5 năm thành lập đã lọt top 3 nhà sản xuất dế thế giới, startup Việt Cricket One đã làm gì để chiến thắng các đối thủ ở trời Tây?

08/06/2022 16:00 PM | Kinh doanh

Mặc dù thú nhận là khởi nghiệp nông nghiệp – công nghệ tại Việt Nam nhận được rất nhiều ưu đãi, nhưng theo Co-Founder Cricket One, lợi thế cạnh tranh của startup này trên trường quốc tế không phải là đầu vào rẻ, mà là công nghệ - quy trình sản xuất hiệu quả cộng với khả năng học tập mạnh. Nhờ thế, họ vẫn có thể chiến thắng đối thủ bản địa ở phương Tây khi đi chào hàng.

Co-Founder kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh của Cricket One - Bicky Nguyen
Co-Founder kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh của Cricket One - Bicky Nguyen

Ra đời năm 2016 và chỉ trong hơn 5 năm, Cricket One đã lọt top 3 doanh nghiệp ngành dế của thế giới. Hiện tại, startup này đủ yếu xuất khẩu vào các nước phương Tây, khi 60% doanh thu đến từ Mỹ, 30% đến từ châu Âu và 10% đến từ Nhật Bản.

Với việc Cricket One vừa được cấp phép bán hàng vào toàn châu Âu – là doanh nghiệp thứ 2 trong ngành và doanh nghiệp duy nhất ngoài châu Âu đạt được thành quả này; trong tương lai, cơ hội của họ ở thị trường này rất rộng mở. Hiện sản phẩm của Cricket One đã bán ra 20 nước.

Bắt đầu bán thương mại từ năm 2018, qua nhiều điều chỉnh và cải tiến, hiện tại Cricket One thường xuyên trong tình trạng cháy hàng. Năm 2020, Cricket One đạt điểm hòa vốn và đến 2021 thì bắt đầu có lời. Trong năm 2021, Cricket One chế biến khoảng 120 tấn dế. Năm nay, dự định sản lượng của công ty sẽ gấp 3 lần, nhưng với những gì đã diễn ra trong vài tháng qua, có thể gấp 5 lần.

Vậy tại sao, một startup làm ở ngành hàng rất mới lại đặt trụ sở tại Việt Nam lại có những bước tiến vượt bậc như thế?

5 năm thành lập đã lọt top 3 nhà sản xuất dế thế giới, startup Việt Cricket One đã làm gì để chiến thắng các đối thủ ở trời Tây? - Ảnh 1.

Các sản phẩm snack có sử dụng bột dế của Cricket One.

Bởi, nói như Co-Founder Cricket One - Bicky Nguyễn thì: "Cái khó của ngành sản xuất Việt Nam là bị dán nhãn ‘third country production’ – ‘sản phẩm đến từ nước thứ 3’, tức sản phẩm luôn rẻ nhưng chất lượng không cao. Bởi vậy, khi Cricket One mang bất cứ sản phẩm nào đi chào hàng đều phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn đối thủ gấp 3-4 lần".

Nên để có được ngày hôm nay, team Cricket One đã phải làm rất nhiều thứ: tận dùng sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, bán hàng – mở rộng thị trường thông minh, đầu tư lớn về công nghệ để có quy trình sản xuất tối ưu nhất có thể, tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp.

"Thật ra khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Ngày xưa, Cricket One làm thử nghiệm nuôi từ 6 đến 9 và 12 lứa, chi phí cũng vậy; nhưng nếu ở châu Âu, thì chi phí sẽ cao hơn. Ở Việt Nam thời thế cũng thuận lợi, chính sách Nhà nước rất ủng hộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp xuất khẩu.

Với mình không làm gì sai hết, nên được sự hỗ trợ từ Nhà nước rất nhiều. Khi xin giấy phép xuất khẩu sản phẩm mới như dế, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước cũng sẽ rất khó.

Ngoài ra, vì đất nước mình có lịch sử nông nghiệp lâu đời, cũng rất thuận lợi cho việc Cricket One đi mở nông trại hay kêu gọi bà con tham gia vào hệ thống", chị Bicky Nguyen cho hay.

