27 tuổi chỉ có 70 triệu, cô gái "thức tỉnh" lập kế hoạch đẻ ra tiền và giờ có 300 triệu, 2 sổ tiết kiệm cùng loạt mã chứng khoán sinh lời
Tăng thu tối đa, giảm chi tối thiểu, đầu tư đúng cách, những điều cơ bản này đã khiến mình có dư!
"Mình năm nay 28 tuổi, cũng chưa yêu ai, làm nghề logictis, lương 15-25 triệu tùy tháng. Từ năm 27 tuổi trở về trước, mình cũng rơi vào tình trạng làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, rất phung phí. Vậy nên, trong tay mình chỉ cầm vỏn vẹn 70 triệu tiền vốn tiết kiệm. Nhưng mình nghĩ không gì là muộn cả, mình đang bắt đầu cân đối giữa chi tiêu và đầu tư thêm, nên sau đó 1 năm, mình đã tích được 300 triệu tiền tiết kiệm. Một trong những điều khiến mình nhận ra bản thân cần phải tích lũy, đó là mục tiêu tự do tài chính". Đây là lời chia sẻ đến từ cô nàng Nguyễn Ngọc (Nghệ An) khi bắt đầu bước vào mục tiêu đầu tư khiến tiền đẻ ra tiền , tiến tới tự do tài chính càng sớm càng tốt.
Ngọc từng là sinh viên Đại học Ngân hàng, chuyên ngành XNK. Ban đầu bắt tay với nghề, cô nàng nghĩ đây là một ngành có tiềm năng phát triển. Theo nghề này đã 6 năm cũng khiến Ngọc có mức lương khá ổn định, đủ để vung tay "quá trán" hưởng thụ cuộc sống độc thân. Thời gian gần đây Ngọc nhận ra rằng tại sao bản thân chỉ có 1 ít tiền tiết kiệm, trong khi đó, bạn bè cùng tuổi giờ đã có gia đình, mua nhà, mua xe, có tiền để dành. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 đã khiến cô nhận ra tiết kiệm và đầu tư quan trọng như thế nào.
Việc thiếu tiền khiến cuộc sống chúng ta thiếu đi những cơ hội để tiến bước. Ngọc chia sẻ sau khi cô nhận ra tiền tiết kiệm quan trọng đến mức nào: "Việc bạn có những khoản tiết kiệm khiến cho cuộc sống dễ thở hơn rất nhiều, mình có thể chủ động phòng trừ rất nhiều rủi ro ập đến". Cùng trò chuyện thêm với Nguyễn Ngọc.
Ngọc có thể chia sẻ quá trình mình bắt đầu tham gia vào đầu tư như thế nào không? Bước đầu tiên bạn lựa chọn thực hiện là gì?
Mình ý thức được vấn đề lớn nhất của mình khi nhìn lại số tiền tiết kiệm được: chi tiêu không kiểm soát thật sự đáng lo ngại. Khi dịch Covid-19 kéo dài, công việc bị dừng giữa chừng, mẹ mình bị ốm, tất cả đều dồn hết lên vai mình. Nguồn tiền khi này cạn dần và mình bắt đầu suy nghĩ đến việc phải gia tăng nguồn thu, giảm bớt chi tiêu, hoặc bằng cách nào đó, khiến cho số tiền còn sót lại đẻ ra tiền.
Nghiêm khắc trong việc "Tiết kiệm trước, chi tiêu sau".
Trước hết là giảm chi. Mình lọc lại hết những chi phí mình đã tiêu trong những năm vừa rồi, chỉ giữ lại những khoản thực sự cần thiết, bỏ hết những khoản phí vô bổ, kể cả những khoản nhỏ nhất. Khi nhìn lại tất cả những chi phí đó, mình chỉ biết giật mình. Mình bắt đầu áp dụng những lời khuyên từ lối sống tối giản .
Đến vấn đề tăng thu. Sau khi thực hiện tối giản những khoản cần chi, mình tập trung vào tăng thu. Nguồn thu trước năm 27 tuổi chủ yếu đến từ lương hàng tháng. Nhưng giữa năm 27 tuổi, mình theo đuổi 1 dự án về sản xuất - xuất khẩu cây ăn quả, chung lĩnh vực mình đang làm, đây là khoản thu thứ hai của mình, và cũng là cơ duyên để mình gặp được người mentor hiện tại. Đến nay, mình cũng đạt được một số thành quả và vẫn sẽ tiếp tục kiên định trên con đường này.
Ngọc có kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư không?
Bản thân mình không có khái niệm gì về đầu tư cho đến khi gặp được mentor hiện tại, dìu dắt mình về lĩnh vực tài chính, dạy mình tập trung vào đầu tư và biết cách kiểm soát dòng tiền trong túi. Điều mình đang cố gắng hoàn thiện trong thời gian này là phân chia rõ ràng, đầu tư đúng cách.
Phần vốn mình đang có, hiện chia làm 3 quỹ:
Quỹ 1: Khẩn cấp
Chính Covid-19 đã khiến mình đưa danh mục này vào quỹ bắt buộc hàng năm. Quỹ khẩn cấp được mình để riêng cho thời điểm gặp trường hợp khó khăn nhất, như khi đau ốm, tai nạn, thất nghiệp… đại khái là những rủi ro bất chợt không thể kiểm soát cũng như khó nhờ người khác giúp đỡ. Với số tiền hiện tại, mình dành ra 20-30 triệu/ năm để đưa vào quỹ. Tất nhiên số tiền này sẽ gia tăng theo hàng năm tùy vào khoản thu của mình.
Quỹ 2: Quỹ đời sống
Hay còn gọi là quỹ tồn tại. Khoản quỹ này sẽ bao gồm: Mọi thứ dành cho việc ăn uống, học hành, cải thiện bản thân trong cuộc sống. Mình nhận ra việc phát triển bản thân là cực kỳ quan trọng, khi giới trẻ đang ngày càng giỏi, sẽ dễ lấn át đàn anh đàn chị nên mình càng phải cố gắng để không bị đào thải. Nên mục quỹ đời sống này, khoản mục cho việc học hành được mình dành ra nhiều nhất.
Quỹ 3: Đầu tư đúng cách
Mình lựa chọn tỷ lệ 40:60 để đầu tư an toàn và đầu tư mạo hiểm. Mình thuộc tuýp người không quá ưa thích mạo hiểm. Vậy nên mình được khuyên nên chia khoản đầu tư thành 2 hạng mục, không bỏ trứng vào 1 rổ để tránh tình trạng tâm lý không vững mà mất hết.
Đối với đầu tư an toàn, mình lựa chọn danh mục đầu tư vào bảo hiểm, quỹ và chứng chỉ tiền gửi. Mình dành 40% trong tổng thu nhập hàng tháng sau khi đã trừ đi hết các chi phí, để bỏ vào các hạng mục này.
Việc lựa chọn đầu tư mạo hiểm, là khi mình bày tỏ quan điểm muốn nhanh chóng đạt được sự tự do tài chính. Khi chia 60% số tiền còn lại vào quỹ này, mình cũng đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, có thêm sự giúp đỡ từ bên ngoài, mình quyết định lựa chọn chứng khoán. Câu mình được nghe nhiều nhất là "muốn nhanh thì phải từ từ". 2 năm vừa qua, thị trường cổ phiếu có lợi nhuận từ 20-30%/ năm. Trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài, đúng là sân chơi hốt bạc của những người mới, chỉ cần chút kiến thức và nhiều sự may mắn, lời hơn 30% là điều dễ hiểu.
Với những danh mục đầu tư như trên, phần nhiều là do may mắn, số vốn mình tiết kiệm được bây giờ có khoảng 300 triệu, 2 cuốn sổ tiết kiệm gần 50 triệu, và cầm trong tay một vài mã cổ phiếu có khả năng sinh lời trung bình từ 15-20%/ năm thời điểm này.
Vậy nếu quỹ đầu tư mạo hiểm gặp vấn đề, bạn có thể mất trắng hoặc mắc nợ, trong trường hợp xấu nhất xảy ra, bạn đã có sự chuẩn bị gì chưa?
Khi xây dựng quỹ này, gần như mình được cảnh báo rằng có thể thỏa mãn được ham muốn giàu nhanh của mình nhưng khả năng mất trắng thì luôn là rủi ro rất lớn. Mình biết điều này, vì nóng vội là kẻ thù của đầu tư mà. Nhưng mình mạo hiểm chứ không vội, và mình có kế hoạch nếu mắc nợ.
Trước hết, nếu mình mắc nợ một nguồn duy nhất, mình sẽ tạm gác hết lại quỹ đầu tư an toàn, gác lại các chuyên mục đầu tư cho bản thân, chỉ tập trung trả nợ và trả nhanh nhất có thể, trả xong thì quay lại việc xây quỹ như định hướng ban đầu, và điều chỉnh lại cho hợp lý.
Nhưng nếu mắc nợ nhiều nguồn, mình sẽ tập trung xoay vòng vốn trả dần, trả nợ ở những nơi có lãi suất cao nhất trước, tập trung các nguồn thu để trả nợ cho xong. Khi có định hướng về việc này, mình cảm thấy giảm bớt được những áp lực về thất bại khá nhiều, và mạnh dạn hơn trong những lần đầu tư mạo hiểm.
Ngọc chỉ mất khoảng 1 năm để xây dựng lại tư duy về tài chính, có thể thấy là rất nhanh. Vậy bạn có hối hận khi đã không làm điều này sớm hơn, biết đâu ở tuổi này, có thể Ngọc đã đạt được mục tiêu tự do tài chính rồi thì sao?
Mình biết nói điều này nhiều người sẽ bảo là không có chí cầu tiến, hoặc là không biết lo cho tương lai. Nhưng đối với mình, phần nhiều là có cái duyên. Nếu như không có dịch Covid-19, nếu như mình không gặp được mentor ở hiện tại, thì có lẽ mình vẫn sẽ sống như những năm 27 tuổi cho đến khi có biến xảy ra. Mình thấy may mắn và không có gì hối hận cả, đối với mình thì không có gì là quá muộn. Mục tiêu tự do tài chính bắt đầu từ những năm cuối của tuổi 20, và mình tin là mình sẽ đạt được ở những năm 30 tuổi, hoặc 40 tuổi, hoặc bất cứ khi nào cũng được, mình hài lòng với điều đó, cái mình luôn hướng đến là tương lai chứ không phải là sự hối tiếc vì quá khứ đã không làm.