5 kiểu mở đầu email mà nhân viên hay sếp cũng nên tránh, nếu không muốn bị đối tác và đồng nghiệp chê cười

07/08/2021 17:09 PM | Kinh doanh

Nếu là một doanh nhân bạn sẽ phải thường xuyên gửi email, hãy đảm bảo rằng bạn có mở đầu ấn tượng nếu muốn nhận được nhiều phản hồi.

Trong quá trình tiếp cận và làm việc với khách hàng thì việc gửi email qua lại là điều khó tránh khỏi. Gửi email cho khách hàng cũ đã khó, viết email cho những khách hàng mới lại càng khó hơn. Để tiếp cận những khách hàng tiềm năng mới các doanh nhân thường sử dụng "Cold email". Đó là những email mà bạn gửi tới những người chưa từng gặp với mong muốn nhận được những phản hồi tích cực. Ngoài các khách hàng tiềm năng, bạn có thể gửi "Cold email" tới những nhà đầu tư, đối tác, nhân viên hoặc bất cứ ai quan trọng với quá trình khởi nghiệp của công ty bạn.

Mặc dù nội dung của "Cold email" rất quan trọng nhưng đa số các doanh nhân đều không biết viết email đúng cách. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục email của các doanh nhân với mong muốn nhận được lời khuyên, mời đầu tư hay quảng cáo bán hàng và nhiều thứ khác. Họ gửi tới những email quá tệ, thậm chí phạm sai lầm ngay từ phần mở đầu.

Cá nhân tôi là một người dạy về kinh doanh nên không bận tâm về điều đó. Thực ra tôi không mong đợi sự hoàn hảo từ tất cả các doanh nhân, nếu quá mong đợi thì tôi nghĩ mình sẽ không có việc làm mất. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy không hài lòng với những email như thế. Nếu họ gửi cho tôi một email tệ thì chứng tỏ họ cũng gửi chúng cho người quan trọng hơn, chẳng hạn như những email bán hàng và gây quỹ.

May mắn là việc sửa lại các "Cold email" này tương đối dễ. Thực tế bạn có thể giải quyết vấn đề ngay từ những lời mở đầu. Khoảng 10 từ đầu tiên chính là sự khác biệt rõ ràng giữa một email tốt và một email tệ. Bởi vì hầu hết khách hàng sẽ xem những từ đầu tiên trước khi họ mở email và trả lời. Nếu phần xem trước này ấn tượng, người đọc sẽ muốn đọc những phần phía sau nhưng nếu nó tệ thì email đó có thể sẽ bị xóa trước khi được mở ra.

Là một doanh nhân, bạn không thể để người khác xóa mất email của mình. Để tránh được những lỗi cơ bản, dưới đây là danh sách 5 kiểu email tệ nhất tôi thường xuyên nhận được:

#1: Giới thiệu thông tin cá nhân

Ví dụ: "Chào Aaron! Tôi tên là…"

Nếu điều đầu tiên bạn làm là giới thiệu bản thân, tôi sẽ ngay lập tức nhận ra rằng mình không quen biết bạn. Khi tôi không quen biết bạn, tôi chắc chắn 2 điều: 1) Bạn là một người lạ đang cố gắng hỏi tôi điều gì đó và 2) Nếu tôi không trả lời cũng chẳng sao cả.

Để dễ hiểu hơn tôi sẽ lấy một ví dụ, giả sử tôi nhận được một email từ vợ mình. Cô ấy luôn muốn hỏi tôi điều gì đó và nếu tôi không trả lời cô ấy thì tôi sẽ phải nhận hậu quả, vì vậy tôi luôn đọc email cô ấy gửi.

Nói cách khác, nếu bạn giới thiệu bản thân ngay từ đầu, bạn đang tạo cho tôi một cái cớ để không cần đọc email của bạn.

#2: Giới thiệu bằng những lời chúc thừa thãi

Ví dụ: "Xin chào Aaron! Tôi hy vọng anh vẫn khỏe"

Bạn có thật sự muốn tôi khỏe không? Nếu một người gửi email cho tôi với mong muốn tôi đau khổ thì tôi sẽ không trả lời họ. Vì vậy, tôi cho rằng những người muốn tôi trả lời sẽ gửi lời chúc tốt đẹp tới tôi. Nếu như bạn không thực sự muốn điều đó, tôi nghĩ bạn nên giữ nó cho riêng mình.

Hay nói cách khác, bạn đừng nên lãng phí thời gian cho những điều vô bổ. Nó không hiệu quả.

#3: Giới thiệu bằng những câu chào vụng về

Ví dụ: "Hy vọng anh có một kỳ nghỉ tuyệt vời!" hay "Hy vọng anh có một ngày tuyệt vời!"

Khi mọi người gặp nhau lần đầu, họ thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi thông thường để xây dựng mối quan hệ.

Ví dụ, khi gặp tôi bạn có thể nói "Hôm nay trời đẹp đúng không?" và tôi sẽ trả lời "Đúng vậy, hôm nay thật mát lạnh và thoải mái". Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi về những điều vô nghĩa cho đến khi cả hai thoải mái để bắt đầu công việc.

Đừng làm điều tương tự với những "Cold email". Khi bạn gửi những câu hỏi này tới những người không quen biết, nó có thể khiến bạn khó chịu. Đừng thể hiện sự không thoải mái của bạn qua những dòng giới thiệu vụng về trong email như cách bạn nói chuyện với ai đó trong thang máy. Thay vào đó hãy gửi một email nói về những vấn đề có ý nghĩa trong kinh doanh.

#4 Giới thiệu bằng cách ghi chú

"Tôi sẽ nói ngắn gọn như sau...".

Đây là cách giới thiệu mà tôi đặc biệt không thích. Những người mở đầu một email bằng việc ghi chú rằng họ sẽ trình bày ngắn gọn vì họ hiểu mình đang làm tốn thời gian của một người lạ. Họ hiểu rằng việc nói dài dòng sẽ là một vấn đề. Ai sẽ bỏ thời gian để trả lời một email dài 2000 từ cơ chứ?

Tuy nhiên, thật kỳ lạ là chính một người hiểu lý do nên viết email ngắn gọn lại đang lãng phí thời gian để thừa nhận mình đang làm tốn thời gian của đối phương. Bạn không cần làm vậy. Hãy vào vấn đề chính một cách nhanh chóng và rõ ràng nhất có thể. Người nhận email sẽ đánh giá cao những thông điệp ngắn gọn của bạn trong khi bạn không cần thông báo trước cho họ.

#5: Giới thiệu kèm lời nhắc nhở

"Hãy xem lại email trước của tôi ở phần hộp thư đến của bạn".

Đôi khi người ta không trả lời những "Cold email" của bạn, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Khi bạn muốn trao đổi với một người nào đó, việc gửi nhiều email đến họ là điều hợp lý. Nhưng đừng bắt đầu những email tiếp theo bằng những lời nhắc nhở rằng họ đã bỏ qua những email trước của bạn.

Khi bạn mở đầu bằng việc nhắc nhở đó, họ sẽ nhớ lại lý do tại sao bỏ qua email trước đó của bạn. Đừng làm điều sai lầm này, thay vào đó hãy viết những email mới bằng cách nói những điều hay ho hơn so với email cũ.

Mai Lâm

Từ khóa:  email , mở đầu
Cùng chuyên mục
XEM