Tuy nhiên, theo Bicky Nguyen, lợi thế cạnh tranh của Cricket One so với các đối thủ ở các nước phương Tây không phải từ việc đầu vào – như nhân công hay nguyên liệu, rẻ. Vậy nếu sau này nó hết rẻ thì sao? Vậy nên, dù ở đâu thì doanh nghiệp vẫn nên cạnh tranh bằng nội lực.

5 năm thành lập đã lọt top 3 nhà sản xuất dế thế giới, startup Việt Cricket One đã làm gì để chiến thắng các đối thủ ở trời Tây? - Ảnh 2.

"Kể từ khi thành lập đến nay, Cricket One chắc cũng phải đầu tư triệu đô! Mình làm nhiều với khách hàng khó tính, thì phải có tiêu chuẩn cao mà muốn đạt các tiêu chuẩn cao thì cơ sở sản xuất của mình phải có những đầu tư nhất định; như hệ thống máy móc hiện đại, đèn điện sáng sủa, nền cũng phải sạch sẽ…

Để sản xuất nguyên liệu bột dế chất lượng cao, Cricket One phải mua sắm máy móc phải hiện đại chứ không thể lạc hậu được.

Ngược lại, muốn ‘nguyên liệu đầu vào sao đầu ra vậy’, thì chuồng trại cũng phải đàng hoàng và quy mô lớn. Muốn cạnh tranh được với toàn cầu thì phải có nguồn lực vững chắc.

Nói chung, muốn có một chuỗi từ nuôi trồng – chế biến – ra sản phẩm có thể sờ mó được, thì đầu tư không thể nhẹ", Giám đốc Phát triển kinh doanh của Cricket One khẳng định.

Nhờ đầu tư bài bản và không ngừng điều chỉnh, Cricket One đang cho ra hiệu quả cao nhất trong ngành. Cụ thể: startup này đang có vòng đời nuôi ngắn nhất, lượng thức ăn đầu vào hiệu quả nhất – ví dụ như cùng một lượng thức ăn đầu vào thì Cricket One cho ra lượng dế cao nhất, lượng năng lượng/nước mà họ dùng cũng rất hiệu quả - thậm chí là không đáng kể.

Ở các công ty nước ngoài như ở châu Âu, quy trình nuôi của họ trong khoảng 70 ngày, thậm chí kéo dài 3 tháng đến 4 tháng, còn Cricket One thì tối đa 45 ngày.

Đã có nhiều báo đài chuyên ngành cho rằng, chính Cricket One là người đứng ra đặt tiêu chuẩn cho ngành dế. Ví dụ để được gọi là đạm dế thì độ đạm phải bao nhiêu phần trăm, để được gọi là bột dế thì độ ẩm phải bao nhiêu phần trăm – tối thiểu và tối đa, kích thước hạt bột là bao nhiêu…; những cái đó Cricket One đều phải chuẩn hóa.

5 năm thành lập đã lọt top 3 nhà sản xuất dế thế giới, startup Việt Cricket One đã làm gì để chiến thắng các đối thủ ở trời Tây? - Ảnh 3.

Nhà máy của Cricket One ở Bình Phước.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, mới đây anh Đặng Cao Nam – Co-Founder kiêm CEO của Cricket One, nói chi tiết hơn: Theo anh Nam tính toán, mỗi kg thịt dế tăng trọng chỉ tốn 2kg thức ăn chuyên dùng, với giá 12.000 đồng/kg. Người chăn nuôi dế có thể tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp trong vườn để phục vụ chăn nuôi.

Chi phí chăn nuôi dế của khá thấp, khoảng dưới 20.000 đồng/kg. Mức giá mà công ty thu mua vào cho nông dân hiện nay là 50.000 đồng/kg. Những nông dân Bình Phước liên kết chăn nuôi có thể thu lợi 30.000 đồng/kg; chưa trừ chi phí công lao động. "Đây vẫn là mức thu nhập khá đối với nông dân", anh Nam cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo anh, để chăn nuôi dế thành công và đạt được mức lợi nhuận này thì việc đầu tư công nghệ lẫn kỹ thuật là quan trọng nhất.

