4 sai lầm ai làm lãnh đạo cũng cần tránh trong những ngày đầu lên chức
100 ngày đầu tiên của người quản lý mới giống như một cuộc phỏng vấn kéo dài. Chưa kể đến cấp trên, rất nhiều người như người giám sát, bạn bè, đối tác, khách hàng đang theo dõi nhất cử nhất động của bạn, do đó, bạn cần hết sức cẩn thận và tránh những sai lầm dưới đây.
Nhiều người đạt được thành công từ rất sớm nhờ sự thông minh và chăm chỉ, tuy nhiên, khi đã bước đến vị trí đứng đầu, không phải ai cũng chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhiệm. Cách bạn bắt đầu cuộc hành trình lãnh đạo của mình là một trong những chỉ số quyết định tương lai dài hạn của bạn với công ty. Dưới đây là 4 lỗi dễ phạm phải trong những ngày làm việc đầu tiên mà các nhà lãnh đạo cần tránh.
Sai lầm 1: Quá tự tin
Khi được bổ nhiệm vào một vị trí mới, việc coi bản thân như một khởi đầu mới của công ty là điều hoàn toàn tự nhiên. Bạn có thể có tầm nhìn lớn đối với công ty hoặc phòng ban và không ngần ngại chia sẻ quan điểm này với tất cả mọi người. Với những lời tuyên bố táo bạo như "Công ty chúng ta sẽ đứng đầu toàn ngành trong năm tới" hay lời chỉ đạo mơ hồ như "Hãy chờ cho đến khi tôi đưa ra chỉ thị về hướng đi mới", bạn khó có thể nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhân viên.
Có thể bạn nghĩ rằng mình đang truyền cảm hứng cho mọi người, nhưng thực tế, bạn đang khiến cho họ hoang mang lo lắng và phân vân về vai trò của họ trong những kế hoạch dũng cảm của bạn.
Thay vào đó, bạn nên dành thời gian lắng nghe những ý kiến của nhân viên, điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về các cá nhân, sự việc, cách thức vận hành của công ty. Sau đó, dựa vào những thông tin thu được, hãy xác định những gì mà nhân viên cần để làm việc tốt hơn, động lực họ cần và điều gì họ hy vọng từ bạn.
Sai lầm 2: Làm việc khép kín
Nhiều người nghĩ làm sếp thì sẽ làm việc trong văn phòng riêng, có điều hòa mát rượi, sếp chỉ cần ngồi trong đó nhận những cuộc điện thoại quan trọng hoặc gặp gỡ các nhà quản lý cấp cao trong các cuộc thảo luận về quyền lực. Trong khi đó, nhân viên sẽ hoàn toàn tách biệt ở bên ngoài, bị ngắt kết nối với sếp. Nếu duy trì phong cách làm việc này ngay từ đầu, bạn sẽ vô tình tạo một khoảng cách với nhân viên và gây ra sự bất đồng với họ.
Các chuyên gia khuyên, bạn nên làm việc theo hình thức mặt đối mặt, bắt đầu bằng việc tổ chức họp và báo cáo trực tiếp. Bên cạnh đó, bạn nên cùng nhân viên ra ngoài ăn trưa hoặc uống cà phê, mục đích là để làm quen với họ - những sở thích, động cơ và tham vọng của họ trong cuộc sống cũng như trong công việc. Đừng lo lắng, họ sẽ mở lòng nếu bạn tạo cho họ cảm giác gần gũi và thoải mái.
Sai lầm 3: Vội vàng thực hiện cải cách sâu rộng
Các nhà lãnh đạo mới luôn muốn thay đổi ngay sau khi họ lên nắm quyền những thứ mà họ thấy không vừa ý, ví dụ như nội thất văn phòng hay một dự án của người tiền nhiệm.
Chuyên gia cho rằng, quyết định thay đổi lớn trong 100 ngày đầu tiên của bạn là một sai lầm bởi đó là tín hiệu hỗn hợp có khả năng tạo ra sự bất ổn, gia tăng sự sợ hãi và thậm chí cho thấy sự thiếu thận trọng. Hãy nhớ rằng đây là thời gian để thiết lập nền tảng cho những thành tựu dưới sự lãnh đạo của bạn, thời gian còn nhiều nên không có lý do gì mà phải vội vàng.
Thay vì làm những dự án lớn mà không nắm chắc phần thắng, hãy hướng mục tiêu đến những chiến thắng nhỏ. Không ai kỳ vọng bạn thực hiện một phép lạ trong những ngày nhậm chức đầu tiên, nếu chuyển mục tiêu nhằm tăng hiệu suất của nhóm hoặc thắt chặt tình đoàn kết, bạn sẽ đi đúng hướng.
Sai lầm 4: Không cần sự giúp đỡ
Giống như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bạn có thể dựa vào khả năng đặc biệt và đạo đức làm việc để đạt được vị trí hàng đầu. Người chỉ huy trong một nhóm người cũng giống như chỉ huy một đàn sói, tuy nhiên, phải phân biệt rõ ràng, bạn là con sói đầu đàn chứ không phải con sói đơn độc. Sự thật là, khi ở cấp cao nhất, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo khác bởi những nhà lãnh đạo nhiều tham vọng nhất cũng có thể bị xô đổ nếu không có sự ủng hộ và tin tưởng của đồng nghiệp.
Do vậy, ngay từ khi mới bắt đầu, bạn nên hình thành mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo khác, sử dụng vai trò mới của bạn để mang lại giá trị cho bạn bè, thực hiện theo cách phù hợp với sở thích của họ mà không ảnh hưởng đến bạn.
Để làm được điều này, bạn cần tìm điểm chung và hiểu động cơ chính của họ, chia sẻ tầm nhìn của bạn nhằm tạo động lực và đặc biệt là phải minh bạch về các mục tiêu của bạn và tìm kiếm sự hỗ trợ của họ.