3 năm may mắn của Việc Có: Từ sân khấu Shark Tank, Startup Việt, tới thực địa Covid khắc nghiệt và bí quyết tăng gấp 4 lần doanh thu
Việc Có là một startup khá may mắn, vì vừa ra đời đã được nhận sự hỗ trợ tương đối từ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt. Dù vậy, điều đó chẳng có ý nghĩa gì với virus Corona, startup này vẫn bị Covid-19 quật cho tơi bời. Tuy nhiên, cùng việc tăng trưởng gấp gần 4 lần so với năm 2020, Việc Có lần đầu chứng minh: mình không chỉ có may mắn mà thực lực cũng rất đáng gờm.
Dù muốn thừa nhận hay không, Việc Có cũng là một startup may mắn. 2 Nhà sáng lập Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng chính thức khởi sự dự án của mình vào đầu năm 2019, song chỉ cuối 2019 họ đã có cơ hội xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam và thuyết phục được Shark Dũng - Shark Liên xuống tiền đầu tư 300.000 USD.
Hơn nữa, chỉ 2 tháng sau, Việc Có còn trở thành nhà vô địch của Startup Việt 2019, khi vượt qua nhiều đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm trên thương trường. Giải thưởng của thành tích này là gói truyền thông 500 triệu đồng cùng quà tặng từ nhà tài trợ LG. Vậy nên, có thể xem: Việc Có đã ‘vô tình’ chuẩn bị xong một hành trang khá đầy đủ trước khi bước vào tâm bão Covid-19.
Việc Có liên tục đón tin vui vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, dù Việc Có có là con của ‘thần may mắn’ thì virus Corona cũng không ‘nể mặt’. Trong những tháng cao trào đầu tiên của đại dịch ở năm 2020, Việc Có cũng trải qua những tháng ngày đầy sợ hãi và hoang mang, do cả nền kinh tế - xã hội Việt Nam bị tê liệt. Hậu quả: Việc Có đã có những bước đi chệch choạc trong năm 2020. Cũng may, họ đã ‘hồi hồn’ sớm và nhanh chóng quay trở về làm theo những chiến lược phát triển cốt lõi ban đầu.
Nhờ thế, chỉ 4 tháng cuối năm 2020, Việc Có đạt đã làm bằng cả giai đoạn 8 tháng đầu năm năm 2020. Trong năm 2021, dự báo tăng trưởng gần 4 lần so với trước đại dịch. Sở dĩ, Việc Có có thể ‘thắng bão’, ngoài sự chuẩn bị tương đối như đã kể ở trên, còn nhờ vào bộ máy hoạt động tinh gọn dựa trên hệ thống công nghệ xịn xò được sáng tạo bởi team của Co-founder Nguyễn Sơn Tùng và sự vận hành thông minh từ team Co-founder Phan Xuân Cảnh.
MỘT VÀI BƯỚC THỬ VÀ SAI TRONG NĂM 2020
Sau một năm 2019 đầy hứng khởi, Việc Có bước vào năm 2020 với rất nhiều hoài bão và hy vọng. Nhưng, đột nhiên Covid-19 ập đến, không một lời báo trước. Đây là lần đầu tiên Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng chính thức khởi nghiệp, nên họ chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng lớn như thế này.
Thêm nữa, lĩnh vực mà Việc Có hoạt động tương đối mới trên thế giới. Cụ thể: tại khu vực châu Á, có rất nhiều startup công nghệ phục vụ cho thị trường ngách lao động phổ thông như Việc Có, song tất cả gần như xuất phát cùng lúc và chưa có một mô hình thành công nhất định trong ngành. Vậy nên, Việc Có cũng phải tự mò mẫm như rất nhiều bạn bè cùng ngành trên thế giới.
