4 tháng cuối năm, dân đầu tư chứng khoán nên 'bỏ tiền' vào ngành nào thì sẽ có một cái Tết ấm no?

20/08/2021 16:52 PM | Kinh doanh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, có những ngành chịu ảnh hưởng như bán lẻ, sản xuất phụ thuộc chuỗi cung ứng, ngân hàng nhưng cũng có những ngành hưởng lợi như vận tải biển.

Trên thị trường cổ phiếu, các chỉ số liên tiếp lập đỉnh cao mới, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.” Thông tin trên được ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại Hội nghị Công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 vào ngày 9/7.

Thị trường liên tục lập đỉnh kéo theo nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Sau quãng thời gian hưng phấn, tăng trưởng liên tục, tháng 7 vừa qua thị trường trải qua nhịp điều chỉnh giảm khoảng 17% sau đó lại hồi phục. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đầu tư vào ngành nào là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Trong clip chia sẻ trên kênh Youtube Tài chính & kinh doanh mới đây, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long chia sẻ nhận định đánh giá về những ngành nghề đáng đầu tư trong 4 tháng cuối năm 2021. Ông Long là chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm tại các quỹ đầu tư, hãng kiểm toán và tư vấn lớn, hiện là chủ tịch sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA).

Theo nhận định của chuyên gia này, có những ngành nghề chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch lần này. Quan điểm của ông và đội ngũ Tổ chức nghiên cứu và đào tạo AFA Research & Education cho rằng có những ngành nghề sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đợt dịch Covid-19 lần này.

Những ngành bị ảnh hưởng

Chuyên gia này đánh giá ngành bán lẻ trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, ngoại trừ những doanh nghiệp bán lẻ hàng thiết yếu như siêu thị hay lương thực thực phẩm. Thực tế có thể thấy những doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng không thuộc loại hàng thiết yếu hiện đã đóng cửa hàng ví dụ như vàng bạc đá quý, điện thoại di động, đồ điện tử. Với mức độ diễn biến như hiện tại thì sự ảnh hưởng của việc đóng cửa này có thể còn kéo dài. Cùng với bối cảnh dịch Covid-19 tại Tp.Hồ Chí Minh hiện tại ông Long cho rằng khó có thể có sự nới lỏng sớm trong thời gian tới.

Và có lẽ là từ nay cho đến hết 2021 câu chuyện ngành bán lẻ những mặt hàng không thiết yếu sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn ngay lập tức. Nhiều quỹ đầu tư cho rằng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch, nhưng xem xét từ nay cho đến cuối năm 2021 về mức độ ảnh hưởng thì tôi nghĩ rằng đó là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên”, ông Phan Lê Thành Long nhận định.

4 tháng cuối năm, dân đầu tư chứng khoán nên bỏ tiền vào ngành nào thì sẽ có một cái Tết ấm no? - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long.

Ngành thứ 2 chuyên gia này cho rằng mức độ ảnh hưởng cao là những ngành nghề liên quan đến chuỗi cung ứng, những doanh nghiệp sản xuất. Trái ngược với đánh giá lạc quan của một số công ty chứng khoán, ông Long cho rằng những ngành liên quan đến xuất khẩu không hẳn là tốt cho 4 tháng cuối năm. Nguyên nhân bởi ngành này hiện đối mặt với khó khăn lớn nhất là ngắt chuỗi cung ứng.

Lấy ví dụ một số doanh nghiệp tại 4 tỉnh chịu ảnh hưởng bởi dịch gồm: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An mà ông Long có cơ hội hợp tác, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp này không phải là quy định về “ba tại chỗ”. Mặc dù sản xuất ba tại chỗ khiến doanh nghiệp chịu chi phí lớn, quản lý đội ngũ công nhân khó khăn nhưng điều khó khăn nhất là nguyên liệu đầu vào bị ngắt quãng.

Với việc nguyên liệu đầu vào bị đứt quãng, những doanh nghiệp như dệt may mặc dù đã rất cố gắng nhưng thực sự rất khó khăn. Một ví dụ khác như một số doanh nghiệp liên quan đến thiết bị điện tử, sắt, thép, đồng xây dựng thì toàn bộ đầu vào dừng. Chuyên gia này cho rằng trong vòng vài tháng tới sẽ chưa thể mở cửa nhanh trở lại. Cho nên kể cả những ngành liên quan đến xuất khẩu, chuỗi cung ứng bị ngắt quãng, thiếu cung sẽ là vấn đề rất lớn.

Một ngành khác chuyên gia từ AFA cho rằng cũng có thể chịu tác động bởi Covid-19 là ngành ngân hàng. Câu chuyện của ngành ngân hàng là sẽ phải chờ các chính sách của Ngân hàng nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm vừa qua kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng tương đối tốt nhưng bắt đầu từ tháng 8, tháng 9 sẽ bớt lạc quan hơn bởi độ trễ khi phản ánh vào báo cáo tài chính. Đặc biệt là báo cáo tài chính quý 3 sẽ phản ánh được tình trạng nợ xấu cũng như vấn đề khó khăn của nền kinh tế.

