4 lý do đẩy chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng cao nhất 5 năm giữa đại dịch

31/08/2020 12:21 PM | Xã hội

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân 8 tháng năm cao nhất trong 5 năm gần đây. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là giá thịt lợn, tăng tới gần 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019, tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 8 tháng năm 2020, CPI tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân 8 tháng năm cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó: CPI khu vực thành thị tăng 3,51%, khu vực nông thôn tăng 4,41%.

4 lý do đẩy chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng cao nhất 5 năm giữa đại dịch - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra 4 nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2020, cụ thể:

- Tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,14%.

- Giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 14,44% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,07% chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp tết Nguyên đán, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 70,95% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,41%.

Theo đó, giá thịt chế biến tăng 24,48%; mỡ lợn tăng 76,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và nhiều đơn vị liên quan khác thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường tái đàn và nhập khẩu thịt lợn từ các nước có quan hệ thương mại bao gồm cả việc nhập khẩu lợn sống của Thái Lan. Do đó, tháng 8/2020 giá thịt lợn đã dần hạ nhiệt về mức 75.000-89.000 đồng/kg thịt lợn hơi, giảm 0,4% so với tháng 7/2020.

- Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân 8 tháng năm 2020 giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước.

- Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao hơn trong dịp Tết do nhu cầu tăng, bình quân 8 tháng năm 2020 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,61%0,92% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI 8 tháng năm 2020 gồm giá xăng dầu (bình quân 8 tháng năm 2020 giảm 21,70% so với cùng kỳ năm trước); Giá gas trong nước (giảm 2,32% so với cùng kỳ). Cộng thêm nhu cầu du lịch giảm, nhu cầu đi lại của người dân giảm, so với cùng kỳ năm trước, giá vé máy bay bình quân 8 tháng năm 2020 giảm 32,82%; giá vé tàu hỏa giảm 1,03%.

Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng với thời gian là từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Theo đó, giá điện tháng 5 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/4/2020) và tháng 6 năm 2020 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 01/5/2020 đến ngày 31/5/2020) giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước;

8 tháng năm 2020, lạm phát cơ bản tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2019.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM