5 giai đoạn của đam mê, đa phần chúng ta bỏ lửng giữa chừng ở giai đoạn 3
Mỗi khi theo đuổi một đam mê, bạn sẽ phải vật lộn đấu tranh với cuộc chiến diễn ra trong chính tâm trí mình, người theo đuổi được đam mê đến cùng là người biết gạt bỏ những thứ tiêu cực, tập trung làm những điều mình mong muốn.
Tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình và dành toàn bộ thời gian mà tôi đang sống để nỗ lực theo đuổi đam mê, thay vì sợ hãi hay nghi ngờ.
Cũng giống như tất cả mọi người, tôi đặt ra cho mình những mục tiêu. Mục tiêu là cái tôi muốn và cần phải đạt được. Mục tiêu là thứ khiến tôi nỗ lực không ngừng nghỉ mỗi ngày. Khi trưởng thành, mục tiêu với tôi không còn là những giấc mơ nữa. Tôi nhận thấy bản thân mình không còn MUỐN mục tiêu xảy ra, tôi cần chúng BẮT BUỘC phải xảy ra và tôi không có một lựa chọn thay thế nào khác.
Tôi thiết lập dự định để làm những thứ mà tôi muốn đạt được. Tôi muốn có được sự tự do. Tự do nghĩa là làm việc ở nơi bạn muốn và khi nào bạn thích. Tôi muốn được đi du lịch và khám phá thế giới. Tôi muốn có sự ổn định về tài chính.
Tôi đã chán ngấy cảnh “ngắc ngoải” ngồi chờ phiếu lương hàng tháng. Tôi cũng phát ốm khi phải “vật lộn” với những khoản chi phí tăng lên hàng tháng. Tôi muốn giúp đỡ mọi người. Tôi muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa và đam mê.
Giai đoạn 1: Nhận ra
Năm ngoái, tôi bắt đầu nhận ra rằng bản thân có nhiều mục tiêu quan trọng hơn cần đạt được trong cuộc sống. Khi đó tôi đang có một công việc ổn định, có địa vị xã hội, có sức khỏe và sống rất tốt. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy có một cái gì đó trống rỗng trong con người mình. Thậm chí ngay cả khi tôi có một công việc trong mơ, một căn hộ đẹp, và rất nhiều cô gái vây quanh, tôi vẫn cảm thấy mình thiếu một cái gì đó. Và tôi gọi tên nó là đam mê.
Tôi không còn đam mê trở thành nhân viên xuất sắc nhất công ty. Tôi cũng không còn đam mê dành toàn bộ thời gian của mình để biến giấc mơ của ai đó thành hiện thực. Tôi bắt đầu cảm thấy khó khăn khi ngày nào cũng cố bước ra khỏi giường và lặp lại những công việc giống nhau. Tại sao tôi phải bó buộc bản thân vào một công việc nhàm chán suốt cuộc đời? Tại sao tôi phải “tự làm khổ mình” khi ra khỏi giường mỗi sáng để kiếm tiền trả cho các loại hóa đơn?
Tôi nghĩ đã đến lúc bản thân cần phải thay đổi. Đã đến lúc tôi nên biết mình thực sự muốn gì và cố gắng đạt được điều đó.
Giai đoạn 2: Theo đuổi
Đã 8 tháng kể từ ngày tôi quyết định trở thành một blogger. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã phải xoay sở để sắp xếp một công việc toàn thời gian, tập luyện cho một cuộc thi thể hình, lập một kênh YouTube, bắt đầu công việc kinh doanh riêng, viết bài cho những trang web truyền cảm hứng lớn nhất thế giới và duy trì cuộc sống thường ngày. Những việc này nghe thì có vẻ rất to tát, nhưng trên thực tế chúng diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín.
Không lâu trước đó, tôi từng bị “ám ảnh” bởi tiếng chuông đồng hồ báo thức lúc 7 giờ mỗi sáng. Nhưng giờ đây, thức dậy từ 4 giờ sáng, đi tập gym để giữ thân hình săn chắc, làm việc chăm chỉ để công việc kinh doanh thuận lợi, viết bài thật hay và đăng tải nhiều thông tin hữu ích lên YouTube... đều trở nên quen thuộc với tôi. Tôi cảm thấy như cả vũ trụ đang mỉm cười với mình và tôi hào hứng làm mọi thứ không một ý nghĩ tiêu cực hay phút giây trì hoãn nào. Tôi làm những điều mình có thế mạnh và mong muốn đạt được.
