5 ảo thuật gia 'sinh nghề tử nghiệp' gây ám ảnh: Người bị khán giả đấm chết, kẻ bị chính mánh khoé của mình đoạt mạng
Trong những màn ảo thuật nguy hiểm như phim kinh dị, chỉ 1 sai sót nhỏ cũng phải trả giá bằng tính mạng.
Hai ảo thuật gia dính đạn trong màn biểu diễn bắn súng, hai người không kịp thoát khỏi đạo cụ vây kín họ và một huyền thoại qua đời ở tuổi 52 do những cú đấm nghiệt ngã trong cánh gà... Dù bao năm qua đi, 5 màn ảo thuật dưới đây vẫn khiến người ta rùng mình: sai một ly, đi một mạng người!
1. Bà DeLinsky với màn "dùng răng bắt đạn" (1820)
Năm 1820, ảo thuật gia DeLinsky đến từ Ba Lan đã chứng kiến đồng nghiệp đồng thời là vợ mình - Madame DeLinsky - tử nạn trên sân khấu khi biểu diễn cho Hoàng tử Đức.
Bà DeLinsky đã yêu cầu 6 người lính thực thụ bắn đạn về phía mình để trổ tài "bắt" được viên đạn.
(Ảnh minh họa: Pinterest)
Thời ấy đạn được gói bằng giấy. Trước khi bắn người ta sẽ xé nhanh phần giấy bỏ đi. Lợi dụng điều ấy, ảo thuật gia bí mật yêu cầu những anh lính lấy cả viên đạn ra khỏi nòng súng, trong khi bà DeLinsky giữ sẵn những viên đạn khác trong người để "khoe" với khán giả.
Có ai ngờ vì quá bối rối, một người lính đã thao tác như bình thường - tức là chỉ xé bỏ phần giấy. Còn viên đạn thì lao tới ghim vào bụng DeLinsky khiến bà qua đời 2 ngày sau đó.
2. Chung Ling Soo với màn "đạn bắn không chết" (1918)
Ảo thuật gia William Ellsworth Robinson trình diễn vào đầu thế kỉ 20 dưới tên "Chung Ling Soo". Dưới nhiều khía cạnh có thể coi ông ta là một tay bịp bợm. Robinson lớn lên ở New York (Mỹ), gia đình có nguồn gốc Scotland nhưng thích ăn vận như người Trung Quốc và chuyên nhại tiếng Trung (nhưng vô nghĩa) trên sàn diễn. Cái tên Chung Ling Soo cũng là "vay mượn" là một ảo thuật gia Trung Hoa.
Ling Soo nổi tiếng với màn ảo thuật bắn đạn vào người. Mánh khóe của ông là khẩu súng luôn có nòng thứ 2 bí mật. Khán giả được cho xem một khẩu súng có đạn, nhưng khi bắn ra thì sẽ chuyển sang "chế độ" nòng trống.
Mọi màn biểu diễn đều rất thuận lợi cho đến ngày 23/3/1918, khi Ling Soo quên vệ sinh sạch sẽ khẩu súng. Thuốc súng tích tụ khiến cả 2 nòng thi nhau bắn ra. Một viên đạn găm vào ngực của ảo thuật gia.
Trước khi viên đạn lao tới, lần đầu tiên Chung Ling Soo không nói tiếng Trung Quốc trên sân khấu mà là tiếng Anh rành rọt: "Ôi trời ơi, điều gì đang xảy ra? Hãy khép màn lại".
3. Huyền thoại Harry Houdini bị fan hâm mộ đấm chết (1926)
Harry Houdini là một người Mỹ gốc Hungary nổi tiếng với sự nghiệp ảo thuật trốn thoát, nhào lộn, diễn viên và nhà sản xuất phim về các màn trốn thoát giật gân của mình. Ông được xem là 1 trong những ảo thuật gia vĩ đại nhất mọi thời nhưng có cái chết đau đớn, nhiều uẩn khúc.
Đó là khi Houdini 52 tuổi, ngồi nghỉ mệt trong cánh gà, một nam sinh viên tiếp cận và hỏi liệu ảo thuật gia có thể gồng mình để chịu bất kì cú đấm nào hay không. Dứt lời, người nọ tung 3 đấm như trời giáng vào bụng của Houdini - vốn bị bệnh đường ruột và đang chấn thương mắt cá chân.
Houdini dừng kẻ quá khích lại, nói rằng nếu không bị thương ở mắt cá, ông có thể chuẩn bị một tư thế phòng thủ tốt hơn cho những cú đấm "sấm sét" đầy bất ngờ.
Những ngày sau đó, Houdini đau đớn, sốt cao nhưng vẫn quyết tâm biểu diễn. Đến hôm 31/10/1926, bốn ngày sau sự cố ở cánh gà, vị ảo thuật gia đại tài qua đời với nguyên nhân tử vong là viêm phúc mạc. Trước đó ông từng nói: "Tôi đã quá mệt với việc phải chiến đấu".
4. Genesta thật sự "mắc kẹt trong bình sữa" (1930)
Những thập niên đầu thế kỉ 20, trốn thoát khỏi bình đựng sữa cỡ lớn được cho là màn ảo thuật nổi tiếng và nguy hiểm nhất.
Chiếc bình về cơ bản là một không gian kín được khóa chặt trên nắp. Người biểu diễn sẽ bước vào trong rồi phụ tá đổ đầy nước. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, người biểu diễn phải tìm được cách phá khóa và chui ra khỏi chiếc bình nếu không muốn chết ngạt.
Mánh khóe của trò biểu diễn này nằm ở những chốt khóa đặc biệt trên nắp, bình được thiết kế để chỉ cần gạt ra chứ không cần mở khóa. Thế nhưng đen đủi cho Royden Genesta khi thực hiện màn ảo thuật này vào năm 1930. Đó là vì chiếc bình sữa từng bị rơi trong lúc vận chuyển, làm gãy một lẫy khóa.
(Ảnh minh họa: Pinterst)
Các phụ tá của Genesta không biết nên cứ đổ nước vào. Ít lâu sau, khán giả gào lên khi nghe tiếng nhà ảo thuật đập vào thành bình từ bên trong. Trong số đó có vợ của Genesta ngồi dưới hàng ghế khán giả. Điều này chỉ tổ khiến mọi người phân tâm và việc ứng cứu trễ thêm vài giây.
Khi được đưa ra, Genesta đã ngất đi, ông có tỉnh lại 1 lần và biết rằng màn trình diễn đã thất bại, sau đó qua đời.
5. Joseph Burrus với màn "thoát khỏi cỗ quan tài" (1990)
Joseph Burrus (hay Joe Burrus/ Amazing Joe) tự xưng là "ảo thuật gia Harry Houdini đời tiếp theo". Cuối cùng, cả hai đều mất vào dịp Halloween.
Ngày 31/10/1990, Joseph bước vào quan tài để thực hiện màn trốn thoát khét tiếng. Ông vốn là một kẻ nghiện thuốc và lấy nghiệp ảo thuật để quên đi những cơn nghiện dai dẳng.
Hôm ấy không phải là lần đầu tiên Joseph liều mạng với màn "thoát khỏi cỗ quan" - nhưng lần đầu tiên có thêm xi măng ướt trong tiết mục. Joseph nằm trong quan tài nhựa và thủy tinh, tay bị trói. Ông phải tìm cách thoát khỏi dây xích và cả quan tài, trong khi lớp bụi và xi măng sẽ giúp làm khán giả phân tâm.
Khi chuẩn bị biểu diễn, Joseph đột nhiên nhảy ra và yêu cầu sửa lại dây trói cho mình vì nó quá chặt. Mà lẽ ra, ông không nên bước vào chiếc quan tài ấy thêm lần nào nữa.
Một màn biểu diễn thoát khỏi quan tài thủy tinh (nguồn: YouTube)
Bởi vì khi xe tải đang đổ xi măng ướt xuống hố theo kế hoạch, khối lượng quá nặng khiến khán giả nghe một tiếng "rắc". Chiếc quan tài thủy tinh vỡ nát, toàn bộ khối đất và xi măng ập xuống, đè nặng lên nhà ảo thuật. Joseph đã tắt thở khi đội cứu hộ đưa ông trở lên.
(Nguồn: Howstuffworks, Tổng hợp)