5 thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2018

17/01/2018 15:32 PM | Xã hội

Lạm phát tổng thể năm 2018 dự kiến trong miền từ 3,5-4%, cao hơn một chút so với mức 3,5% của năm 2017...

Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2018 được Ban Kinh tế Trung ương công bố ngày 16/1 đưa ra các kịch bản chi tiết cho từng lĩnh vực.

Đây là sản phẩm nghiên cứu mang tính khách quan, độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước. Báo cáo này cho rằng, sang năm 2018, để tiếp tục duy trì gia tốc tăng trưởng cao như trong năm 2017 sẽ là thách thức.

5 thách thức lớn cho tăng trưởng

Đó là, tăng trưởng đột biến khu vực chế biến, chế tạo - động lực chính cho tăng trưởng cao của năm 2017 khó có khả năng duy trì khi việc mở rộng sản xuất của Samsung đã được tận dụng trong năm 2017 và chưa có những dự án FDI mới về chế biến, chế tạo quy mô lớn.

Dư địa hạn hẹp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Tốc độ xử lý các tập đoàn kinh tế, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Những hạn chế, yếu kém tiềm ẩn đã tích tụ nhiều năm như bộ máy hành chính cồng kềnh, thủ tục hành chính còn rườm rà, không hợp lý, chi phí phi chính thức trong giao dịch của doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng là một thách thức không thể không kể đến, là điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể làm giảm đáng kể năng lực sản xuất nông nghiệp như đã từng diễn ra trong năm 2016.

Tuy nhiên, trong thách thức, lại thấy nổi lên điểm sáng và nhiều khả năng điểm sáng này sẽ là động lực mới cho tăng trưởng. Đó là, dư địa tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm còn rất lớn. Từ thực tế của năm 2017, tăng trưởng nhóm ngành này ước tính 2,9%, trong đó dẫn đầu là ngành thủy sản (5,5%).

Sự tham gia của các tập đoàn lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đóng góp quan trọng trong gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Đối với lạm phát, theo Ban Kinh tế Trung ương, lạm phát cơ bản có xu hướng tăng lên trong năm 2018, dự kiến trong miền từ 1,5%-1,7%, cao hơn mức 1,4% của năm 2017 do áp lực cầu kéo đang trở nên mạnh mẽ hơn từ việc tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, việc biến động mạnh giá cả các loại hàng hóa và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng (1/1/2018) và tăng lương cơ bản (từ 1/7/2018) có thể đẩy mặt bằng giá cơ bản tăng trong năm 2018.

Lạm phát tổng thể năm 2018 dự kiến trong miền từ 3,5-4%, cao hơn một chút so với mức 3,5% của năm 2017. Như vậy, áp lực lạm phát vượt mục tiêu đề ra (4%) vẫn có trong trường hợp giá dầu tăng mạnh và lạm phát cơ bản tăng vượt mức 2% trong năm 2018, tuy nhiên, xét trên tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong mục tiêu là khả thi.

Triển vọng cán cân thương mại Việt - Trung

Sau nhiều năm "lép vế" trước Trung Quốc về cán cân thương mại, năm 2017 ghi dấu một bước tiến đầy tích cực, mở ra triển vọng lạc quan cho năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2017 đã tăng mạnh 47,1% so với năm trước, tập trung vào nhóm nông sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại với nước này.

Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 11 tháng đã vượt 1 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ, là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Sự tăng trưởng tích cực của xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cho thấy hướng đi mới trong phát triển lĩnh vực nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Kịch bản cho trái phiếu, chứng khoán

Về thị trường trái phiếu năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương dự báo chia làm 3 giai đoạn tương đồng với năm 2017.

Khả năng đảo chiều của lợi suất trái phiếu trong năm 2018 là khó có thể xảy ra, kỳ vọng đi ngang hoặc giảm nhẹ so với năm 2017.

Về thị trường chứng khoán, đến hết năm 2017, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán niêm yết (HSX và HNX) đạt hơn 2,8 triệu tỷ VND, tăng 73% so với cuối năm 2016 và tương đương gần 57% GDP, cao nhất trong lịch sử.

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 2018 vẫn duy trì đà hồi phục từ 2017, đi cùng với đó là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, sự quan tâm của giới đầu tư với thị trường chứng khoán sẽ không bị giảm sút.

Dù vậy, chênh lệch giữa mức tăng trưởng thực của 2017 (6,81%) với mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của 2018 (6,5%-6,7%) rất có thể sẽ là chủ đề khiến thị trường trở nên bi quan hơn nếu có biến cố xảy ra.

Viễn cảnh của thị trường nhà đất

Đánh giá chung của Ban Kinh tế Trung ương trên phạm vi cả nước là giá đất tăng nhanh và bất thường trong năm 2017, một số khu vực đã đạt mức đỉnh điểm như giai đoạn 2010-2011.

Hiện tượng sốt đất do hoạt động đầu cơ đã xảy ra ở nhiều địa điểm, tuy nhiên vẫn mang tính cục bộ, chưa tạo thành một làn sóng mang tính rộng khắp như giai đoạn chu kỳ trước.

Xu hướng tăng giá không bền vững của thị trường nhà đất là một đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính từ thập niên 1990 cho đến nay đã có ít nhất 4 chu kỳ tăng giá và đóng băng của thị trường nhà đất. Chu kỳ tăng giá hiện tại mới được quan sát thực sự rõ ràng trong năm 2017 mặc dù dấu hiệu tăng giá từ mức đáy đã xảy ra trước đó.

Trong giai đoạn này, chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục ở trạng thái nới lỏng, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế để kích thích tăng trưởng. Mức lãi suất vay vốn thấp cùng với tiếp cận tín dụng dễ dàng giúp hoạt động đầu cơ lướt sóng nhà đất trở nên dễ dàng hơn.

Theo Nguyên Mẫn

Cùng chuyên mục
XEM