5 chân lý tiêu tiền khôn ngoan chưa bao giờ lỗi thời trong nghịch cảnh: Dù là suy thoái hay dịch bệnh đều có thể dễ dàng vượt qua
Các chuyên gia tài chính đã chia sẻ một số lời khuyên về cách bảo vệ tài chính cá nhân trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này, bằng cách đánh giá lại ngân quỹ cũng như lên kế hoạch về lâu về dài.
Sự bất ổn về kinh tế chưa bao giờ lại cao như lúc này vì đại dịch Covid-19. Các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu, hàng triệu công nhân bị sa thải, nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Điều này đã khiến cho nhiều hộ gia đình đau đầu vì chuyện nên làm gì với tiền lúc này.
Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về cách sử dụng tiền khôn ngoan để đối đầu với cơn bão khủng hoảng lúc này.
Nhìn vào quỹ dự phòng khẩn cấp
Nếu đã có quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn nên đặt mục tiêu tích lũy một số tiền lớn đủ để chi tiêu cho gia đình trong 3-8 tháng. Khoản này chỉ cần đủ cho bạn có thể trang trải qua ngày, không phải để bạn chi tiêu cho những thứ không cần thiết.
Nếu vẫn chưa lập quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn nên mở một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao để có thể thu về nhiều tiền nhất có thể từ khoản ban đầu của mình.
Bạn có nhiều thì tiết kiệm nhiều, có ít thì tiết kiệm ít. Kể cả khi bạn chỉ tiết kiệm được 230.000 đồng/tuần, nó cũng có thể trở thành một khoản đáng kể về lâu về dài.
Hãy nghĩ lâu dài về các khoản đầu tư khác
Nếu đã sớm có quỹ hữu trí, bạn đừng bao giờ động số tiền đó. Nếu còn rất lâu nữa mới đến tuổi về hưu, bạn hoàn toàn có cơ hội lấy lại những gì đã mất trong đại dịch này trong nhiều năm sau đó.
Nếu bạn thường xuyên đóng quỹ hưu trí nhưng cần tăng thêm số tiền trong quỹ dự phòng khẩn cấp của mình, hãy nghĩ tới việc cắt giảm số tiền đóng góp một cách vừa đủ sao cho vẫn nhận được phần tiền hỗ trợ từ công ty. Nếu được hỗ trợ, bạn hãy giữ khoản này dưới dạng tiền mặt. Theo Kimberly Palmer - chuyên gia tài chính của NerdWallet, bạn nên tiếp tục duy trì các khoản đầu tư nếu có thể.
“Đây không phải là thời điểm thích hợp để thay đổi, trừ khi đó là biện pháp cuối cùng”, cô cảnh báo.
Biết mình nợ bao nhiêu và lập kế hoạch trả nợ
Hãy cộng lại tất cả các khoản nợ bạn có và lên kế hoạch để trả hết số tiền này. Nếu bạn đang nợ thẻ tín dụng với lãi suất cao, Palmer khuyên bạn nên gọi điện cho các tổ chức thẻ tín dụng. “Các tổ chức thẻ tín dụng đang có những chính sách rộng lượng hơn và cho phép miễn giảm lãi suất”, Palmer giải thích.
Nếu không thể trả hết nợ cũ, bạn phải làm mọi thứ để ngăn bản thân mình dính thêm nợ mới. Hãy sử dụng chiến lược “chỉ dùng tiền mặt”, nhờ vậy bạn sẽ khó có thể nợ nần thêm tiền.
Đánh giá lại ngân quỹ của mình
Theo Amanda Clayman - một chuyên gia trị liệu tài chính, kiêm người ủng hộ chiến lược sức khỏe tài chính của Prudential - cho biết, việc phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy tiền bạc của bạn.
“Khi đang ở trong khủng hoảng, tình hình có thể thay đổi mỗi ngày. Điều này có thể làm giảm khả năng dự đoán và lên kế hoạch của chúng ta”, cô giải thích.
“Giờ đây, khi dịch Covid-19 khiến lối sống của con người thay đổi, chúng ta phải tiêu tiền cũng như kiếm tiền theo các khác với cuộc sống thường ngày”.
Hãy nhìn vào mức độ chi tiêu của bạn trong thời điểm hiện tại và tái phân bổ ngân quỹ cho từng mục. Bạn sẽ không đi bar hay đi làm móng trong thời điểm này, mà sẽ dành nhiều thời gian để tới cửa hàng thực phẩm hơn. Do đó, hãy tạo một kế hoạch ngân sách mới để phù hợp với những thay đổi của hoàn cảnh hiện tại.
Hít một hơi thật sâu
Lúc này đây, chúng ta sẽ cảm tưởng như thế giới xung quanh đang sụp đổ dần xung quanh mình. Thế nhưng, kể cả điều này rồi cũng sẽ qua đi. Bạn nên đối xử nhẹ nhàng với bản thân hơn trong thời gian này. Clayman gợi ý rằng, nếu đang cảm thấy quá đỗi lo lắng về tình hình tài chính của mình, bạn hãy biến những suy nghĩ lo lắng này thành một hành động nào đó không chỉ giúp ích cho mình mà còn cho người khác.
“Khi chúng ta khuyến khích mình cho đi, điều này sẽ kích hoạt cảm giác dư dả trong lòng, nhờ vậy mà chúng ta sẽ không thấy bản thân đang ở trong tình trạng khó khăn và thiếu thốn quá mức”, cô nói.
(Theo NBC News)