3 thói quen xấu là ''tác nhân thúc đẩy'' bệnh tiểu đường, bác sĩ tiết lộ 4 việc cần làm để hạ đường huyết nhanh và phòng ngừa sự tổn thương của cơ thể
Bạn nên kiểm tra xem mình có thường xuyên phạm phải thói quen xấu nào dưới đây không!
Ngày nay, nếu như nói đến bệnh tiểu đường nhiều người sẽ nghĩ chúng là một căn bệnh vặt nào đó, chỉ dành cho người già. Thực tế đây không phải bệnh vặt mà là bệnh mãn tính chưa có cách điều trị dứt điểm. Ở nước ta, không chỉ người già mà người trẻ cũng mắc tiểu đường rất nhiều.
Bệnh tiểu đường cũng nguy hiểm không kém gì bệnh ung thư . Khi bị tiểu đường, bệnh nhân không chỉ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đuối sức mà còn khiến cho các mạch máu bị tổn thương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não, thận, thần kinh...
Khi bị tiểu đường, bệnh nhân không chỉ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đuối sức mà còn khiến cho các mạch máu bị tổn thương.
Theo bạn, nguyên nhân nào dẫn đến bệnh tiểu đường ? Có lẽ nhiều người sẽ lập tức trả lời rằng "do ăn quá nhiều đường". Điều này quả thực không sai, hấp thụ thực phẩm nhiều đường sẽ dẫn đến việc insulin phải tiết ra quá nhiều để cân bằng. Sau một thời gian dài sẽ giảm chức năng của tuyến tụy, gây bệnh tiểu đường lúc nào không hay.
Tuy nhiên, ngoài thói quen tiêu thụ nhiều đường ra còn có 3 thói quen xấu khác là tác nhân thúc đẩy bệnh tiểu đường. Bác sĩ nội tiết Li Aiguo (chuyên gia Khoa Nội tiết của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) khuyên bạn nên tránh xa những thói quen sau đây.
3 thói quen xấu là ''tác nhân thúc đẩy'' bệnh tiểu đường
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo (chuyên gia Khoa Nội tiết của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật).
1. Thường xuyên thức khuya
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo cho biết, những người thường xuyên thức khuya sẽ gặp tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Điều này không chỉ khiến đồng hồ sinh học của chúng ta bị loạn nhịp mà còn khiến khả năng miễn dịch của chúng ta bị suy giảm, đồng thời lượng hormone tuyến thượng thận tiết ra quá cao gây tăng đường huyết. Ngoài ra, ngủ muộn cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây thiếu ngủ, từ đó gây gián đoạn quá trình trao đổi chất của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
2. Thường xuyên bỏ bữa sáng
Theo vị chuyên gia tiểu đường Ellen Calogeras (Viện lâm sàng Cleveland Clinic, Mỹ): Bỏ bữa sáng là một trong những thói quen làm gia tăng nguy cơ tiểu đường vì chúng khiến bạn cảm thấy đói vào giữa buổi, khiến bạn ăn nhiều hơn những thực phẩm nhiều đường. Hơn nữa, việc bỏ ăn sáng sẽ khiến nồng độ insulin trong máu bị xáo trộn, từ đó khiến đường huyết thay đổi một cách thất thường.
Bỏ bữa sáng là một trong những thói quen làm gia tăng nguy cơ tiểu đường.
3. Thường xuyên ăn một chế độ ăn giàu natri
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần bỏ ăn ngọt là sẽ phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, xong thực tế ăn mặn cũng có thể gây bệnh. Ăn nhiều muối dễ dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hoá, giữ nước, phù, tế bào giảm mẫn cảm với insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, người tiểu đường ăn chế độ giàu muối sẽ dễ bị cao huyết áp, khiến các biến chứng về tim, thận trở nên nghiêm trọng hơn.
4 việc cần làm để hạ đường huyết nhanh và phòng ngừa sự tổn thương của cơ thể
1. Chế độ ăn nhiều chất xơ
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo cho biết, chất xơ có chỉ số đường huyết thấp (GI), tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ giúp no lâu, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, trong chế độ ăn hàng ngày, nên lựa chọn các loại ngũ cốc và carbohydrate phức, đặc biệt là các loại rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ.
2. Tập thể dục đều đặn nhưng không quá sức
Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu nhưng người bệnh tiểu đường chỉ nên tập thể dục điều độ. Tập thể dục quá sức dễ dẫn đến tổn thương xương và cơ, cường độ tập luyện cao có thể gây nên bệnh tim mạch. Ngoài ra, việc tập thể dục quá sức có thể khiến adrenaline tiết ra nhiều, khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.
3. Thư giãn cơ thể, không nên quá lo lắng
Bác sĩ cho biết, sau khi mắc bệnh tiểu đường nhiều người sẽ cảm thấy rất lo lắng cho tình trạng bệnh tật của mình. Nhưng cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến việc ăn, ngủ, làm việc,… khiến thể trạng không tốt, dễ khiến đường huyết tăng cao hơn nữa. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên lạc quan, ổn định cảm xúc để có lợi cho quá trình điều trị sau này và giúp tình trạng bệnh ổn định.
4. Tiêu thụ các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp
Một số người nghĩ rằng đường huyết cao không thể ăn trái cây, tuy nhiên khi đường huyết của người bệnh ở trạng thái ổn định trong thời gian dài, đường huyết không biến động thường xuyên có thể ăn một số loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như:
- Quả táo
Chất pectin và chất xơ hòa tan trong táo có thể làm giảm lượng đường trong máu, điều chỉnh lượng đường trong máu và duy trì sự ổn định của đường huyết. Ngoài ra, thường xuyên ăn táo có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời giúp ngăn ngừa táo bón.
- Quả lê
Quả lê có tác dụng thanh nhiệt, khử hỏa, giải độc, ít đường. Ngoài ra, nước lê có thể làm dịu cơn đau họng và giảm hỏa, vì vậy bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn lê một cách điều độ.
- Quả cam
Cam ít đường, giàu vitamin C, axit xitric, pectin, rutin và các chất khác có tác dụng phòng ngừa tốt bệnh võng mạc do đái tháo đường, đồng thời có tác dụng nhất định trong việc ngăn ngừa bệnh mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh tim,…