5.000 khách Trung Quốc đến Bali mỗi ngày, điều gì giúp Indonesia vẫn miễn nhiễm với virus corona?
Các chuyên gia nhận thấy điều đáng kinh ngạc rằng Indonesia chưa hề phát hiện trường hợp nào dương tính với virus corona Covid-19 dù 5.000 khách Trung Quốc đến Bali du lịch mỗi ngày trước khi giới chức đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc hôm 5/2.
Một gia đình đến từ Thượng Hải đang có kỳ nghỉ tại Singapore hồi tháng trước khi họ nghe tin về chủng mới của virus corona xuất hiện tại Trung Quốc. Họ nhanh chóng đến đất nước lớn nhất thế giới mà chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào: Indonesia.
Họ hạ cánh xuống Bali, hòn đảo xinh đẹp là địa điểm du lịch nổi tiếng với người Trung Quốc, vào ngày 30/1 và sau đó không có máy bay trở về Trung Quốc.
"Người dân Bali tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình và thân thiện. Chúng tôi chưa trải qua đợt khám sức khỏe nào cả", Eva Qin, 36 tuổi, đi du lịch cùng mẹ và chồng và con trai, nói.
"Virus corona không tồn tại ở Indonesia"
Các chuyên gia y tế đặt ra câu hỏi vì sao Indonesia chưa ghi nhận một trường hợp nào dương tính với virus corona chủng mới, dù giới chức đã khá chậm trễ trong việc quyết định dừng các chuyến bay từ Trung Quốc. Indonesia đón khoảng 2 triệu khách du lịch Trung Quốc mỗi năm, chủ yếu là đến Bali.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Bali cho biết tuần trước, khoảng 5.000 khách du lịch Trung Quốc đã đến Bali, bao gồm 200 khách từ Vũ Hán, vào thời điểm dịch bùng phát. Các nước láng giềng của Indonesia đều đã ghi nhận các ca nhiễm virus gồm Philippines, Singapore, Malaysia và Australia.
"Cho đến nay, Indonesia là quốc gia có diện tích lớn duy nhất ở châu Á không có ca nhiễm bệnh nào. Virus corona không hề tồn tại ở Indonesia", Bộ trưởng An ninh Indonesia Mohammad Mahfud MD nói với phóng viên ngày 7/2.
Trong số 285 người được sơ tán khỏi Vũ Hán đều trong tình trạng ổn định ở trên đảo Natuna của Indonesia và không có dấu hiệu của virus, ông cho biết thêm.
Nhân viên phục vụ chờ khách bên ngoài trung tâm thương mại ở Nusa Dua, Bali. Ảnh: NYT
Giống như Indonesia, các quốc gia ở châu Phi, cho đến ngày 11/2, chưa có nước nào báo cáo có ca nhiễm virus corona dù họ có một số ca nghi nhiễm. Châu Phi cũng là một điểm đến quen thuộc của người Trung Quốc, đến đây để làm việc thay vì du lịch.
5 nhà nghiên cứu tại Học viện Y tế Công cộng T.H. Chan Harvard kết luận trong một báo cáo tuần trước rằng Indonesia và Campuchia (Campuchia thông báo 1 ca nhiễm bệnh duy nhất), cần nhanh chóng đưa vào theo dõi các trường hợp nghi ngờ. Dựa trên phân tích thống kê, dịch bệnh đã tới Indonesia, các tác giả kết luận.
"Nhiều trường hợp mang mầm bệnh có quá trình di chuyển từ Vũ Hán, cho thấy việc đi máy bay nhiều khả năng là tác nhân quan trọng khiến nguy cơ được đưa ra bên ngoài Trung Quốc", nghiên cứu của các tác giả kể trên viết.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Indonesia, Jusuf Kalla, một cựu phó tổng thống của nước này, cũng nói rằng có khả năng dịch bệnh đã xâm nhập vào nước này và Indonesia không phát hiện ra các triệu chứng của virus corona.
"Singapore có một hệ thống chặt chẽ như vậy nhưng virus vẫn xâm nhập được. Cũng có khả năng có những người mang mầm bệnh nhưng Indonesia nghĩ rằng họ bị sốt bình thường hoặc nghĩ rằng họ bị sốt xuất huyết", ông nói.
Hệ thống y tế của Indonesia có đủ khả năng chống dịch?
Ông Kalla bày tỏ lo ngại về sự chuẩn bị ứng phó của Indonesia trước dịch bệnh nếu virus tấn công vào các vùng đảo xa xôi của nước này, nơi mà hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn yếu kém. Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với gần 270 triệu dân, sinh sống trải rộng trên 6.000 hòn đảo lớn nhỏ.
"Indonesia có quá nhiều đảo. Chúng tôi cũng có quá nhiều thành phố cảng với những điều kiện khác nhau. Tôi nghĩ các bệnh viện tốt ở Jakarta có thể phát hiện ra nó, nhưng còn các trung tâm y tế cộng đồng ở Flores hay Sulawesi thì sao? Chắc chắn khả năng bị hạn chế".
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia được đánh giá là dưới tiêu chuẩn chung của quốc tế với cơ sở vật chất thiếu thốn và quá ít bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018.