Về phần marketing – sale, dù từng đi du học Hà Lan vài năm và rất thông thạo tiếng Anh, song theo quan điểm của Bicky, khi đi mở rộng thị trường, thì kết đôi với một đối tác bản xứ vẫn tốt hơn là tự làm.

"Bản thân tôi với Nam chia công việc rất rõ, tôi là front office và Nam back office. Về sản xuất dế không ai bằng Nam và về tìm hiểu thị trường – bán sản phẩm là chuyện của Bicky. Tất nhiên, không ai bán sản phẩm của mình tốt bằng chính bản thân mình.

Nhưng mà, nếu mình có 1 đối tác ở nước ngoài – người ta làm tốt, cùng chí hướng và người ta có năng lực; đó là kênh tốt để mình phát triển thị trường. Mình không thể ngồi ở Việt Nam và đi bán hàng khắp thế giới được! Cho dù bản thân mình nói ngôn ngữ của người ta nhuần nhuyễn – lưu loát như thế nào, mình không thể hiểu 100% văn hóa của họ. Nên có một đối tác bản địa vẫn tốt hơn.

Ví dụ: Cricket One qua Mỹ bán hàng đi, tôi nói tiếng Anh người ta vẫn nói tiếng Anh; nhưng điều đó không đồng nghĩa với tất cả những vấn đề khó khăn đều được giải quyết.

Cricket One hiện có đối tác bên Mỹ, chúng tôi sẽ làm việc như một team thống nhất, thì đi thuyết phục khách hàng sẽ dễ hơn. Ngoài tiết kiệm chi phí, đối tác bản địa cũng sẽ hiểu thị trường rõ hơn mình. Mình có thể xem đối tác là ‘tai mắt’ của mình, giúp việc thị trường nhanh chóng và tiết kiệm hơn rất nhiều", Bicky khẳng định.

5 năm thành lập đã lọt top 3 nhà sản xuất dế thế giới, startup Việt Cricket One đã làm gì để chiến thắng các đối thủ ở trời Tây? - Ảnh 4.

Cricket One lên ngôi vô địch Blue Award năm 2019.

Cuối cùng, khi đi chào hàng, dù có cạnh tranh với các đối thủ bản địa, Cricket One vẫn không bị lép vế ở khâu logistic.

Kể cả trong Covid-19, khi ngành logistic ở thế giới bị tê liệt, cũng không ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của Cricket One. Đầu tiên bởi số lượng hàng họ xuất chưa nhiều và hàng lại thuộc lại giá trị cao. Và thay vì ai đặt bao nhiêu thì gửi từ Việt Nam sang, startup này thường gửi 1 lần với số lượng lớn, sau đó lưu kho của đối tác hoặc tự thuê, để khi khách hàng cần là có hàng ngay và giảm chi phí logistic.

Để startup vẫn tiếp tục sống sót trong các năm đầu tiên mà không phải đi gọi vốn và chấp nhận ‘bán lúa non’, Cricket One đã rất tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, từ trong nước đến quốc tế. Ngoài mở rộng mối quan hệ, tận dụng sự hỗ trợ về mặt chuyên môn – kỹ thuật của hệ sinh thái khởi nghiệp, còn là để có thêm nguồn tài chính nhằm đầu tư nhà máy - công nghệ.

Năm 2018, tham gia Chương trình doanh nhân xã hội trẻ (YSE) do Quỹ quốc tế Singapore (SIF) tổ chức, Cricket One là một trong 7 mô hình doanh nghiệp xã hội may mắn giành giải thưởng và gọi vốn thành công trong vòng chung kết. Cũng trong năm này, họ đoạt giải nhất Chương trình thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong (MATCH) do Chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Năm 2019, Cricket One thắng giải Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và vô địch Blue Award Vietnam; năm 2020, họ là quán quân Vietchallenge, nhận giải thưởng 15.000 USD.

Nhờ thế, dù đã bước qua năm thứ 6 và bắt đầu có lời, Cricket One mới đang tiến hành gọi vốn vòng Series A.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM