Francisco tuyên bố tình trạng khẩn cấp  - Ảnh 2.

Theo Phương Anh

Cùng chuyên mục
XEM