Ngoài ra mức độ tăng giá của ngành ngân hàng trong 7 tháng đầu năm rất lớn nên ông Long cho rằng ngành này sẽ không quá sáng sủa trong giai đoạn cuối năm trừ khi có những chính sách thay đổi như sửa Thông tư 03 của Ngân hàng nhà nước hay các chính sách liên quan đến lãi suất hay dự trữ bắt buộc.

Những ngành không bị ảnh hưởng

Đây là những ngành không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc không chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngành đầu tiên chuyên gia này đánh giá là chứng khoán. Theo ông Long với tình hình thị trường chứng khoán vẫn còn tốt như hiện tại cùng với nền lãi suất thấp, thị trường vẫn duy trì với mức thanh khoản cao, tăng trưởng ổn định từ nay cho đến giữa năm 2022.

Với chứng khoán là ngành đặc thù liên quan đến tài chính ngân hàng. Đặc thù tài sản của doanh nghiệp sẽ quyết định xem lợi nhuận của công ty đó có tốt hay không. Chuyên gia này đánh giá công ty nào có tài sản tốt hơn thì công ty đấy sẽ thắng.

Lời khuyên của ông là sẽ ưu tiên vào công ty có chỉ số P/B thấp. Đấy là những công ty có cơ hội. Hiện trên thị trường có những mã cổ phiếu đã tăng trưởng về giá quá lớn so với năng lực tạo ra lợi nhuận từ tài sản của công ty. Do đó ông Long ưu tiên vào những công ty có giá cổ phiếu chưa tăng quá mạnh và có chỉ số P/B tốt.

4 tháng cuối năm, dân đầu tư chứng khoán nên bỏ tiền vào ngành nào thì sẽ có một cái Tết ấm no? - Ảnh 2.

Một số cổ phiếu ngành chứng khoán.

Ngành thứ 2 ít chịu ảnh hưởng nhất nhưng lại đang được hưởng lợi từ đại dịch đó là ngành vận tải biển. Chuyên gia này đặc biệt lưu ý đến chỉ số vận tải biển quan trọng trên thế giới là BDI (Baltic Dry Index).

Trước khủng hoảng kinh tế thế giới, vào ngày 1/4/2008 thì chỉ số này lên đến 11.482 là đỉnh của mọi thời đại. Lúc này một loạt các mã cổ phiếu về vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những ví dụ mà là mã chứng khoán VSP. Đây là cổ phiếu có sóng tăng trưởng khủng khiếp vào thời điểm 2008. Một thời gian ngắn sau thì do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chỉ số BDI sụt giảm rất mạnh, chỉ còn 721 điểm là đáy vào tháng 11/2008.

4 tháng cuối năm, dân đầu tư chứng khoán nên bỏ tiền vào ngành nào thì sẽ có một cái Tết ấm no? - Ảnh 3.

Chỉ số BDI

Tại thời điểm hiện tại chỉ số BDI tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay. Đến thời điểm ngày 12/8 mà ông Long phân tích, chỉ số này là 3410, mức cao nhất từ đầu năm cũng như trong vòng 5 năm. Ngày 20/8/2021, chỉ số này bật lên mức 3976. Với việc chỉ số BDI tăng mạnh, chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải biển sẽ là những mã cổ phiếu đáng quan tâm. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý sẽ có những mã đã có mức tăng giá quá lớn. Một dấu hiệu mà vị này chia sẻ đó là những mã cổ phiếu có thông tin ban lãnh đạo đăng tin bán ra nhiều.

4 tháng cuối năm, dân đầu tư chứng khoán nên bỏ tiền vào ngành nào thì sẽ có một cái Tết ấm no? - Ảnh 4.

Ngành thứ 3 được chuyên gia Phan Lê Thành Long lựa chọn là ngành công nghệ thông tin. Ngành này ít bị ảnh hưởng nhất bởi Covid-19 tại thời điểm hiện tại, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cần có các chiến lược chuyển đổi số. Ví dụ trong giai đoạn vừa rồi giá cổ phiếu FPT tăng trưởng khoảng hơn 10% bất chấp thị trường có giai đoạn điều chỉnh. Nhưng ông Long cũng nhấn mạnh ngành tốt là điều đầu tiên quan tâm nhưng nhà đầu tư phải biết cách lựa chọn cổ phiếu nào trong ngành đó.

4 tháng cuối năm, dân đầu tư chứng khoán nên bỏ tiền vào ngành nào thì sẽ có một cái Tết ấm no? - Ảnh 5.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM