4 bước giúp bạn ngưng lo nghĩ và hành động ngay tức khắc
“Việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến ta rối trí, lo lắng. Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay căn nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy chúng ta cần phải quyết định và hành động đến cùng” - Waite Phillips
Có khi nào bạn nghĩ ra rất nhiều ý tưởng như một mô hình kinh doanh táo bạo, một dịch vụ hoàn hảo hay một một sản phẩm cực kỳ độc đáo nhưng khi bắt đầu thực hiện, bạn nghĩ đến những khó khăn, những rủi ro,…và cuối cùng bạn không làm gì cả?
Những người thành công cũng như chúng ta, họ cũng suy nghĩ, toan tính. Đối mặt với những lo lắng, suy tư, trăn trở… Nhưng khác với chúng ta, họ hành động! Và 4 bước sau đây sẽ giúp bạn ngừng việc lo nghĩ nhiều để bắt tay vào hành động như một người thành công:
1. Tránh để tâm đến những điều vụn vặt
“Cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt” - Disraeli, một nhà văn, nhà chính trị Anh.
Những điều vụn vặt tưởng chừng như không có gì nhưng một khi đã nghĩ về chúng, bạn sẽ không thể dừng lại và cảm thấy lo lắng, chần chừ về những quyết định, những việc mình sẽ làm.
Có một câu quen thuộc trong pháp luật là: “Luật không xét xử những điều vụn vặt”. Và những người hay lo lắng cũng nên có quan niệm đó nếu muốn tìm thấy sự thư thái trong tâm hồn cũng như tiến gần hơn đến việc hành động.
2. Nghĩ về những vấn đề nan giải nhất có thể xảy ra
“Sự rối trí chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lo lắng” – Giáo sư Herbert E. Hawkes của đại học Columbia.
Từ ý tưởng đến hiện thực là một quãng đường dài, và trên con đường ấy luôn tồn tại những khó khăn. Càng nghĩ về những khó khăn, bạn sẽ càng rối trí và khó hành động. Chính vì vậy, thay vì suy nghĩ, hãy viết ra những điều mà bạn đang lo lắng. Tuy nhiên, để không lặp phải sai lầm đã đề cập ở bước một, hãy nghĩ và viết ra những vấn đề nan giải nhất có thể xảy đến khi bạn thực hiện ý tưởng của mình.
Việc này sẽ giúp cho bạn bình tĩnh, sáng suốt hơn để nhận ra có những vấn đề không khó khăn như bạn tưởng.
3. Ghi ra cách giải quyết và kết quả của những giải pháp đó
“Một vấn đề được diễn đạt rõ ràng là một vấn đề đã được giải quyết xong một nửa” – Charles Kettering, một nhà phát minh người Mỹ.
Và để giải quyết một nửa còn lại của vấn đề, việc bạn cần làm là ghi ra tất cả những giải pháp có thể thực hiện. Tuy nhiên, bạn còn phải tưởng tượng ra kết quả - những điều sẽ xảy ra sau khi thực hiện những giải pháp đó và so sánh các kết quả để biết xem mình nên chọn phương án nào.
Khi hoàn thành bước này, những khó khăn đó sẽ không còn khiến bạn phải lo nghĩ hoặc dừng việc thực hiện các ý tưởng của mình nữa.
4. Chấp nhận những điều không thể tránh khỏi
“Khi tôi không thể định đoạt mọi chuyện, tôi để chúng tự định đoạt” – Henry Ford
Dù lên kế hoạch kỹ lưỡng đến đâu, luôn có những việc ngoài tầm kiểm soát của bạn xảy đến. Bạn không nên suy nghĩ về tất cả những điều không tốt sẽ xảy ra để chuẩn bị trước các giải pháp vì việc nghĩ đến nhiều đều tiêu cực sẽ khiến bạn dễ mất động lực để hành động.
Hãy chuẩn bị cho những xấu nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra, tìm cách giải quyết và bắt tay vào hành động. Ngay cả những vấn đề khó khăn nhất bạn cũng có thể giải quyết thì cho dù có chuyện gì phát sinh, bạn cũng sẽ vượt qua được thôi.
Có những người 20 tuổi đã suy nghĩ, 25 tuổi vẫn tiếp tục suy nghĩ, 30 tuổi vẫn còn đang suy nghĩ mà chưa làm bất cứ điều gì. Hãy xem trong ngần ấy thời gian, họ đã thu nhặt được gì ngoài những tiếc nuối và âu lo? Vấp ngã chỉ là nhất thời, chấp nhận đứng yên mới chính là thất bại mãi mãi.