Trong những tháng cao trào bệnh dịch đầu tiên trong năm 2020, trước sự biến động dữ dội của thị trường, Việc Có có 2 con đường để chọn: hoặc tiếp tục kiên định với chiến lược đã đề ra và tìm cách thực hiện phù hợp với thời cuộc; hoặc theo chúng bạn mở rộng lĩnh vực dịch vụ. Tại thời điểm đó, Việc Có đã chọn giải pháp thứ 2. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, kết quả thu về cho thấy: lựa chọn của Ban lãnh đạo là chưa chính xác.
Co-founder kiêm CEO Phan Xuân Cảnh trong văn phòng nhỏ xinh của Việc Có.
"Cũng may là chúng tôi nhận ra vấn đề của mình sớm và quay trở lại kịp lúc, cũng như chưa gây ra những hậu quả đáng tiếc. Tôi thật sự không muốn nói đến bước đi chuệch choạc này, nhưng có người nói với tôi: điều đó không hẳn là xấu.
Phải khi mình đi qua ngọn đồi kia mới biết là cỏ ở đó không hề xanh hơn ngọn đồi của mình như mình tưởng thế; còn nếu tôi không đi, thì tôi sẽ suốt ngày ngồi ở ngọn đồi của mình rồi mơ tưởng tới ngọn đồi của người khác.
Hơn nữa, đã là startup phải có tinh thần thử và sai, để tìm ra được cái mình sẽ làm tốt nhất, giỏi nhất. Hay nói như nhà đầu tư Peter Thiel huyền thoại, cái còn lại sau tất cả có thể tốt gấp 10 lần phần còn lại thị trường", Phan Xuân Cảnh bày tỏ.
Hoặc có thể nói, cú ‘lầm đường lạc lối’ nhỏ đó giúp Việc Có kiên định hơn với con đường của mình, không ‘nhìn trái, nhìn phải,’ mà hoàn toàn tập trung vào những gì mình đang có: trở thành một nền tảng xoay quanh phát triển công việc - sự nghiệp của nhóm lao động kĩ năng trung bình, tới thấp. Minh chứng: trong năm 2021, dù dịch bùng dữ dội hơn, Viec.Co đã phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
‘NỞ RỘ’ TRONG 2021
Khác với các startup khác, Việc Có chỉ bị tác động xấu của Covid-19 trong giai đoạn đầu, còn ở giai đoạn sau – nhất là trong năm 2021, họ được khủng hoảng này ‘trợ giúp’ rất nhiều.
Đầu tiên, đại dịch khiến người dân không thể tự do ra ngoài mua sắm phục vụ đời sống gia đình – cá nhân, mà tất cả các hoạt động đó buộc phải chuyển lên online, đã giúp ngành thương mại điện tử bùng nổ.
Cảm hứng để ‘cặp đôi’ Cảnh – Tùng khởi tạo ra Việc Có bắt đầu từ những ngày tháng làm việc tại Tiki, khi họ luôn phải miệt mài tìm kiếm cộng tác viên mỗi lúc đến các đợt ‘siêu sale’ hoặc lễ hội mua sắm cuối năm. Những khách hàng đầu tiên và lớn nhất của Việc Có cho tới thời điểm này cũng thuộc ngành TMĐT hoặc nhà cung cấp cho ngành này.
Trên website của Việc Có, chúng ta có thể tên tuổi khách hàng tiêu biểu của họ gồm Tiki, Lazada, Shopee, VinID, DHL, Giao Hàng Nhanh, Ninja…
Thứ hai, Covid-19, khiến nguồn cung lao động giảm, nhiều lao động về quê khiến các kênh tuyển dụng truyền thống khó khăn hơn. Còn Việc Có với lợi thế là nhóm CTV tương đối năng động, có thói quen tìm và nhận việc làm linh hoạt qua app, nên đã xoay sở kịp với các nhu cầu tuyển người vận hành mỗi khi cơ quan chức năng nới lỏng trở lại.
Team Việc Có.
"Sự biến động liên tục của thị trường và sự khó đoán của diễn tiến dịch bệnh Covid-19, đã khiến các doanh nghiệp ưa chuộng lao động theo thời vụ trong mảng lao động phổ thông hơn bao giờ hết.
Nhờ vậy, team đã chính thức vượt KPI đề ra đầu năm sớm 1.5 tháng là tăng trưởng 3 lần so với 2020 vào tháng cuối 11/2021, tương đương với việc nền tảng đã quản lý và kết nối 10.000 lao động", Phan Xuân Cảnh tiết lộ.
Ở phía ngược lại, app Việc Có cũng đón chào rất nhiều ứng viên mới. Thứ nhất là lượng lớn người lao động tự do bị mất việc do đại dịch, tiếp theo là những người tạm bị cho nghỉ việc ở nhà song không nhận được hỗ trợ từ công ty, cuối cùng là ở các ngành nghề khác – đặc biệt là từ mảng gọi xe công nghệ.
Trước đại dịch, ứng viên trên app của Việc Có phần lớn là các bạn trẻ - rất nhiều trong số đó là sinh viên; nhưng hiện tại, tuổi trung bình của các ứng viên đã lớn hơn, thậm chí có nhiều cô chú lớn tuổi. Ngoài ra: theo một khảo sát nhỏ, hiện mức thu nhập trung bình của một lao động từ app Việc Có đã cao hơn mức trung bình của một lao động từ các app gọi xe công nghệ.
THĂNG HOA NHỜ BỘ MÁY TINH GỌN VÀ VẬN HÀNH THÔNG MINH
Mặc dù là lần đầu chính thức khởi nghiệp, song 2 Nhà sáng lập của Việc Có không phải là những tay mơ trong lĩnh vực này, Tùng từng là CTO của startup Vé Xe Rẻ/Tiki, còn Cảnh từng là Giám đốc Fulfillment của Giao Hàng Nhanh (Scommerce) và Giám đốc chuỗi cung ứng của Tiki. Vậy nên, không có gì khó hiểu khi khía cạnh vận hành và công nghệ của Việc Có rất mạnh.
"Ngay từ khi khởi nghiệp, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu là phải vận hành doanh nghiệp hoàn toàn dựa trên công nghệ, để khiến bộ máy nhân sự tinh gọn nhất có thể. Và với những gì đã làm được, chúng tôi đã phần nào thực hiện được mục tiêu đó.
Hiện tại, tất cả những công việc vận hành doanh nghiệp hằng ngày hoặc hành trình của khách hàng – đối tác đều đã được số hóa, điều này giúp Ban lãnh đạo có thể dễ dàng theo dõi – quản lý công việc mọi lúc mọi nơi và realtime.
Có câu chuyện vui, sau khi chúng tôi thuê 1 chị kế toán vào, sau khi làm quen với hệ thống, chị ấy đã nói với tôi rằng: ‘Với hệ thống chấm công và kế toán các bạn đang có, thật ra các bạn không cần thuê thêm kế toán làm gì’", CEO Việc Có kể.
Hình ảnh CTV của Việc Có chấm công qua hệ thống Camera AI không tiếp xúc, trực quan và tự động cảnh báo khi chưa khai báo Y tế.
Hay như khi đối mặt với Covid-19, nhờ áp dụng công nghệ Việc Có cũng phản ứng nhanh với bài toán chung của xã hội: chấm công không cần tiếp xúc dùng Camera AI để giảm nguy cơ lây lan, cảnh báo khi đi làm mà chưa khai báo y tế, hỗ trợ truy vết và cảnh báo F0/F1. Những cải tiến này giúp khách hàng và người lao động yên tâm hơn khi đi làm.
Nhờ vậy, với chỉ 18 nhân sự chính thức và hệ thống cộng tác viên, Việc Có có thể quản lý và cung cấp dịch vụ cho hơn 10.000 ứng viên trong giai đoạn 2021 và hơn 100 khách hàng lũy kế đến lúc này. Khi cần nhân sự mới, Việc Có sẽ tuyển từ hệ thống cộng tác viên của mình. Chính nhờ bộ máy tinh gọn này, Việc Có đã tối ưu hóa được chi phí hoạt động, cũng như không phải sa thải hoặc cho bất cứ thành viên nào nghỉ việc trong khoảng 2 năm qua.
Nhờ hệ thống công nghệ thông minh được xây dựng riêng, nên công việc vận hành của Phan Xuân Cảnh cũng đỡ vất vả.
Việc Có hoạt động như thế này: ví dụ tới ngày 12/12, Tiki báo rằng ‘chúng tôi cần 50 người phân loại hàng trong nhà kho vào ngày 13/12’, sau khi tiếp nhận nhu cầu, Việc Có sẽ đăng lên app của mình cũng như phân phối thông tin này tới những ứng viên thích hợp.
Tiếp theo, ứng viên nào cảm thấy mình có thời gian và làm được công việc đó, sẽ tick vào ô ứng tuyển; dựa trên thông tin về kinh nghiệm và lịch sử làm việc trên app, các nhân viên hoặc cộng tác viên của Việc Có sẽ lập ra một danh sách rồi lấy 50 người đầu tiên trong danh sách. Nếu là ứng viên lần đầu đến kho Tiki làm việc, Việc Có sẽ cử người ra đón, nếu là gương mặt thì thân quen thì thôi. Phần huấn luyện sơ bộ để có thể làm việc sẽ được Tiki phụ trách.
Phần thưởng cho những CTV được vinh danh là 1 thẻ cào điện thoại.
"Do khách hàng của Việc Có toàn là doanh nghiệp lớn, nên chúng tôi có thể bảo đảm về mặt cung, còn mặt cầu chúng tôi sẽ dùng công nghệ để giảm thiểu rủi ro. Chúng tôi không dám bảo đảm là sẽ không có rủi ro, nhưng chẳng nhẽ vì sợ rủi ro nên chúng ta chỉ khoanh tay đứng nhìn?! Vậy nên, theo quan điểm của tôi, thay vì lo sợ thì chúng ta hãy nghĩ cách để khiến xác suất xảy ra những điều không mong muốn thấp nhất.
Ngoài ra, như đã nhiều lần chia sẻ trước đó, mục tiêu của Việc Có không chỉ là cung cấp công việc cho các lao động tự do, mà còn muốn giúp cuộc sống của họ ngày còn tốt hơn ở nhiều mặt. Tuy nhiên, đây là một hành trình dài và chúng ta buộc phải đi từng bước nhỏ thì mới có thể đến đích. Không thể ‘một phát ăn ngay’!", Phan Xuân Cảnh nhận định.
Ngoài việc không mất bất cứ đồng phí nào khi tìm việc trên Việc Có, các ứng viên còn được tặng các gói bảo hiểm nhỏ cũng như được ứng tiền trước - tương đương với số giờ mình đã làm việc. Không như suy nghĩ của chúng ta, nhiều lao động phổ thông chỉ cần ứng trước vài trăm ngàn để mua sữa cho con, chứ không nhất thiết phải vài triệu.
Mục tiêu trong tương lai gần, Viec.Co sẽ mở rộng hợp tác với cả những đơn vị nhân sự chuyên nghiệp, chia sẻ những thành quả công nghệ - vận hành mình làm được để giúp họ chuyển đổi số nhanh chóng, qua đó tăng khả năng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường. Về chiến lược phát triển dài hạn: Việc Có sẽ mở rộng tệp khách hàng, quy mô và địa bàn phục vụ cũng như tìm cách nâng cao chất lượng/tay nghề của các cộng tác viên trên nền tảng
"Không cần phải làm các dự án nghiên cứu, chúng ta cũng dễ dàng biết là các lao động phổ thông tại Việt Nam cần gì và muốn gì ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Khó là chúng ta phải đi sâu đi sát tìm hiểu xem nhu cầu bức thiết lớn nhất hiện tại và tương lai gần của họ là gì, cách thức thực hiện làm sao thì họ cảm thấy thoải mái dễ chịu. Và đó chính là công việc của tôi", CEO Việc Có kết luận.