Tôi không còn quan tâm việc phải thức dậy từ 4 giờ mỗi sáng để đi tập thể dục. Tôi cũng không quan tâm những cuộc gọi điện với khách hàng xuyên bữa trưa. Tôi không để ý việc mình phải thức muộn mỗi đêm để viết bài, làm video hay lên kế hoạch cho việc kinh doanh. Mọi thứ tự động theo một dòng chảy và tôi luôn hào hứng khi rời khỏi giường mỗi ngày. Tôi dành thời gian cho những người mà mình yêu quý. Tôi từ chối gặp những người tiêu cực hoặc người hay bàn lùi. Tôi nhìn thấy mặt tích cực trong mọi vấn đề.
Giai đoạn 3: Gặp cản trở
Đến một ngày, tôi gặp cản trở khi nghi ngờ đam mê của chính mình. Dòng chảy của những suy nghĩ tích cực dừng lại và tôi mơ hồ về mọi thứ. Thức dậy từ 4 giờ sáng không còn là việc khó khăn, cố gắng vươn lên trở thành nhân viên xuất sắc cũng rất đơn giản, nhưng tại sao tôi lại cảm thấy chán nản với những bài viết và công việc kinh doanh riêng của mình? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Mọi thứ đều rất dễ để bắt đầu, nhưng vì sao duy trì chúng lại khó khăn đến vậy?
Tôi đã cố phân tích và nhận ra rằng thứ duy nhất thay đổi chính là suy nghĩ của tôi. Tôi có một người bạn đang gặp chuyện buồn và cô ấy cần sự an ủi của tôi. Nhưng dù đã cố gắng hết sức, tôi vẫn không thể có mặt mọi lúc cô ấy cần. Tôi bắt đầu cảm giác mình không có đủ thời gian cho bạn bè khi họ cần mình. Tôi cảm thấy bản thân trở nên thất bại và không còn dẫn đầu như vẫn nghĩ.
Tôi bị kiệt sức, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thức dậy từ 4 giờ sáng bỗng trở thành nỗi sợ hãi đối với tôi. Thành công trong công việc và cố gắng kết nối với mọi người cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tôi không còn cảm nhận được một chút năng lượng hay thời gian nào để theo đuổi mục tiêu nữa. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu những nỗ lực của mình có thực sự đáng giá? Tôi có thể đạt được mục tiêu hay không và nếu đạt được, tôi sẽ phải trả giá những gì? Nếu tôi bỏ qua bạn bè để theo đuổi mục tiêu, tôi có còn là chính mình hay không?
Giai đoạn 4: Thay đổi suy nghĩ
Tôi hâm mộ Tony Robbins và bắt đầu xem những video của ông ấy hàng ngày. Tôi muốn khích lệ bản thân và tôi biết mình cần sự hỗ trợ. Tôi cần thay đổi suy nghĩ. Thay vì tìm kiếm sự thỏa mãn khi từ bỏ công việc toàn thời gian hiện nay, tôi cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực rằng đó là công cụ giúp tôi trả tiền thuê căn hộ rộng rãi hàng tháng và cũng là công cụ nuôi sống bản thân tôi trên con đường thực hiện ước mơ.
Tôi không còn coi việc dậy sớm như một nhiệm vụ nữa, tôi nhận ra mình có thêm thời gian rảnh rỗi để check email hoặc lập kế hoạch cho ngày mới sau giờ tập gym. Thay vì ám ảnh với ý nghĩ bỏ rơi bạn bè, tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể cho đi những thứ trong khả năng. Tôi cũng chỉ là con người và tôi không thể trao toàn bộ thời gian và năng lượng của mình cho người khác khi chưa dành đủ những thứ đó cho bản thân mình.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể giúp đỡ người khác nếu chưa thể giúp chính bản thân mình. Mỗi người có một con đường riêng để đi và trên con đường ấy, bạn phải xác định điều gì là quan trọng nhất với mình. Chỉ cần bạn không từ bỏ những người thân yêu, họ vẫn là chốn bình yêu để bạn trở về, bất kể bạn gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống.
Giai đoạn 5: Cuộc chiến của đam mê
Khi theo đuổi đam mê, bạn sẽ luôn phải trải qua những cuộc chiến trong chính con người mình. Liệu mình có đủ giỏi để thành công? Liệu mình có thể đạt được mọi thứ mà mình muốn? Và khi những tranh cãi này nổ ra, tôi biết rằng bản thân sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn sau những cuộc chiến.
Rút cuộc, chúng ta đều là con người và đều có những nỗi sợ, mối nghi ngờ. Nhưng tôi quyết định sẽ không lắng nghe “tiếng nói” của nỗi sợ và sự nghi ngờ. Sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp đến từ sự nghi ngờ cả. Tôi lựa chọn không lắng nghe nghi ngờ, bởi nếu lắng nghe, tôi sẽ không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu và tôi sẽ phải hối tiếc trong suốt phần đời còn lại.
Tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình và dành toàn bộ thời gian mà tôi đang sống để nỗ lực theo đuổi đam mê, thay vì sợ hãi hay nghi ngờ.