Tuy nhiên, đại diện của WHO tại Indonesia, bác sĩ Navaratnasamy Paranietharan, cho biết Indonesia đang nỗ lực hết sức để phòng chống virus corona mới, bao gồm quét thân nhiệt của hành khách ở các điểm nhập cảnh và trang bị cho các bệnh viện để tiếp nhận những ca nghi nhiễm bệnh.
"Indonesia đang làm những gì có thể để chuẩn bị và phòng chống virus corona chủng mới", ông nói.
Các quan chức y tế cho biết họ đã xét nghiệm gần 50 trường hợp nghi nhiễm, tất cả đều âm tính.
Kinh nghiệm chống MERS phát huy tác dụng?
30 công nhân Trung Quốc làm việc cho một công ty sản xuất xi măng ở Bắc Sulawesi được cách ly 14 ngày khi quay lại Indonesia sau khi về Trung Quốc ăn Tết Nguyên đán, một quan chức nhập cảnh cho biết. Không ai trong số họ mang theo virus, ông khẳng định.
Nếu các bệnh nhân có triệu chứng nhập cảnh vào đất nước, họ sẽ bị phát hiện, Achmad Yurianto, quan chức cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế Indonesia, nói.
"Chúng tôi không chuẩn bị để đối mặt với dịch bệnh bùng phát mà chúng tôi chuẩn bị để tránh nó bùng phát. Chúng tôi không đợi cho nó xảy ra, thực tế, chúng tôi siết chặt phòng ngừa", ông nói.
Indonesia có kinh nghiệm trong việc theo dõi các du khách bị ốm, ông nói thêm, bởi nước này từ lâu đã luôn cảnh giác trước một loại virus nguy hiểm khác là MERS. Khoảng 1,4 triệu người Indonesia tới Arab Saudi mỗi năm trong mùa hành hương, nơi họ có thể nhiễm MERS, và chúng tôi đã quét thân nhiệt của họ khi họ trở về.
"Chúng tôi đã trải qua những việc này nhiều lần. Có thể các nước khác không quen thuộc với tình huống này như Indonesia".
Indonesia có 3 phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm chủng mới của virus corona, 2 phòng ở Jakarta, và một phòng ở Surabaya, thành phố lớn thứ 2 đất nước ở Đông Java. Các phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm 1.200 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Trên cả nước, 100 bệnh viện đã chỉ định là trung tâm xử lý các trường hợp nghi nhiễm virus corona.
1.500 khách du lịch Trung Quốc còn ở Bali, quyết định về hay ở?
Trước khi các chuyến bay giữa Indonesia và Trung Quốc bị tạm dừng ngày 5/2, một tuần có 134 chuyến bay từ Trung Quốc tới Bali, tương đương 5.000 hành khách mỗi ngày. Việc thiếu các du khách Trung Quốc có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Bali vốn phụ thuộc vào khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, một số khách du lịch đã ở Bali đang cố gắng hết sức để ở lại thêm.
Lãnh sự Trung Quốc ở Bali, Guo Haodong, cho biết nhiều khách du lịch Trung Quốc muốn gia hạn visa hơn là trở về nhà để đối mặt và có nguy cơ lây nhiễm virus. Hơn 30 người nộp đơn gia hạn visa du lịch và số khách Trung Quốc còn lại trên đảo là 1.500 chứ không phải 5.000, các quan chức nhập cư cho biết
Trong số những người ở lại có Johnson Guo. Guo, 42 tuổi, là một doanh nhân trong lĩnh vực Internet tại Quảng Châu. Anh và gia đình đang đi nghỉ ở Australia nhưng sau khi dịch bệnh bùng phát, họ quyết định kéo dài kỳ nghỉ và dành 1 tuần ở Bali.
Guo nói anh không bị kiểm tra sức khỏe khi nhập cảnh, nhưng cả gia đình đều khỏe mạnh. "Tôi lo lắng về virus", anh nói đã mua 720 chiếc mặt nạ và sẽ mang về quyên góp cho các bệnh viện ở quê nhà khi họ về nước. "Tôi phải về nhà vì tôi còn phải quay trở lại làm việc. Và tình hình ở Quảng Châu không tệ bằng những khu vực khác ở Trung Quốc".
Hai khách du lịch từ Thượng Hải, Song Yi và Yang Yujia, 27 tuổi, đến Bali từ giữa tháng 1 với 8 người bạn.
"Chúng tôi không phải kiểm tra sức khỏe vì chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh trong 20 ngày du lịch tại đây", Song, làm việc trong ngành ngân hàng, cho biết trong khi cô đang mua hàng tại một trung tâm thương mại ở bãi biển Kuta.
Song nói người dân Bali rất tốt với họ nhưng những người bạn Trung Quốc của họ bắt đầu tránh gặp nhau vì sợ virus và họ nhanh chóng tách đoàn.
"Chúng tôi quyết định ở lại Bali thêm vì sợ virus", cô nói. Nhưng sau khi kéo dài thời gian ở lại Bali, họ quyết định cũng phải trở về nhà vào tuần sau.