30 tuổi bị hàng chục công ty từ chối, phải ăn bám gia đình, vị đạo diễn thức tỉnh nhờ lời nói của vợ rồi thắng Oscar: Chưa thành công cũng đừng coi mình là bịch sữa hết hạn đáng vứt đi

14/05/2021 08:47 AM | Sống

Con người liệu "hạn sử dụng"? Phải chăng đến một độ tuổi nào đó mà chưa thành công, chúng ta nên bỏ cuộc?

Đến một thời điểm nhất định, chúng ta bắt đầu giảm dần kỳ vọng. Bạn bè đã sớm yên bề gia thất, còn chúng ta vẫn loay hoay với cuộc sống khắc nghiệt. Áp lực ngày một đè nén, chúng ta không còn thời gian mơ mộng, chỉ biết chấp nhận thực tế phũ phàng dù thích hay không.

***

Ai cũng đã từng trải qua khoảng thời gian tuyệt vọng như vậy, kể cả người nổi tiếng như đạo diễn Lý An. Ông là cha đẻ của hàng loạt kiệt tác điện ảnh từng đoạt giải Oscar như Ngọa hổ tàng long, Núi Brokeback, Cuộc đời của Pi,...

Năm 2006, Lý An đã viết một bài luận xuất sắc kể về hành trình tìm kiếm "giấc mơ không hồi kết" của mình.

"Năm 1978, khi tôi đăng ký học điện ảnh tại ĐH Illinois, cha tôi đã cật lực phản đối. Ông lấy dẫn chứng: ‘Mỗi năm, có hơn 50.000 người cạnh tranh cho 200 vị trí trống tại Broadway’.

Mặc kệ cha, tôi vẫn lên đường sang Mỹ. Việc này đã khiến cho mối quan hệ của chúng tôi trở nên căng thẳng. Trong vòng 2 thập kỷ tiếp theo, chúng tôi trao đổi với nhau chưa đến trăm từ.

Vài năm sau, khi tốt nghiệp, tôi đã hiểu được nỗi lo lắng của cha. Gần như chưa từng có gương mặt mới gốc Trung nào làm nên chuyện trong ngành điện ảnh Mỹ.

Bắt đầu làm việc từ năm 1983, tôi đã vật lộn suốt 6 năm trời trong khổ đau, tuyệt vọng và và bất định. Tôi dành phần lớn thời gian để hỗ trợ đoàn phim và hoàn thành một số nhiệm vụ linh tinh khác.

Trải nghiệm đau đớn nhất với tôi là việc đi hơn 30 công ty sản xuất khác nhau để mua kịch bản làm phim, nhưng đều bị từ chối một cách phũ phàng.

Năm đó, tôi tròn 30 tuổi. Người Trung Quốc có câu: ‘Tam thập nhi lập’, nghĩa là 30 tuổi phải đứng vững được trên đôi chân của mình. Thế nhưng, tôi còn chẳng nuôi nổi bản thân. Tôi có thể làm gì? Tiếp tục chờ đợi, hay từ bỏ giấc mơ làm phim của mình?

Vợ đã cho tôi sự ủng hộ vô giá.

 30 tuổi bị hàng chục công ty từ chối, phải ăn bám gia đình, vị đạo diễn thức tỉnh nhờ lời nói của vợ rồi thắng Oscar: Chưa thành công cũng đừng coi mình là bịch sữa hết hạn đáng vứt đi  - Ảnh 1.

Đạo diễn Lý An

Vợ tôi là bạn cùng lớp đại học. Cô ấy theo ngành sinh học, sau khi tốt nghiệp thì làm cho một phòng nghiên cứu dược phẩm. Thu nhập của vợ tôi khá khiêm tốn.

Khi ấy, chúng tôi đang nuôi con trai lớn Haan. Để giảm bớt cảm giác tội lỗi, tôi nhận làm mọi việc nhà - nấu nướng, dọn dẹp, chăm con - bên cạnh việc đọc sách, đánh giá phim và viết kịch bản. Sau khi chuẩn bị bữa tối, tôi sẽ ngồi trước cửa nhà với Haan, kể chuyện cho thằng bé trong lúc đợi mẹ - nữ thợ săn anh hùng mang về nhà chiến lợi phẩm (thu nhập).

Với đàn ông, cuộc sống này là một điều hổ thẹn. Nhà vợ còn cho chúng tôi một khoản tiền lớn để mở quán ăn Trung Quốc, với hy vọng việc kinh doanh sẽ hỗ trợ phần nào hai vợ chồng.

Thế nhưng, vợ tôi đã thẳng thừng từ chối. Khi biết chuyện này, tôi đã thức trắng mấy đêm và quyết định: Giấc mơ của tôi sẽ không thành hiện thực. Tôi cần phải đối mặt với thực tế.

***

Nếu câu chuyện dừng lại ở đây, chúng ta sẽ không có một Lý An tài năng và lừng lẫy như ngày hôm nay.

"Sau đó, tôi đăng ký học về máy tính ở một trường cao đẳng gần đó. Ở thời điểm mà việc làm còn quan trọng hơn tất thảy mọi thứ, chỉ có kiến thức tin học mới giúp tôi nhanh chóng tìm được việc.

Những ngày tiếp theo, tôi rơi vào trạng thái khó chịu. Vợ tôi, sau khi nhận thấy các biểu hiện lạ từ chồng, đã tìm thấy tờ thời khóa biểu trên lớp. Tối đó, cô ấy chẳng nói gì.

Sáng hôm sau, ngay trước khi lái xe đi làm, vợ tôi quay đầu lại và nói: ‘Anh An, đừng quên đi giấc mơ của mình".

Và thế là giấc mơ thuở nào bị nhấn chìm bởi thực tế cuộc sống đã quay trở lại với tôi. Vợ lái xe đi rồi, tôi lặng lẽ rút tờ thời khóa biểu ra khỏi túi, chậm rãi xé chúng thành từng mảnh. Rồi vứt vào thùng rác.

Không lâu sau, tôi nhận được tài trợ cho kịch bản, rồi bắt đầu tự làm phim. Sau đó, một vài tác phẩm của tôi bắt đầu đoạt giải thưởng quốc tế.

Nhớ lại khoảng thời gian này, vợ tôi thú nhận: "Em luôn tin rằng anh chỉ cần một thiên phú duy nhất. Thiên phú của anh là làm phim. Ngoài kia có nhiều người học tin rồi, họ không cần Lý An nữa. Nếu muốn có tượng vàng, anh phải quyết tâm theo đuổi giấc mơ".

Giờ đây, tôi đã giành được chiếc tượng vàng mơ ước. Tôi nghĩ rằng sự kiên trì của mình và sự hy sinh không thể đong đếm được của vợ cuối cùng cũng được đền đáp. Hiện tại, tôi cảm thấy an tâm hơn bao giờ hết: Tôi sẽ tiếp tục làm phim.

Bạn thấy đấy, tôi có một giấc mơ không hồi kết."

 30 tuổi bị hàng chục công ty từ chối, phải ăn bám gia đình, vị đạo diễn thức tỉnh nhờ lời nói của vợ rồi thắng Oscar: Chưa thành công cũng đừng coi mình là bịch sữa hết hạn đáng vứt đi  - Ảnh 2.

Vũ trụ chẳng bao giờ vận hành theo cách bạn mong muốn

Khi đã bỏ công sức để có được thứ mình muốn, chúng ta thường kỳ vọng một kết quả tương xứng. Chúng ta nghĩ làm ít được ít, làm nhiều được nhiều. Không may, thực tế lại chẳng được như vậy.

Đến một thời điểm nhất định mà tương lai vẫn mịt mờ, chúng ta thường tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ không đi đến đâu. Giống như Lý An, đến một độ tuổi nhất định, chúng ta tự hỏi tại sao mình lại không thể thành công như mong muốn. Để tìm ra câu trả lời, chúng ta bắt đầu so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa.

Trên báo không bao giờ thiếu những câu chuyện về người trẻ thiên tài. Các founder khởi nghiệp thành công khi mới hơn 20 tuổi. Forbes còn có hẳn Top 40 cái tên xuất sắc dưới 40 tuổi. Tại sao họ có thể thành công từ sớm như vậy, trong khi chúng ta vẫn cứ chật vật tìm chỗ đứng?

Dĩ nhiên, vũ trụ chẳng bao giờ vận hành theo cái cách mà bạn mong muốn. Kẻ chỉ nỗ lực chút ít có thể gặp may mà phất lên, trong khi người nỗ lực mãi vẫn cứ thất bại.

Truyền thông chỉ tập trung vào những người thành đạt trẻ tuổi, bởi người như họ là của hiếm. Độc giả luôn bị thu hút bởi những thứ kỳ lạ, còn bỏ qua những điều được xem là bình thường.

Không thể phủ nhận rằng tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng. Khi chúng ta già đi, vài cánh cửa sẽ đóng lại. Những cái khác thì thật khó để chen chân.

Khi một cánh cửa đóng lại, một cách cửa khác sẽ mở ra

Càng trưởng thành, chúng ta càng có ít động lực để trải nghiệm những điều mới mẻ. Sức lực chẳng còn bao, chúng ta cũng chỉ muốn ổn định cho tốt.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đã hết cơ hội. Trên thế giới này vẫn còn rất nhiều bông hoa nở muộn.

Stan Lee - huyền thoại sáng tác truyện tranh, cha đẻ của hàng loạt siêu anh hùng Marvel - viết tác phẩm đầu tiên ở tuổi 39.

Julia Child - người đem ẩm thực Pháp đến công chúng Mỹ - đã dành những năm tháng tuổi trẻ để làm copywriter và nghiên cứu. Khi xuất bản cuốn sách nấu ăn đầu tiên tạo tiếng vang trong ngành ẩm thực, bà đã 49 tuổi.

Colonel Sanders - người sáng tạo công thức KFC huyền thoại - đã mở cửa hàng bán gà đầu tiên ở tuổi 62.

Thành công không có quy luật cố định. Có người chỉ thành công được ở tuổi 30 thay vì 40. Có người dành nửa đời chật, mãi đến khi về già mới thành công. Có người thành công về tài chính, không phải về cuộc sống cá nhân. Có người cảm thấy hài lòng với thành công nhỏ nhoi của mình, dù với người khác đó chưa chắc đã là thành công.

 30 tuổi bị hàng chục công ty từ chối, phải ăn bám gia đình, vị đạo diễn thức tỉnh nhờ lời nói của vợ rồi thắng Oscar: Chưa thành công cũng đừng coi mình là bịch sữa hết hạn đáng vứt đi  - Ảnh 3.

Đừng vội từ bỏ niềm tin vào chính mình

Có thể chúng ta cảm thấy thành công ở bên trong, nhưng không phải bên ngoài. Có thể chúng ta cảm thấy mình sẽ thành công nếu mọi thứ khác đi. Có thể chúng ta cảm thấy mình làm được nhiều hơn những gì hoàn cảnh cho phép.

Tất cả mọi người ngoài kia - kể cả những người chúng ta coi là thành công - cũng đã từng nghĩ như vậy. Điều chúng ta ta cần làm để tạo nên sự khác biệt là:

- Tận dụng những thứ ở ngay trước mắt: Có thể chúng ta không thích công việc hiện tại, nhưng nó có thể đem lại không ít kinh nghiệm bổ trợ cho tương lai.

- Luôn nắm bắt những cơ hội tốt: Cùng một vấn đề, mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Người này thấy rắc rối, người kia lại thấy tiềm năng. Cơ hội nào cũng đi kèm với rủi ro; điều quan trọng là chúng ta có thể nhìn thấu tất cả để nhận ra một cơ hội tốt.

- Thực hành thói quen tốt mỗi ngày: Thành công rồi sẽ đến, nhưng trước đó chúng ta phải có đủ kỹ năng và kiến thức để nhận ra và nắm bắt khoảnh khắc đó.

Những người chúng ta quen, họ trẻ hơn, thành công hơn, trong khi chúng ta cố mãi vẫn chưa được nếm trái ngọt. Mọi cánh cửa đều như đang đóng lại, thời gian thì cứ lạnh lùng trôi đi.

Dù vậy, những điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chúng ta chỉ cần quan tâm một vấn đề duy nhất: Mình sẽ làm gì?

Chúng ta sẽ ngồi một chỗ và than thân tiếc phận, hay tích lũy kinh nghiệm và thay đổi để có một tương lai tốt đẹp hơn?

Chừng nào còn thở, chúng ta có thể và sẽ làm được điều mình mong muốn. Đừng bao giờ coi mình là những bịch sữa, sau khi hết hạn chỉ có thể vứt đi.

(Theo Medium)

Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM